Cần Đầu Tư Nhiều Hơn Cho Nông Nghiệp
Sáng nay (23/5), thảo luận tại tổ về việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014. Nhiều đại biểu nêu vấn đề, cùng với việc tái cấu trúc nền kinh tế, bên cạnh tái cấu trúc thị trường, trọng tâm phải giải quyết bài toán nông nghiệp.
Đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) bày tỏ lo lắng: Tăng trưởng về nông nghiệp, 3 năm gần đây ngày càng thụt lùi, chứng tỏ đời sống nông dân khó khăn. Trong thành tích nông thôn mới, nhiều làng quê khang trang.
Bề ngoài rất phấn khởi nhưng bên trong vẫn còn tình trạng chạy đua thành tích, không bền vững. Nhiều đơn vị vay tiền trước để đầu tư. Có những huyện nợ đầu tư xây dựng nông thôn mới hàng trăm tỷ. “Nhiệm kỳ này ông vay tiền đầu tư để lại nợ cho khóa sau” – đại biểu nêu thực trạng.
Cùng chia sẻ về nội dung này, đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cho rằng, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp vẫn làm theo kiểu mùa vụ, không có chiến lược nên người nông dân khi sản xuất ra vẫn được mua mất giá. Dịch bệnh chưa đến thì nông dân đã chết rồi.
Cần có chiến lược qui hoạch lại khu vực sản xuất nông nghiệp. Chính phủ đặt mục tiêu đảm bảo người nông dân lãi 30% nhưng chưa làm được.
Bên cạnh đó, cũng theo đại biểu Trịnh Thế Khiết, sản phẩm nông nghiệp lớn nhưng việc tạo điều kiện cho DN vào được sau thu hoạch, công nghiệp chế biến còn hạn chế. Nhiều DN muốn vào để làm sau thu hoạch nhưng cơ chế chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính phủ cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho chế biến nông sản.
Ngoài ra, Nhà nước cần thành lập các đội tàu để hỗ trợ ngư dân bám biển. Đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ rõ, tình hình kinh tế vĩ mô đang đi đúng nhưng nhưng còn chậm.
Năm 2013, GDP 5,42%. Bình quân 3 năm gần đây mỗi năm GDP tăng 5,6%, thấp hơn 3 năm trước đó. Hiệu quả đầu tư đã được cải thiện. Xuất siêu 5 tháng đầu năm khoảng 1 tỷ USD, góp phần tăng dự trữ ngoại hối (35 tỷ USD), tỷ giá ổn định.
Lạm phát được kiềm chế. Tuy nhiên, tình hình biển Đông gần đây, trong đó có vụ việc doanh nghiệp bị thiệt hại cũng gây ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, vì vậy cần phải chủ động mọi giải pháp để hạn chế những tác động tiêu cực.
Đồng tình với các giải pháp của Chính phủ báo cáo Quốc hội, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng về dài hạn, cần tái cơ cấu nền kinh tế và hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, trước mắt cần đẩy nhanh 6 giải pháp.
Trong đó hàng đầu là thu hút sức mạnh đoàn đoàn kết dân tộc, muốn thế các bộ ngành, địa phương phải giải quyết nhanh những kiến nghị của cử tri đã nêu tại kỳ họp này. Làm nhanh để tạo niềm tin cho dân, huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân.
Cùng với đó, làm nhanh, làm tốt chỉ đạo của Thủ tướng về hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại để lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư.
Đặc biệt, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị cần đầu tư tốt cho nền nông nghiệp, tránh tình trạng "được mùa mất giá", chuyển từ sản xuất nhỏ sang lớn. “Đối với ngư dân, họ nghèo, tinh thần chiến đấu, bám biển cao, nhưng lại thiếu đội tàu tàu. Vì vậy, Chính phủ cần hỗ trợ đội tàu lớn cho ngư dân.
Ngành GT-VT đã tiết kiệm 35.000 tỷ đồng do tái cơ cấu đầu tư, thay vì đầu tư cho đường bộ hãy đầu tư đội tàu cho ngư dân. Ngành dầu khí hưởng lợi nhiều từ biển, vì vậy cần đầu tư từ cổ tức của mình để hỗ trợ ngư dân. “Tôi đề xuất Nhà nước đầu tư thành lập các đội tàu để ngư dân đi biển, Nhà nước và ngư dân cùng làm ăn”, ĐB Ngân đề xuất.
Hầu hết các ĐBQH có chung đề xuất Nhà nước đầu tư thành lập các đội tàu để hỗ trợ ngư dân bám biển.
Có thể bạn quan tâm
Từ ngày 1.7.2012, hàng năm, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước.
Với niềm đam mê nuôi chim chóc từ thuở còn để chỏm, cộng với tính ham học hỏi, anh Lê Hữu Dũng ở thôn Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị đã trở thành triệu phú từ nghề nuôi chim cút.
Vụ đông xuân 2011 - 2012, Trạm khuyến nông huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã xây dựng mô hình trồng lạc giống mới L14 thâm canh năng suất cao. Mô hình được thực hiện với quy mô 3 ha tại xứ đồng Tre, thôn Thọ Tây, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh), với 35 hộ nông dân tham gia.
Từ một hộ nghèo ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh, bằng sự chăm chỉ và mạnh dạn đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, mô hình nuôi dê và lợn rừng của gia đình anh nông dân Lương Văn Say đã đem lại hiệu quả kinh tế cao
Năng động, biết tận dụng lợi thế đất đai để trồng rừng, chăn nuôi, nhiều ND ở huyện miền núi Nam Đông, Thừa Thiên - Huế đã làm giàu trên chính quê hương của mình.