Cam sành giúp thoát nghèo
Việc phát triển giống cam sành cũng như một số loại cây có múi tại H.Kbang (Gia Lai) đang cho hiệu quả cao, mở thêm hướng thoát nghèo, làm giàu cho nhiều nông dân, đặc biệt là trong cộng đồng bản địa.
Vườn cam sành của gia đình bà Trần Thị Lại cho nguồn lợi đáng kể. ẢNH: TRẦN HIẾU
Thực tế, khí hậu, thổ nhưỡng ở H.Kbang khá thích hợp để trồng cam sành với ưu điểm quả đều, mọng nước và ngọt. Tết Mậu Tuất, nhiều nông dân ở H.Kbang đã xuất đi một lượng lớn cam sành cung cấp cho thị trường Gia Lai và các tỉnh lân cận, được người tiêu dùng đón nhận, tìm mua.
Không chỉ được mùa, nhiều nhà vườn tại H.Kbang trúng lớn khi cam sành được giá. Cam bán tại vườn 40.000 đồng/kg, cận tết lên đến gần 60.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Hường, một thương lái, cho biết: “Chúng tôi cũng như nhiều thương lái khác vào H.Kbang mua cam sành về xuất bán cho các sạp hoa quả và một số đầu mối ở miền Trung. Cam trúng lắm, có cây được gần 50 kg quả. Người tiêu dùng yên tâm khi cam trồng ở vùng này sạch và ngọt nước”.
Nhà bà Trần Thị Lại (xã Sơn Lang, H.Kbang) trồng hơn 200 gốc cam. Lúc đầu, bà tìm mua giống ở ngoài bắc với giá 100.000 đồng/cây. Sau này trồng cam ghép. “Chúng tôi đang mở rộng diện tích cam. Đất ở đây rất hợp. Cam chín đồng loạt và được thương lái đến tận vườn mua. Nhiều người tiêu dùng biết tiếng cũng gọi điện đặt hàng. Gần cả chục tấn cam được mua hết. Nhiều người cũng đến vườn cam của chúng tôi để học hỏi kinh nghiệm về trồng ở vườn nhà”, bà Lại hồ hởi.
Ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND H.Kbang, cho biết: “Chúng tôi đang quy hoạch lại cơ cấu cây trồng để phát triển tiềm năng cây cam sành. Đây là lợi thế giúp nhiều nông dân, đặc biệt là những vùng dân cư bản địa, có thêm cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện chúng tôi đã giao ngành chuyên môn chuẩn bị sẵn tài liệu để mở các lớp tập huấn tại địa phương về phát triển cây có múi đạt tiêu chuẩn sạch, tạo nên thế mạnh riêng cho H.Kbang. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển chương trình nông thôn mới của huyện”.
Có thể bạn quan tâm
Chọn cho mình hướng đi 'không giống ai' với nghề trồng cây dược liệu vừa làm kiểng vừa ăn trái, anh Nguyễn Văn Thanh Bình đã vươn lên đã vươn lên làm giàu
Năm 2017, Trung tâm Giống Nông nghiệp Vĩnh Long đã triển khai thực hiện sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng tại các Hợp tác xã, Câu lạc bộ sản xuất lúa giống...
Đây còn được xem là chương trình phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp TP, trở thành nền nông nghiệp đô thị sinh thái, bền vững và hiệu quả