Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá rô phi

Cảnh giác cao độ với bệnh do virus TiLV

Cảnh giác cao độ với bệnh do virus TiLV
Tác giả: Lê Bền
Ngày đăng: 28/10/2017

Kết quả giám sát của Cục Thú y cho thấy, tỉ lệ mẫu cá rô phi (có biểu hiện bệnh hoặc bị chết) tại các tỉnh phía Bắc dương tính với virus Tilapia lake (TiLV) là 26,6%. Mặc dù chưa bùng phát thành các ổ dịch, nhưng nguy cơ là rất cao.

Chưa có vacxin phòng bệnh TiLV

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), đến hết năm 2016, diện tích nuôi cá rô phi cả nước đạt khoảng 25.000 ha, sản lượng khoảng 200.000 tấn, kim ngạch XK khoảng 45 triệu USD và là mặt hàng thủy sản XK quan trọng, có nhiều triển vọng của Việt Nam. Những năm gần đây, kim ngạch XK cá rô phi của Việt Nam liên tục tăng rất mạnh, với mức tăng hàng năm trên 30%, có năm lên tới 60-70%.

Hiện các sản phẩm cá rô phi của Việt Nam đã được XK sang gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các thị trường XK rô phi lớn nhất của Việt Nam là Mỹ (kim ngạch trên 6 triệu USD/năm), Tây Ban Nha (kim ngạch trên 3 triệu USD/năm) và Colombia (kim ngạch trên 3 triệu USD/năm)... Tại thị trường Mỹ, Việt Nam là nguồn cung cấp sản phẩm cá rô phi lớn thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Đài Loan, chiếm 10% thị phần. Đây cũng là mặt hàng đứng thứ 4 trong tốp 10 loại thủy sản được ưa chuộng tại Mỹ...

Mới đây, Bộ NN-PTNT đã ban hành quyết định quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi giai đoạn 2020, định hướng 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, sản lượng cá rô phi của cả nước sẽ đạt khoảng 300.000 tấn, trong đó có khoảng 50-60% sản lượng đáp ứng tiêu chuẩn XK.

Bộ NN-PTNT cũng ban hành hướng dẫn áp dụng VietGap vào nuôi cá rô phi để ổn định chất lượng sản phẩm ngay từ những ngày đầu phát triển. Hiện có 4 dự án đầu tư vùng nuôi rô phi tập trung để phục vụ XK đang được triển khai tại Quảng Ninh, Đăk Lăk, Kiên Giang và Sóc Trăng...

Với triển vọng rất lớn của mặt hàng này, việc đảm bảo an toàn dịch bệnh trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh do virus TiLV đang là nhiệm vụ hết sức cấp bách, đặc biệt đây là bệnh rất mới, hiện thế giới chưa có vacxin phòng bệnh.

Theo Cục Thú y, kết quả giám sát tiến hành trên 163 mẫu cá rô phi có hiện tượng bất thường (cá chết hoặc bệnh tích) tại một số tỉnh phía Bắc cho thấy, đã có 46 mẫu dương tính với bệnh TiLV, chiếm tỷ lệ 26,6%. Cá rô phi giống và cá thương phẩm đều phát hiện nhiễm TiLV. Hiện nguy cơ bùng phát dịch do virus TiLV là rất cao tại các tỉnh gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Bắc Ninh, Tiền Giang.

Những năm gần đây, tình hình nhập khẩu giống cá rô phi theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc về các tỉnh phía Bắc là rất phổ biến. Đây cũng là nguy cơ bùng phát dịch rất nguy hiểm bởi Đài Loan hiện đã công bố dịch, còn Trung Quốc mặc dù chưa công bố dịch, nhưng đã được các tổ chức quốc tế cảnh báo có nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Trước tình hình này, Cục đã có báo cáo với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về phòng chống buôn lậu đề nghị phối hợp kiểm soát chặt việc nhập khẩu giống cá rô phi qua các cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu biên giới phía Bắc. Đồng thời, bắt buộc kiểm dịch chặt chẽ 100% đối với các lô giống cá rô phi khi vận chuyển vào địa bàn các tỉnh.

Cục Thú y cũng cho biết, hiện Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cũng đang xúc tiến việc đưa virus TiLV vào danh mục bệnh mới trên thủy sản. Theo đó trong thời gian tới, Cục sẽ sớm trình Bộ NN-PTNT đưa bệnh này vào danh mục thuộc diện bắt buộc kiểm dịch tại Việt Nam.

Không vứt cá chết ra môi trường

Theo Cục Thú y, hiện nay, chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh do virus LiLV gây ra. Vì vậy, cần áp dụng các biện pháp sau khi nghi ngờ hoặc phát hiện bệnh do TiLV gây ra trên cá rô phi theo hướng dẫn sau:

- Thực hiện các biện pháp phòng chống được quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ NN-PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; trong đó lưu ý các biện pháp:

+ Nếu có hiện tượng cá rô phi chết nhiều bất thường, phải báo ngay cho cơ quan thú y nơi gần nhất để triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống.

+ Tuyệt đối không vận chuyển cá rô phi sống từ các ao nuôi đã bị bệnh sang các ao/vùng nuôi không bị bệnh để hạn chế dịch bệnh lây lan.

+ Không vứt cá chết, cá bệnh, xả thải nước ao nuôi bị bệnh nhưng chưa qua xử lý ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh; xử lý cá chết và chất thải theo hướng dẫn tại Phụ lục VI Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT.

- Cá rô phi giống trước khi thả nuôi cần được lấy mẫu gửi phòng thử nghiệm có đủ năng lực để xét nghiệm sàng lọc đối với mầm bệnh TiLV.

- Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tăng cường quản lý ao nuôi để hạn chế mầm bệnh lây lan.


Có thể bạn quan tâm

Hướng dẫn phòng, chống bệnh do TiLV trên cá rô phi Hướng dẫn phòng, chống bệnh do TiLV trên cá rô phi

Sự bùng phát và lây lan của dịch bệnh do Tilapia lake virus (TiLV) gây ra trên cá rô phi tại 3 châu lục, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

05/10/2017
Cá rô giống thả 3 ngày bị sưng, bơi chậm, nổi đốm trắng Cá rô giống thả 3 ngày bị sưng, bơi chậm, nổi đốm trắng

Cá rô phi mới thả bị đốm trắng vì nấm bám vào. Nguyên nhân do cá bị xây xát khi đánh bắt và vận chuyển, thả gặp nhiệt độ thấp (dưới 20 độ C) cá sẽ bị nấm

18/10/2017
Cá rô phi đối mặt bệnh mới đặc biệt nguy hiểm Cá rô phi đối mặt bệnh mới đặc biệt nguy hiểm

Một loại virus mới đặc biệt nguy hiểm có tên Tilapia lake virus (TiLV) gây bệnh trên cá rô phi, có thể làm chết đến 90% cá thể nhiễm bệnh đã được phát hiện

25/10/2017
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.