Cấm kháng sinh trong chăn nuôi có lộ trình
Nghị định về quản lý thức ăn chăn nuôi (TĂCN), thức ăn thủy sản sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 với quy định cấm sử dụng các chất kháng sinh có chức năng kích thích tăng trưởng trong TĂCN.
Vậy, tại sao phải cấm và việc cấm này có ảnh hưởng như thế nào tới ngành chăn nuôi? Nối tiếp bài viết "Hành động quốc gia quản lý kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản" đăng trên NNVN số 154, ra ngày 3/8, chúng tôi xin trở lại vấn đề này.
Việc Việt Nam hạn chế tiến tới cấm sử dụng kháng sinh từ năm 2020 được nhiều chuyên gia đánh giá hợp lí
Trao đổi với chúng tôi bên lề hội nghị chính thức triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lí sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản do Bộ NN-PTNT phối hợp USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tổ chức chiều 2/8 tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương chia sẻ, sau khi ngành chăn nuôi ra quân thanh, kiểm tra xử lí chất cấm đạt được kết quả to lớn khi cơ bản chấm dứt vấn nạn nan giải này, thì giai đoạn tiếp theo chính là quản lí kháng sinh trong chăn nuôi.
“Quản lí kháng sinh cũng quan trọng không kém gì quản lí chất cấm. Bởi đây là nhiệm vụ quan trọng quyết định đến chất lượng cũng như sự an toàn của sản phẩm chăn nuôi nước ta trong tương lai. Bởi một trong những điều kiện vô cùng quan trọng là, nếu muốn xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi sang các nước phát triển nhất thiết phải quản lí, kiểm soát được dịch bệnh, các chất kháng sinh”, theo ông Nguyễn Xuân Dương.
Còn TS Phạm Kim Đăng, Khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp VN) đã bày tỏ sự vui mừng khi Việt Nam là một trong những quốc gia ở châu Á sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật từ hạn chế tiến tới chấm dứt kháng sinh vào năm 2020. Theo ông Đăng, các nước phát triển, đặc biệt tại châu Âu rất lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực của việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi tới sức khỏe con người.
Lo ngại đó đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO, 2003) chứng minh bằng kết quả của một nghiên cứu tại Đan Mạch cho thấy, nếu dừng sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi để kích thích sinh trưởng sẽ giảm nguy cơ vi sinh vật kháng thuốc. Đặc biệt, Mỹ công bố phát hiện một loại vi khuẩn trên người kháng Colistin, là một trong những kháng sinh được cho là mạnh nhất. Do đó, Ngày sức khỏe thế giới năm 2011, WHO đã chọn chủ đề liên quan đến việc dùng kháng sinh.
“Châu Âu chính thức cấm sử dụng kháng sinh trong TĂCN từ tháng 1/2006. Trước khi cấm các danh mục kháng sinh dùng chung cho cả vật nuôi và con người, các cơ quan chức năng của châu Âu có lộ trình cảnh báo cũng như đưa ra một số định hướng thay thế kháng sinh để các doanh nghiệp và người chăn nuôi không rơi vào thế bị động. Nói cách khác cấm hoặc hạn chế cần theo lộ trình, chứ không thể đột ngột.
Với nước Mỹ, họ bắt đầu bằng việc có lộ trình giảm dần số loại thuốc kháng sinh rồi tiến tới cấm toàn bộ. Hiện, Mỹ chỉ còn cho phép sử dụng các loại kháng sinh không thuộc nhóm kháng sinh con người sử dụng. Do đó, việc Việt Nam bắt đầu hạn chế kháng sinh từ năm 2018 và tiến tới chấm dứt sử dụng kháng sinh vào 2020 theo tôi là thời điểm rất thích hợp”, TS Phan Kim Đăng lên tiếng ủng hộ.
Trước thực trang lo ngại của các chuyên gia, chủ trang trại, đặc biệt là những hộ nuôi lợn về việc cấm sử dụng kháng sinh sẽ dẫn tới khó khăn trong quản lí, kiểm soát dịch bệnh tiêu chảy, từ đó khiến giá thành chăn nuôi tăng cao, giảm khả năng canh tranh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương trấn an, việc cấm kháng sinh không có nghĩa là cấm hoàn toàn, mà chỉ cấm các loại kháng sinh có chức năng kích thích sinh trưởng vì hiện hàm lượng, công thức dinh dưỡng của TĂCN đã tốt rồi.
Theo ông Dương, người chăn nuôi vẫn hoàn toàn được sử dụng kháng sinh để chữa bệnh cho vật nuôi, nhưng với phương pháp, cách thức an toàn, hiệu quả hơn. Bởi với nền chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn cao, nếu cấm triệt để sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh, chắc chắn dịch bệnh sẽ bùng phát, và đó chẳng khác nào một cuộc "tự sát".
Hơn nữa, thực tế tại các nước phát triển đã từng trải qua giai đoạn sử dung kháng sinh cho thấy, việc cấm kháng sinh không ảnh hưởng quá lớn tới việc kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi mà chủ yếu ảnh hưởng tới giá thành chăn nuôi. Hiện nay, tại Việt Nam rất nhiều doanh nghiệp đã cung cấp các giải pháp có thể thay thế kháng sinh trong TĂCN như: men vi sinh (probiotic), axit hữu cơ, enzym…
+ Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Dương, giá thành chăn nuôi còn liên quan tới con giống, quy trình, thức ăn… nên chỉ riêng việc hạn chế sử dụng kháng không ảnh hướng quá lớn đến giá thành đầu ra. Trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành chăn nuôi là xây dựng quy trình chăn nuôi chuẩn, đặc biệt sớm ban hành dựng Luật Chăn nuôi để giúp ngành chăn nuôi tiến lên tầm cao mới.
+ "Tác hại của việc sử dụng kháng sinh không phải con người ăn sản phẩm chăn nuôi có tồn dư kháng sinh sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe ngay vì liều lượng rất thấp. Lo ngại ở đây chính là việc phát hiện kháng sinh trong thịt, minh chứng của việc lạm dụng, sử dụng bất hợp pháp hoặc sử dụng không khoa học kháng sinh trong chăn nuôi sẽ làm tăng nguy cơ kháng thuốc của vi sinh vật, đặc biệt là vi sinh vật gây bệnh dẫn tới việc chữa trị bệnh bằng kháng sinh sau này gặp khó khăn”, TS Phạm Kim Đăng.
Có thể bạn quan tâm
Tôi cùng cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Lăk (Đăk Lăk) tham quan gương sản xuất giỏi ở địa phương. Thật ngạc nhiên trước mắt tôi là một trang trại chăn nuôi
Xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại, do nước này thay đổi chính sách thuế nhập khẩu lương thực.
Nhà nước có chủ trương chuyển đổi một phần đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây và con khác có hiệu quả hơn.