Cánh đồng dược liệu thuận tự nhiên trên đất đỏ Tây Nguyên
Những cây thảo dược được trồng đan xen nhau từng lớp, cung cấp nguồn thảo dược sạch để chế biến trà.
Nông dân làm cỏ trên cánh đồng dược liệu. Ảnh: Bizmedia.
Xã Ea Ô, huyện EaKar, tỉnh Đắk Lắk có hơn 10ha đất trồng dược liệu. Thay vì trồng chuyên canh một loại cây trồng, bà con nơi đây lại cấy đan xen nhiều loại thảo dược như xạ đen, trinh nữ hoàng cung, bồ công anh tím, đinh lăng, hoàn ngọc…
Đây là nguồn nguyên liệu sạch để phục vụ chế biến trà thảo mộc do ông Phan Đình Xuân thuyết phục bà con liên kết tham gia. Vốn có nghề thuốc gia truyền, lại nhận thấy quanh vườn nhà có nhiều loại cây có thể làm thuốc, ông Xuân cùng bà con liên kết trồng dược liệu để làm nguồn nguyên liệu cho chế biến trà.
Vùng đất được chọn nằm cách ly với những khu vực nông nghiệp khác và có vùng đệm, hàng rào sinh học. Trên cánh đồng thảo dược, xạ đen, đinh lăng, mướp đắng, chùm ngây, hoàn ngọc, măng tây, cả dưa hấu, đậu đen, sài đất… trồng đan xen và cùng nhau sinh trưởng.
Ý thức được tầm quan trọng của yếu tố sạch trong sản xuất dược liệu, nông dân ở đây không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc diệt cỏ mà chỉ bón phân hữu cơ và làm cỏ bằng tay khi cỏ lên quá tốt. Do không sử dụng thuốc sâu nên người dân dựa theo kinh nghiệm mà trồng loại cây cao, thấp, ưa nắng, ưa bóng xen kẽ để giảm sâu bệnh.
Các ô ruộng rậm rạp trông như bỏ hoang nhưng thực ra đó là cánh đồng dược liệu. Ảnh: Bizmedia.
Những cây chùm ngây, hoàn ngọc, có thân gỗ sẽ vươn lên cao hơn trong khi cây tầm thấp vừa là đinh lăng, xạ đen, bồ công anh… Rau ngót nhật, mướp đắng, sài đất sẽ bò lan dưới mặt đất. Các cây họ đậu được trồng như cây phân xanh bổ sung đạm cho đất và thân cây dùng để ủ phân hữu cơ. Mùa mưa, ngoài nguồn nước mưa, bà con đào giếng khơi để có nước tưới sạch.
Thời điểm thu hái lá thường là lúc mặt trời lên, sương ráo. Theo ông Xuân, lúc ấy, các loại côn trùng, thiên địch đã tìm được nơi trú ẩn hoặc không còn bám trên cây nên có thể thu hoạch. Các loại cây, lá này được rửa sạch, trời nắng nhẹ thì phơi trực tiếp dưới ánh sáng còn nắng to sẽ phơi khô trong bóng râm nhằm giữ lại chất diệp lục và giá trị dược liệu của cây.
Sau khi kết hợp cùng nấm linh chi, cỏ ngọt, người dân sẽ đóng thành trà túi lọc tại cơ sở chế biến trà Xuân Sang trên địa bàn xã Ea Ô. Cách làm này không những giúp tiêu thụ thuận tiện hơn mà còn bảo quản sản phẩm lâu hơn và dễ dàng vận chuyển đi xa.
Thu hái cây bồ công anh, rau ngót nhật trong vườn làm dược liệu. Ảnh: Bizmedia.
Trà chế biến từ những loại cây dược liệu này giúp bà con tận dụng diện tích đất vườn, tốn ít công chăm bón, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương. Sản phẩm trà túi lọc từ thảo dược đã có mặt tại nhiều tỉnh thành khắp cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM.
Có thể bạn quan tâm
Ông Đức khẳng định bất cứ ngành nào cũng có rủi ro, cây ăn trái cũng không ngoại lệ nên đã chủ động lập ra nhiều hàng rào phòng vệ.
Sấy trong môi trường yếm khí, thanh long Bình Thuận vẫn giữ được trọn vẹn hương vị, mùi thơm, vị ngon, giòn và chua nhẹ của quả tươi.
Làm thức ăn từ bỏng ngô, phòng bệnh bằng thảo dược, lót đệm sinh học... là những cách làm ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao.