Cần bàn tay xử lý cả... da, xương, mỡ cá tra
Cá tra từng được ca ngợi là ngành nuôi thủy sản có sự phát triển ngoạn mục, nhưng hiện nay tình hình phát triển gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm 10%, dự báo năm 2016 sẽ tiếp tục suy giảm khi nguyên liệu cá tra đang thiếu hụt. Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến ngành cá tra rơi vào tình cảnh này?
- Ở nước ta, cá tra phát triển từ gần 2 thập kỷ. Năm 2003, cá tra Việt Nam bị kiện chống bán phá giá tại Mỹ. Tới năm 2007, cá tra ở vào thời kỳ phát triển mạnh nhất. Năm 2008, cá tra bắt đầu vào thời điểm thừa cung. Lúc đó, Chính phủ đã hỗ trợ kinh phí với doanh nghiệp (DN) mua cá tra, giúp người nông dân có đầu ra.
Từ giai đoạn năm 2008 đến năm 2011, chúng ra bước vào thời kỳ lạm phát, ngân hàng hạn chế cho vay cả sản xuất lẫn phi sản xuất, các DN cá tra cũng rơi vào tình trạng thiếu vốn sản xuất. Trong thời gian này, nhiều DN lao đao phá sản, một số DN lấy ngắn nuôi dài để tiếp tục tồn tại. Tình trạng đó lặp lại ở năm 2015 đến nay, phát triển cá tra có chiều hướng đi xuống. Bước sang năm 2016, tình hình xuất khẩu cá tra tiếp tục gặp khó khăn ở một số thị trường truyền thống như Mỹ, EU.
Có vẻ những khó khăn này đã không được dự báo trước, thưa ông?
- Vấn đề dự báo tình hình thị trường nước ngoài, khả năng sản xuất trong nước, sự liên kết chặt chẽ giữa lực lượng sản xuất và các DN chế biến xuất khẩu đang là những tồn tại của ngành cá tra. Lực lượng sản xuất và tiêu thụ không nắm bắt được thông tin lẫn nhau để dự báo kịp thời cho phát triển ngành, dẫn đến tình trạng thừa hoặc thiếu nguyên liệu, giá cả lên xuống thất thường, chất lượng lúc đạt lúc không, sự phản ứng với yêu cầu của thị trường kém linh hoạt.
Hiện nay, nhiều hộ nuôi cá tra thua lỗ và đang dần quay lưng với cá tra, các DN cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo ông, vốn đầu tư có phải là điều mà cả DN và người nuôi còn yếu và thiếu không?
- Các DN chế biến xuất khẩu rất nhanh nhạy, họ có thể điều chỉnh được kế hoạch của mình theo nhu cầu thị trường. Xét về tổng thể với chiều dài kinh nghiệm của các nhà chế biến xuất khẩu, những DN có chiến lược phát triển lâu dài vẫn sẽ ổn định như Vĩnh Hoàng, Hùng Cá, Hùng Vương… Thậm chí, đây là cơ hội phát triển cho họ. Đối với những DN sản xuất thiếu thông tin, thiếu liên kết (DN vừa và nhỏ), họ sẽ gặp thách thức khó khăn, mà lực lượng này không hề nhỏ.
Vậy Hiệp hội Cá tra Việt Nam sẽ có những hành động gì để đưa ngành cá tra đi vào quỹ đạo phát triển ổn định, thưa ông?
- Hiệp hội đang tiếp tục nắm bắt thông tin 2 chiều của cả nhà sản xuất và DN chế biến xuất khẩu để có cái nhìn bao quát tổng quan nhất, đồng thời chia sẻ thông tin để tất cả mọi người cùng nắm bắt, phối hợp với nhau cùng đoàn kết phát triển. Hiệp hội đang có gắng thực hiện Nghị định 36, cố gắng làm tốt nhất những nhiệm vụ Nhà nước giao cho. Sau đó sẽ tiến tới tập hợp những nhà chế biến xuất khẩu vào từng thị trường ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung kế hoạch chung và cùng hành động, tuy nhiên việc này đang rất khó, chưa làm được.
Đối với các hộ nuôi, đây là lực lượng được quan tâm xuyên suốt của Bộ NNPTNT cũng như của các hiệp hội. Hiện nay chúng ta đã sàng lọc lại, những hộ làm ăn nhỏ lẻ không có hợp đồng, không có liên kết với các hợp tác xã sản xuất, tổ hợp tác thì sẽ bị mai một, không sản xuất được nữa. Tuy nhiên các hộ nuôi vẫn gặp đang gặp nhiều khó khăn, giá bán cá tra còn bấp bênh, đầu ra chưa ổn định, giá thức ăn cho cá tra chưa bao giờ xuống. Hiện nay, những người nuôi cá tra cần được hỗ trợ vốn để tiếp tục duy trì sản xuất.
Với tình hình này, nhiều ý kiến lo ngại khả năng nguồn cung cá tra sẽ thiếu hụt trầm trọng từ tháng 6 cũng như cả quý III, IV.2016, điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu cũng như kế hoạch doanh số năm nay. Theo ông, liệu có xảy ra tình trạng này?
- Vừa rồi, có một số thông tin giá cá tra giảm, rồi thiếu nguyên liệu cá tra, điều đó hoàn toàn chính xác, tuy nhiên hiện đang có những thông tin không rõ ràng giữa nhu cầu thị trường xuất khẩu và sản xuất nên có những yêu cầu bất thường. Chẳng hạn, DN đang thu mua cá fillet (phi lê) 850 gram/con, thì đột nhiên họ lại đề nghị chuyển sang thu mua cá 750 gram/con. Điều đó cho thấy chúng ta chưa dự báo được thị trường khiến cho bà con nuôi cá tra khó đáp ứng được nhu cầu.
Nếu nhà sản xuất và nhà chế biến xuất khẩu có những thông tin minh bạch rõ ràng, thiện chí với nhau, những yêu cầu về sản phẩm rõ ràng, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chặt chẽ hơn thì việc giải quyết nguyên liệu cá tra cho quý 3,4 không hề khó, bởi trong 8 tháng người nuôi hoàn toàn có thể đáp ứng được nguyên liệu theo yêu cầu của thị trường. Còn nếu tình hình không sớm được cải thiện thì khó khăn vẫn sẽ hiện hữu, tôi cũng rất lo lắng.
Trong tình cảnh ngành cá tra đang gặp nhiều khó khăn, theo ông Bộ NNPTNT cần tiếp sức cho con cá tra như thế nào?
- Để ngành cá tra phát triển trở thành ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn, tạo nên lực lượng phát triển mạnh ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, việc đầu tiên Bộ NNPTNT cần làm là phải có chuẩn giống quốc gia. Đầu tiên là quy trình sản xuất giống, quy trình nuôi cá để giảm chi phí nuôi, sau đó là quỹ gen để có giống cá tốt hơn, ít bệnh, mau lớn, nhiều thịt. Đưa ra các tiêu chuẩn trong giống, tiêu chuẩn trong thịt cá nuôi, thức ăn, tiêu chuẩn cá đông lạnh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và có khung nền làm căn cứ cho thương hiệu quốc gia.
Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào để đưa sản phẩm có giá trị cao, không chỉ có sản phẩm cá tra phi lê mà còn phải chế biến toàn bộ con cá tra, từ phụ phẩm như da, xương, dầu mỡ… nhằm tăng giá trị cá tra. Những công việc này cần có bàn tay của Nhà nước, chính sách hỗ trợ vốn cho các DN đi đầu trong sản xuất ra sao, đưa các công nghệ tiến bộ vào để khuyến khích DN ứng dụng. Việc này cần có sự vào cuộc của Bộ NNPTNT, Bộ Khoa học- Công nghệ và nhiều bộ ngành khác nữa.
Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Do nắng hạn kéo dài, nhiệt độ tăng cao làm cho môi trường nước trong vuông không ổn định, độ mặn tăng cao khiến nhiều diện tích tôm tôm trong huyện Thới Bình (Cà Mau) chết hàng loạt, nhiều gia đình lâm vào cảnh điêu đứng.
“Đã hơn 20 năm gắn bó với nghề cá tra, nhưng với tình hình này chắc tôi nghỉ nuôi. Tỉnh An Giang có hơn 12 doanh nghiệp (DN) trong ngành cá tra, nhưng 4 DN đã “chết”, các DN còn lại thì một số cũng đang khó khăn, mà DN tê liệt thì người dân cũng khổ theo. Chúng tôi ngán lắm rồi” - ông Cao Lương Tri ngụ xã Hòa An, huyện Chợ Mới (An Giang) than vãn.
Cụ thể giá ốc lát từ 45.000 - 50.000 đồng/kg tăng khoảng 30.000 đồng/kg, ốc bươu từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg so với cùng kỳ; ốc gạo 20.000 - 25.000 đồng/kg, tăng 5.000 -8.000 đồng/kg.