Canh tác dừa hữu cơ thân thiện với môi trường, hiệu quả cao
Chuyển sang chăm sóc dừa theo chuẩn hữu cơ gần 3 năm nay, ông Đoàn Văn Tâm ở Tổ NDTQ số 12, ấp Thạnh Tây, xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam đã nhận thấy sự phát triển khác biệt và đạt hiệu quả cao trên gần 10 công đất trồng dừa của mình. Với chất lượng phát triển theo chuẩn hữu cơ, vườn dừa của ông Tâm đã được công nhận là một trong các vườn dừa bố mẹ trên địa bàn tỉnh, với 70 cây dừa ta bố mẹ đạt chuẩn và đủ điều kiện cung cấp dừa giống cho người dân.
Cán bộ khuyến nông xã Hương Mỹ trao đổi với nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc dừa hữu cơ. Ảnh: Thanh Đồng
Ông Đoàn Văn Tâm bắt đầu trồng dừa từ năm 1993, là người kỹ tính, ông thường xuyên chăm sóc vườn dừa sạch đẹp, đắp bờ, dọn cỏ, bơm nước tưới hợp lý nên 10 công vườn dừa lúc nào cũng sạch đẹp và thoáng.
Một trong các nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ là không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất. Trồng dừa đạt chuẩn hữu cơ cũng vậy, vườn dừa phải sạch, tuyệt đối không sử dụng hóa chất hay phân vô cơ mà chỉ bón hoàn toàn bằng phân chuồng. Từ lâu, nhận thấy phân vô cơ có ảnh hưởng xấu tới chất lượng của cây dừa, ông đã chuyển sang sử dụng phân hữu cơ tổng hợp cũng đạt hiệu quả. Gần 3 năm trở lại đây, định hướng phát triển vườn dừa theo chuẩn hữu cơ, ông không còn sử dụng phân hữu cơ tổng hợp nữa mà chỉ rải các loại phân chuồng (phân dê, phân gà) ủ hoai với chế phẩm Tricoderma. Ông Tâm cho biết: “Nhiều năm trồng dừa tôi nhận thấy, một khi đã bón phân vô cơ, sinh lý cây dừa không chịu rồi thì rụng trái ngay nên tôi rất cân nhắc trong sử dụng phân bón”.
Theo kinh nghiệm của ông Tâm, để rải phân cho dừa đúng cách và đạt hiệu quả, người nông dân cần nắm rõ đặc điểm sinh học của cây dừa. Tài liệu về đặc điểm sinh học của cây dừa của Sở Khoa học và Công nghệ và Trung tâm Khuyến nông cho biết, hệ thống rễ dừa phần lớn tập trung ở xung quanh gốc trong vòng bán kính từ 1,5 - 2m, có thể ăn sâu vào đất 4m, trong đó 50% rễ tập trung ở 50cm lớp đất mặt. “Dựa trên đặc điểm này, cách bón phân cho cây dừa hiệu quả là bón phân cách gốc từ ít nhất là 1,5m, nơi có nhiều rễ dừa tập trung, có thể hấp thu chất dinh dưỡng một cách tốt nhất”, ông Tâm chia sẻ.
Khi bón phân hữu cơ, vườn dừa của ông Tâm cho trái rất sai và đều, lá thì xanh mướt, cây khỏe, bền sức. Mỗi cây đều cho 1 buồng/tháng, đều đặn. Đợt thu hoạch tháng vừa qua, ông Tâm bán cho Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới 2.500 trái, với giá 50.000 đồng/chục. Bón phân hữu cơ đúng cách còn giúp đất vườn màu mỡ hơn. “Sử dụng phân bón hóa học lâu năm làm cho đất chai cứng, mất chất dinh dưỡng. Khi sử dụng phân chuồng ủ hoai một thời gian, đất trồng có sự biến đổi rõ rệt, đất tơi xốp, giữ ẩm tốt, rễ dừa dễ dàng hút chất dinh dưỡng”, ông Tâm nói.
Theo ông Tâm, chi phí bón phân chuồng và phân tổng hợp trong một lần bón có thể nói là tương đương nhau. Nhưng sử dụng phân chuồng cho tác dụng lâu dài hơn. Nếu dùng phân vô cơ, phân tổng hợp, một năm phải bón đến 4 lần thì khi sử dụng phân chuồng, do phân hữu cơ cung cấp dinh dưỡng thường xuyên cho cây dừa và mang đến hiệu quả lâu dài nên 1 năm ông chỉ phải bón từ 2 - 3 lần, tiết kiệm nhiều chi phí.
Chị Huỳnh Thị Loan - cán bộ khuyến nông xã Hương Mỹ cho biết, xã hiện có 9 vườn dừa đạt chuẩn hữu cơ, đảm bảo: không sử dụng phân hóa học, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, nguồn dinh dưỡng cho vườn dừa được sử dụng từ các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh. Nguồn phân chuồng từ các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Hương Mỹ, kể cả các xã lân cận được chủ các vườn dừa hữu cơ thu mua, ủ hoai và bón cho cây dừa vừa có lợi ích trong sản xuất nông sản sạch vừa góp phần quản lý toàn diện chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Vườn dừa hữu cơ của ông Đoàn Văn Tâm là một trong những mô hình điểm, được Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp tỉnh phối hợp với cơ quan khuyến nông huyện, xã tổ chức cho nông dân trên địa bàn tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm, trao đổi, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc dừa hữu cơ.
Có thể bạn quan tâm
Nằm trong hợp phần của dự án Trường học an toàn do Chính phủ Na Uy tài trợ, mô hình nuôi lợn nái sinh sản quay vòng (hay mô hình sinh kế)
Đây là giống ổi mới, dễ trồng, ít tốn phân bón, công chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên chi phí đầu tư thấp.
Giống nếp Hương Bàu hay còn gọi là Hương Lân có từ rất lâu ở các xã cánh đông của huyện Thăng Bình nhưng đã bị mai một.