Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Canh tác lúa thông minh giải nhiều bài toán cho ngành lúa gạo

Canh tác lúa thông minh giải nhiều bài toán cho ngành lúa gạo
Tác giả: GS.TS Mai Văn Quyền
Ngày đăng: 11/01/2022

Việt Nam cần ổn định 3,5 triệu ha đất để bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu. Vậy người trồng lúa cần làm gì để nâng cao năng suất, hiệu quả?

Mô hình canh tác lúa thông minh của Công ty Bình Điền giúp người trồng lúa nâng cao năng suất, hiệu quả gieo trồng. Ảnh: Ngọc Vân.

Năm 1976, sau khi giải phóng Miền Nam, diện tích gieo trồng lúa cả nước có hơn 5,3 triệu ha, với hệ số quay vòng khoảng 1,3 thì diện tích đất lúa mới đạt khoảng 4 triệu ha. Năm 1990, hạt gạo đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam đã trở lại trên thị trường thế giới.

Về năng suất lúa, năm 1975 mới đạt 2,12 tấn/ha, đến năm 1995 là 3,57 tấn, rồi chỉ 5 năm sau, năm 2000 năng suất lúa vượt lên đến 4,24 tấn/ha. Và đến năm 2018, con số này là 5,81 tấn/ha, vượt qua năng suất lúa của nhiều nước có truyền thống sản xuất lúa gạo trên thế giới.

Tiếc rằng, năng suất lúa cao, sản lượng gạo nhiều nhưng người trồng lúa vẫn thu nhập thấp hơn các ngành khác. Vì vậy, Nhà nước chủ trương giảm diện tích lúa để dành đất cho các cây, con khác nhằm có thu nhập cao hơn, cải thiện tốt hơn đời sống bà con trồng lúa.

Với điều kiện ở ĐBSCL, vùng đất trồng lúa là nơi ngập nước nhiều tháng trong năm, độ phì tự nhiên khá cao, nhiệt độ mát mẻ quanh năm, với cây lúa thì là thiên đường, nhưng với cây trồng cạn thì cần được kiến thiết lại cơ sở hạ tầng, rất tốn kém.

Đã có nhiều nông dân chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây ăn quả hay rau màu, tưởng là có giá trị cao nhưng thiếu thị trường, nhiều khi đến vụ thu hoạch mà không bán được, trong lúc đó thiếu hệ thống chế biến nên sản phẩm bị hư hỏng, giảm phẩm cấp và cuối cùng hiệu quả kinh tế mang lại không bằng trồng lúa.

Qua 5 năm chuyển đổi, đã có trên 300.000 ha đất lúa trong cả nước đã từ biệt cây lúa để làm bạn với cây khác, nông dân cũng đã tốn khá nhiều chi phí để đầu tư, nhưng khi giá lúa lên cao, không ít bà con lại san đất để trồng lại cây lúa (trường hợp ở ĐBSCL).

Vậy biện pháp gì để tăng được thu nhập trên đất lúa? Đó là biện pháp tiết kiệm hơn nữa đầu vào và tăng chất lượng hạt gạo để tăng thu nhập cho bà con. Nhóm biện pháp này chính là giải pháp canh tác lúa thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu mà Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền (thương hiệu Phân bón Đầu Trâu) đã cùng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và bà con nông dân của 13 tỉnh ĐBSCL thực hiện từ năm 2016 cho đến hiện tại.

Về mặt tiết kiệm đầu tư: Nông dân tham gia trong chương trình đều thừa nhận họ đã thực sự tiết kiệm trung bình được 45 - 50kg giống cho 1 ha, chỉ cần thử tính trong phạm vi ĐBSCL, nếu cả 3.895.000 ha gieo trồng lúa đều thực hiện biện pháp canh tác lúa thông minh thì mỗi năm đã tiết kiệm được được 194.750 tấn thóc mà không cần phải đổ mồ hôi công sức.

Về phân bón, cũng giảm được 30 - 45 kg NPK nói chung, đặc biệt giảm được từ 25 đến 55 kg phân Ure/ha. Về khoản này, chỉ lấy khiêm tốn là giảm 30 kg Ure/ha thì với 3.895.000ha lúa ở ĐBSCL cũng sẽ tiết kiệm được 116.850 tấn Ure. Tham gia chương trình bà con cũng giảm được 2 - 3 lần phun thuốc/vụ.

Nông dân tham gia chương trình đã biết sử dụng nước có hiệu quả hơn, tiết kiệm công chăm bón, nhưng năng suất lúa lại cao hơn so với cách làm truyền thống từ 200 - 800 kg thóc/ha. Nếu tính khiêm tốn mức tăng năng suất lúa nhờ áp dụng canh tác lúa thông minh bình quân cho cả vùng là 350 kg/ha, lợi nhuận bình quân mang lại cao hơn đối chứng từ 2,5 triệu đến 5,5 triệu đồng/ha, có tỉnh thu lợi đến trên 10 triệu đồng/ha.

Trong chương trình cũng khuyến khích trồng các giống lúa có chất lượng cao như ST25, ST24, OM18, Đài thơm 8, OM4900, Hương Châu 6. Vì vậy, khi giá gạo xuất khẩu tăng, bà con cũng được trả giá lúa cao hơn 15 - 30% so với giá thu mua của nhiều năm trước.

Thông qua chương trình, người trồng lúa cũng được trang bị thêm kỹ thuật sản xuất lúa tiên tiến để đạt được thương hiệu lúa gạo theo tiêu chuẩn an toàn, môi trường sinh thái được cải thiện tốt hơn.

Việc trồng các giống lúa chất lượng cao cũng đã thực sự góp phần làm cho giá gạo xuất khẩu tăng lên. Ví dụ, năm 2020, tỷ lệ lúa có chất lượng cao trong sản xuất cả nước đã cao hơn 74% (so với năm 2015 tăng hơn 50%) và chiếm trên 85% trong tổng số lượng gạo xuất khẩu.

Nhờ vậy, giá bán cũng tăng so với nhiều năm trước. Năm 2019 gạo cùng phẩm cấp bán được 440 USD/tấn thì năm 2020 giá này là 496 USD/tấn, cao hơn 56 USD. Điều đáng mừng là với tiến bộ nói trên, làm cho giá gạo cùng phẩm cấp đều cao hơn gạo của Thái Lan từ 15 - 30 USD/tấn.


Có thể bạn quan tâm

Chế phẩm vi sinh giải bài toán chăn nuôi nông hộ Chế phẩm vi sinh giải bài toán chăn nuôi nông hộ

Quy trình chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học của Tập đoàn Quế Lâm đã được Bộ NN-PTNT ban hành làm tài liệu phổ cập, trở thành giải pháp của chăn nuôi nông hộ.

11/01/2022
Xử lý phế thải chế biến tinh bột sắn thành phân bón hữu cơ Xử lý phế thải chế biến tinh bột sắn thành phân bón hữu cơ

Nhóm nghiên cứu của Viện Môi trường Nông nghiệp đã nghiên cứu 3 chủng vi sinh vật có hoạt tính chuyển hóa hydratcacbon giúp xử lý hiệu quả chất thải chế biến

11/01/2022
Chế phẩm probiotics 'made in Việt Nam' Chế phẩm probiotics 'made in Việt Nam'

Theo kết quả thí nghiệm của TS Phạm Kim Đăng, sử dụng chế phẩm probiotics do 1 doanh nghiệp trong nước sản xuất, vật nuôi tăng sức đề kháng, tăng lượng thức ăn

11/01/2022
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.