Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Cao thủ nuôi lợn an toàn giữa vùng dịch

Cao thủ nuôi lợn an toàn giữa vùng dịch
Tác giả: Cao Bá Khoát
Ngày đăng: 11/07/2019

Anh Hoàng Văn Trị, 49 tuổi ở thôn Trà Khê, xã Tân Lập, huyện Vũ Thư, Thái Bình làm giàu ngay trên đất quê mình bằng nghề nuôi lợn và trồng cây cảnh.

Anh Trị cho lợn ăn cây chuối thái nhỏ trộn với muối.

Anh Trị bảo, ngày đầu lập gia trại chăn nuôi, mọi việc chưa quen, anh vô cùng lúng túng. Nhập 80 con lợn sữa, mỗi con 7 - 8 kg. Hàng ngày vợ chồng anh nấu 16 nồi cám cho lợn ăn. Vất vả lắm, nhưng rất vui vì lứa lợn đó, anh thắng đậm. Do giá thịt lợn hơi tăng từ 25.000 đồng lên 42.000đồng/kg, doanh thu đạt 140 triệu đồng.

Niềm vui chưa chưa kịp thấm đậm thì lứa lợn thứ hai, cả 65 con lợn dính dịch sốt ban đỏ, bỏ ăn và giảm cân rất nhanh. Những con nặng từ 100 kg chỉ sau ít ngày giảm trọng lượng còn 60 kg, lứa đó anh lỗ 50 triệu.

Tuy thất bại nặng nề nhưng anh Hoàng Văn Trị không nản chí, tiếp tục nhập 80 con giống lợn siêu nạc về nuôi bằng cám công nghiệp.

Được tài trợ xây bể biogas nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và cung cấp khí đốt ổn định, tiết kiệm chi phí SX, anh Trị mạnh dạn lập trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, tại khu đồng Vô Ngại.

Trang trại rộng 1.584 m2 (4 sào rưỡi), gồm một dãy chuồng, chia làm 6 gian, nuôi 100 con lợn và vẫn duy trì các dãy chuồng ngay trong khuôn viên gia đình, nuôi 100 con.

Nhiều người không hiểu cho rằng Hoàng Văn Trị “điếc không sợ súng”, nuôi lợn trong thời điểm này gặp nhiều loại dịch bệnh như sốt ban đỏ, tai xanh, lở mồm lonh móng và nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Nhiều gia đình trong xã và các xã lân cận đều có lợn dính bệnh, số lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi không phải là ít. Ngay trang trại của anh cũng có 100 con lợn ở khu trại đồng Vô Ngại, có nguy cơ bị bệnh.

Nắm bắt tình hình và thường xuyên kiểm tra, phát hiện nên anh đã lên lịch xuất chuồng sớm. Mặc dù biết xuất chuồng vào thời điểm đó sẽ bị lỗ khoảng 150 triệu. Riêng đàn lợn 100 con nuôi tại khuôn viên gia đình không bị dịch tả lợn châu Phi.

Anh Trị vừa giỏi chăn nuôi, vừa làm sinh vật cảnh giỏi.

Tôi hỏi bí quyết nào để phòng tránh đàn lợn nuôi tại gia trại không dính bệnh? Anh Hoàng Văn Trị cho biết, sở dĩ đàn lợn không dính dịch tả lợn châu Phi là do anh thường xuyên tham gia các buổi tập huấn phương pháp chăn nuôi, cách chăm sóc và phòng dịch bệnh...

Bản thân anh Trị rất ham học hỏi kinh nghiệm phòng tránh dịch bệnh cho lợn trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả trên mạng xã hội.

Đặc biệt từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, anh ngừng ngay việc dùng nước máy, chuyển sang sử dụng nước giếng khoan để nấu cám cho lợn ăn.

Anh bảo, thấy có người đem lợn bị chết do dịch tả lợn châu Phi ném xuống sông, sợ lợn bị lây bệnh nên anh không dùng nước máy nấu cám. Hàng ngày vợ chồng anh giã tỏi trộn với cám và dùng muối hạt trộn với cây chuối thái nhỏ cho lợn ăn.

Ngoài ngõ, trong sân và trước cửa chuồng lợn, anh giải mền bông, rắc vôi bột để sát trùng ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập vào chuồng lợn.

Chính vì cách làm đó nên 100 con lợn của anh Trị nuôi trong các ô chuồng trong khuôn viên nhà, đến thời điểm này vẫn an toàn.

Theo ước tính của anh Trị, đàn lợn 100 con (bình quân 90 kg/con) sau chiến dịch dập tắt bệnh dịch tả lợn châu Phi, giá nhích lên khoảng 50.000/kg lợn hơi, thì chắc chắn anh sẽ có trong tay khoảng 100 triệu tiền lãi.

Hiện tại, anh Hoàng văn Trị đang tích cực vệ sinh khu chuồng trại ở đồng Vô Ngại, nhập tái đàn khoảng 120 con về nuôi, tích cực thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh để có sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường.

Trước khi mở trang trại chăn nuôi lợn, anh Hoàng Văn Trị đã làm đủ các nghề như cầy bừa, cuốc đất thuê, đun xiếc để đánh bắt tôm tép, giết mổ lợn bán trong chợ quê. Sau này khi đã có trang trại nuôi lợn, vợ chồng anh vẫn duy trì nghề làm vườn truyền thống...

Anh Trị tâm sự: Nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn, có thắng, có thua, nhưng không nên nản chí. Có vấp ngã thì tự mình đứng dậy, thua keo này bày keo khác, chuyên tâm học hỏi kinh nghiệm để làm giàu chính đáng...


Có thể bạn quan tâm

Lưu ý khi phun thuốc bảo vệ thực vật Lưu ý khi phun thuốc bảo vệ thực vật

Không phòng sâu hay cứ nhìn thấy có sâu là phun hoặc khi sâu gây hại xong rồi lại đi phun thuốc quá muộn lúc sâu đẫy sức hay đã vào nhộng.

11/07/2019
Phát triển sinh vật cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao Phát triển sinh vật cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao

Phát triển sinh vật cảnh thành kinh tế sinh thái có giá trị cao; từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp cân bằng hệ sinh thái, môi trường sáng - xanh - sạch

11/07/2019
Hiệu quả kinh tế của cây hoa huệ Hiệu quả kinh tế của cây hoa huệ

Trồng hoa huệ có nhiều ưu điểm như: không tốn công làm cỏ, chăm sóc, ít phải sử dụng thuốc trừ sâu, không phải dùng điện để kích hoa nở, phù hợp với điều kiện

11/07/2019