Cẩn trọng sâu bệnh hại lúa tại Nam Định
Thời tiết âm u kéo dài, độ ẩm cao… là điều kiện “lý tưởng” để các loại sâu, dịch bệnh gây hại lúa xuân, đe dọa đến tình hình năng suất lúa của người dân.
Người dân chủ động phun thuốc trừ sâu phòng trừ sâu gây hại trên lúa. Ảnh: Mai Chiến.
Vụ xuân 2020, toàn tỉnh Nam Định gieo cấy khoảng 73.100ha lúa, trong đó lúa thuần chiếm 85% diện tích. Việc gieo cấy diễn ra tập trung, nhanh, gọn, cơ bản lúa cấy trong khung thời vụ an toàn.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Nam Định, lúa sẽ trỗ tập trung vào đầu và trung tuần tháng 5. Vụ xuân năm nay, do nhuận hai tháng Tư âm lịch, cùng với đó là không khí lạnh tăng cường gây ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ trong đó có tỉnh Nam Định kèm theo mưa ẩm kéo dài, có nơi mưa vừa, mưa to và giông lốc.
Đây là điều kiện rất thuận lợi gây nguy cơ bùng phát trên diện rộng các đối tượng sâu, bệnh nhất là bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá đồng thời khó khăn trong việc tổ chức phòng trừ dịch hại. Kết quả điều tra cho thấy, sâu cuốn lá nhỏ có mật độ sâu cao hơn so với TBNN, mức độ gây hại cao. Toàn tỉnh này cần phun trừ khoảng 68.000 ha (93% diện tích).
Bên cạnh đó, rầy lứa 2 (chủ yếu rầy lưng trắng) nở rộ từ ngày 20 - 27/4, mật độ phổ biến 300 - 500 con/m2, cao 2.000-3.000 con/m2. Rầy lứa 2 có mật độ cao và phân bố chủ yếu ở các huyện phía Nam tỉnh, phía Bắc tỉnh gây hại cục bộ.
Bệnh đạo ôn lá đã phát sinh và gây hại cục bộ trên các giống nhiễm như Đài thơm 8, Nếp, BC15, Q5... Quy mô và mức độ gây hại thấp hơn cùng kỳ năm trước.
Dự báo, thời tiết trong thời gian tới diễn biến phức tạp (mưa phùn, mưa giông, lốc…). Đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông gây hại, tập trung trên các giống nhiễm, nhất là diện tích đã bị nhiễm bệnh đạo ôn lá và khi lúa trỗ gặp mưa.
Ngoài ra, bệnh khô vằn cũng đã xuất hiện trên tất cả các trà lúa, tỷ lệ bệnh phổ biến 3 - 5%, cao 7 - 10%, cục bộ >40%. Thời gian tới, bệnh sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan mạnh trên các trà lúa từ nay đến cuối vụ.
Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn đang có nguy cơ phát sinh, gây hại mạnh trên lúa xuân do lượng mưa từ đầu vụ đến nay cao hơn TBNN cùng với thời điểm rút nước lộ ruộng có mưa nhỏ, mưa phùn nên ảnh hưởng đến chất lượng rút nước lộ ruộng; khả năng sẽ có mưa lớn vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tạo điều kiện cho bệnh bạc lá bùng phát ở diện rộng.
Bà Bùi Thị Mai (huyện Trực Ninh) cho hay, sau khi có thông báo về lịch phun thuốc trừ sâu gây hại trên lúa, gia đình bà đã chủ động mua thuốc về phun trừ từ ngày 20/4. Song thời tiết âm u kéo dài, ít nắng, mưa to trên diện rộng nên phần nào cũng ảnh hưởng đến kết quả của việc phun thuốc.
“Sau 5 ngày phun thuốc, tôi trực tiếp ra lội ruộng, kiểm tra tình hình dịch bệnh thì một số sâu bệnh có thuyên giảm. Tuy nhiên, bướm trưởng thành vẫn còn nhiều vô cùng, bước chân đi đến đâu là chúng bay tua tủa lên đến đó. Dự kiến 2-3 hôm nữa, gia đình sẽ phun trừ lại lần nữa để không bị ảnh hưởng đến năng suất”, bà Mai nói.
Trước những diễn biến phức tạp của sâu bệnh gây hại, ngay từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 dương lịch, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định đã tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng; chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân tập trung phòng trừ sâu, bệnh một cách hiệu quả nhất để đạt thắng lợi.
Tại một số địa phương, bướm trưởng thành vẫn còn tồn tại nhiều, có nguy cơ gây hại lúa. Ảnh: Mai Chiến.
Sở NN-PTNT Nam Định đã chỉ đạo các địa phương nắm chắc phát dục các trà lúa và tiến độ lúa trỗ, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có kế hoạch phòng trừ kịp thời sinh vật gây hại trên lúa, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông trên các giống nhiễm; sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, rầy lưng trắng và bệnh khô vằn.
Trước mắt tổ chức tốt đợt cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, kết hợp với rầy lứa 2 và bệnh khô vằn tập trung từ ngày 22 - 30/4 theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành. Phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa lúa trỗ 3 - 5% số bông với phương châm “ruộng trỗ trước phun trước, ruộng trỗ sau phun sau” đối với các trà lúa trỗ bông trước ngày 10/5…
Có thể bạn quan tâm
Lươn đồng (Monopterus albus) hiện nay đang được nuôi và phát triển mạnh mẽ ở Đồng bằng sông Cửu Long, các hộ dân tận dụng diện tích nhỏ quanh nhà để làm bể lót
Măng tây được mệnh danh là “rau hoàng đế”, giá trị cao, nhưng trồng và chăm sóc loài cây này không dễ. Từng có nhiều người tham gia trồng thử nghiệm
Việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và hướng tới phát triển bền vững.