CẦN BIẾT: Kiến thức cơ bản về trồng rau VietGAP
Để có được thực phẩm sạch trên mỗi bàn ăn gia đình cũng như đạt hiệu quả kinh tế trong tiêu thụ..., cần phải thực hiện được vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) ngay từ các khâu sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo quản...
Muốn sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, người trồng rau cần thực hiện và đảm bảo được đầy đủ các yêu cầu sau đây:
+ Chọn đất trồng rau VietGAP: Vùng đất chọn trồng rau VietGAP cần phải được cơ quan có thẩm quyền phân tích các nguy cơ ô nhiễm sinh học, hóa học. Nếu đủ điều kiện theo TCVN hoặc đã được khắc phục ô nhiễm thì cơ sở sẽ được cấp giấy chứng nhận để sản xuất rau an toàn.
* Chú ý: Để vùng trồng rau VietGAP được duy trì bền vững khi chọn cần cách xa các khu vực: Khu công nghiệp, bệnh viện, nghĩa trang, khu chăn nuôi tập trung và đường quốc lộ. Tiến hành đánh giá lại mức an toàn của vùng sản xuất theo định kỳ 3 năm 1 lần.
+ Sử dụng giống và gốc ghép: Hạt hoặc cây giống bị ô nhiễm hóa học (thuốc bảo quản...), có thể tồn dư lâu dài và gây ô nhiễm cho sản phẩm rau. Do đó, để giảm thiểu mối nguy này, người trồng cần phải sử dụng giống rau có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
+ Quản lý đất và giá thể: Hàng năm phải tiến hành phân tích, đánh giá các mối nguy tiềm ẩn trong đất và giá thể bao gồm các mối nguy sinh học và hóa học. Nếu vượt ngưỡng cho phép thì phải xử lý mối nguy bằng ôxy hóa hoặc khử trùng.
+ Sử dụng phân bón và chất bổ sung: (Chất bổ sung là các chất kích thích sinh trưởng, kích thích ra hoa đậu quả ví dụ như GA3, Ethylen...). Phân bón và chất bổ sung tiềm ẩn mối nguy hóa học (phân bón vô cơ) và mối nguy sinh học (phân bón hữu cơ) cho rau quả.
Trong đó phân bón vô cơ nhất là phân đạm urê sẽ gây ô nhiễm về dư lượng nitơrat (NO3) cho người sử dụng nếu không được cách ly đúng.
Người trồng rau muốn hạn chế tối đa các mối nguy trên cần phải bón phân đúng kỹ thuật (bón vùi phân hữu cơ, cách ly urê sau khi bón tối thiểu 10 ngày, bón đủ liều lượng và không lạm dụng urê; dùng phân lân có hàm lượng kim loại nặng thấp nhất; phân chuồng cần phải ủ mục trước khi bón...
+ Nước tưới và nước rửa sản phẩm: Khác với sản xuất rau thông thường, sản xuất rau VietGAP đòi hỏi nước tưới và nước rửa phải riêng biệt (nước tưới rau yêu cầu là nước an toàn nhưng nước rửa rau phải là nước sạch- nước máy).
Tuyệt đối không dùng nước giếng khoan chứa kim loại nặng hoặc nước bị ô nhiễm như nước thải từ khu dân cư, bệnh viện, nước phân tươi... để tưới rau.
+ Dùng thuốc BVTV và các hóa chất khác: Để giảm thiểu mối nguy hóa học cho rau quả người trồng cần phải tuân thủ các quy định trong khi sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng).
+ Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch: Trong quá trình thu hoạch và sơ chế, đóng gói sản phẩm người trồng cần chú ý vệ sinh thường xuyên nhà xưởng, trang thiết bị, không sử dụng nước tưới để rửa rau, không để sản phẩm rau quả trực tiếp xuống đất, không đeo trang sức, phòng chống an toàn dịch hại khu nhà xưởng và kho bảo quản rau, bóng đèn trong nhà xưởng phải có mạng bảo vệ, vệ sinh cá nhân sao cho tốt...
* Chú ý: Khác với sản xuất rau thông thường, sản xuất rau VietGAP người trồng cần phải ghi chép và lưu trữ hồ sơ ở mỗi khâu trong quá trình sản xuất (nhật ký sản xuất) mới đảm bảo được ATTP.
Có thể bạn quan tâm
Vẫn bón phân, phun thuốc trừ sâu… nhưng nếu chăm sóc đúng, rau muống vừa sạch lại vừa non.
Rau muống là thực vật gắn bó lâu đời với người Việt Nam, đặc biệt với người dân phía Bắc. Hiện nay, người dân có thể tự trồng rau cho mình bằng nhiều phương pháp do kỹ thuật trồng cây của rau muống không quá phức tạp.
Kỹ thuật trồng rau muống sạch trong thùng xốp tại nhà - Phần 2