Cách phòng và trị bệnh viêm vú trên bò sữa
1. Nguyên nhân:
Do cấu tạo bầu vú của bò:Bầu vú quá to và núm vú dài dễ chạm vào kheo chân khi di chuyển, lỗ đầu vú quá to, bò già khai thác sữa lâu năm, giai đoạn đầu kỳ cho sữa và giai đoạn cạn sữa bò dễ bị viêm vú.
Do vệ sinh môi trường: Chuồng trại kém vệ sinh, chăm sóc quản lý không đúng kỹ thuật làm mầm bệnh lẫy nhiễm vào núm vú và bầu vú.
Do nhiễm trùng: Vi trùng gây bệnh từ môi trường chăn nuôi, dụng cụ vắt sữa thường xâm nhập ở trên cơ thể bò sữa, đặc biệt là bầu vú và trong chuồng trại, dụng cụ vắt sữa hoặc kế phát từ các bệnh khác.
Các loại vi trùng chủ yếu gây viêm vú ở bò sữa là: Streptococcus agalactiae (liên cầu), Staphylococcus aureus (tụ cầu) và trực khuẩn gây mủ Bacillus pyogenes, E.coli...
Các nguyên nhân khác:
Do vệ sinh bầu vú không sạch, tay người vắt sữa không đảm bảo vệ sinh.
Do vắt sữa bằng tay không đúng kỹ thuật hoặc vắt sữa bằng máy với áp lực lớn, do dụng cụ chứa đựng sữa, chuồng trại có nhiều ngoại vật có cạnh sắc gây tổn thương núm vú và hệ thống mạch quản tuyến sữa, do trời quá nóng vào mùa hè, các vấn đề gây stress, khẩu phần thức ăn không cân đối, thức ăn có chứa độc tố hay nấm mốc,...
Tuy nhiên, bệnh viêm vú xảy ra có thể do 1 trong các nguyên nhân nêu trên hoặc lồng ghép vào nhiều nguyên nhân, thường bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân cùng tác động.
2. Triệu chứng:
Tuỳ thuộc vào thời điểm và mức độ của bệnh mà có những biểu hiện khác nhau, tuy nhiên bệnh viêm vú có những biểu hiện thường thấy như sau:
- Bầu vú sưng, bò sốt, bỏ ăn, sờ có phản ứng đau, khó vắt sữa hoặc ngưng tiết sữa.
- Sữa có mùi lạ (hôi, tanh), màu khác thường (sữa chuyển từ màu trắng sang xanh, vàng, đỏ),
- Thể trạng sữa không đồng nhất, có nhiều cặn lợn cợn do đông vón protein hoặc ngưng kết máu tạo thành.
Khi bò bị viêm vú nếu không điều trị kịp thời thì sẽ biến chứng gây hại đến tuyến vú và sức sản xuất sữa của bò hoặc có thể gây chết bò:
Teo bầu vú:
Phần lớn tế bào vú bị tổn thương, cơ năng tiết sữa không phục hồi.
Thể tích thùy vú mắc bệnh nhỏ hơn bình thường, khả năng tiết sữa của tuyến vú giảm hoặc mất hẳn.
Xơ cứng bầu vú:
Sờ vào bầu vú thấy rắn chắc hoặc ấn mạnh vào tuyến vú thấy những cục rắn hoặc rắn toàn bộ.
Bầu vú hoại tử:
Lúc đầu bề mặt bầu vú có những đám màu hồng tím, cứng đau, về sau loét và hoại tử có mủ.
Toàn bộ thùy vú sưng to, ấn vào thấy dịch màu hồng chảy ra.
3. Phương pháp phát hiện và chẩn đoán bò bị viêm vú:
Có 2 phương pháp phát hiện viêm vú
- Phương pháp CMT:Phương pháp chẩn đoán viêm vú nhanh bằng cách sử dụng hoá chất phát hiện sự có mặt của bạch cầu.
- Phương pháp quan sát lâm sàng:Người chăn nuôi có thể thực hiện hàng ngày thông qua quan sát màu sắc, mùi vị sữa có gì khác thường không? sản lượng sữa hàng ngày? lọc sữa xem có lợn cợn không?.
Sau khi vắt sữa cần sờ nắn bầu vú xem có mềm không, nếu bầu vú cứng hoặc có các cục xen lẫn thì nghi bò mắc bệnh viêm vú, tiếp theo sử dụng nhiệt kế kiểm tra xem bò có sốt không, nếu nhiệt độ từ 400C trở lên là bò đã bị sốt.
4. Phòng bệnh:
Để phòng tránh bệnh viêm vú cần làm tốt công tác chọn giống, thực hiện tốt các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, thực hiện nghiêm ngặt quy trình vệ sinh thú y, tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm cho bò.
Thực hiện vắt sữa đúng quy trình và đúng kỹ thuật.
Trước khi vắt sữa: Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, vệ sinh sạch bầu vú và tay người vắt sữa hoặc máy vắt sữa.
Nếu hộ nuôi nhiều bò thì thực hiện vắt bò khoẻ trước, vắt bò ốm sau, Vắt vài tia sữa đầu tiên từ mỗi núm vú vào khay tối màu hoặc vải đen để quan sát màu sắc và thể trạng sữa (không cho xuống nền chuồng) xem có màu khác thường hoặc bị vón không sau đó mới vắt sữa vào dụng cụ đựng sữa.
Vắt sữa vào thời điểm nhất định, đối với bò cao sản nên thực hiện vắt sữa 3 lần/ ngày, vắt kiệt sữa để kích thích tiết sữa đồng thời giảm nguy cơ viêm vú.
Sau khi vắt sữa:
- Nhúng đầu vú vào dung dịch thuốc sát trùng, Iodine, Biodine, Revanol.
- Rửa sạch toàn bộ dụng cụ vắt sữa bằng xà phòng, tráng nước sôi, phơi trên giá.
- Không để bò nằm ngay sau khi vắt sữa, cho bò ăn thức ăn để bò đứng sau khi vắt sữa tránh cho bầu vú và núm vú tiếp xúc trực tiếp với nền chuồng.
5. Điều trị:
Khi phát hiện bò bị viêm vú cần cách ly bò sữa ốm, giảm khẩu phần thức ăn tinh, thức ăn chứa nhiều nhựa, nhiều nước và thức ăn có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao khi bò bị viêm vú.
Tăng cường vắt sữa từ 3-5/lần/ngày để thải trừ mầm bệnh, giảm cương cứng bầu vú, thường xuyên tiến hành xoa bóp bầu vú bị viêm bằng khăn sạch nhúng vào nước ấm, vắt kiệt sữa bị viêm ra ngoài, ngày 3-4 lần và vệ sinh bầu vú và chuồng trại sạch sẽ.
Thông thường, khi bò bị viêm vú thường kế phát nhiễm khuẩn nên cần sớm sử dụng kháng sinh điều trị.
Phác đồ 1:
Đối với bò bị viêm vú được phát hiện sớm kịp thời thì ta sử dụng một trong các loại kháng sinh sau để tiêm bắp cho bò: Kanamicin; Gentamycin; BIO-AMOX, BIO-GENTA.AMOX, BIO TOBCINE, Hamogen, Hanmolin LA.
Phác đồ 2:
Đối với bò bị viêm vú nặng, viêm vú hoá mủ thì ngoài việc dùng kháng sinh tiêm bắp cho bò còn sử dụng kim thông vú bơm nước muối sinh lý hoặc dung dịch thuốc tím pha loãng với nồng độ 1‰ vào bầu vú, vắt kiệt để rửa tuyến vú, sau đó bơm trực tiếp kháng sinh (chú ý không sử dụng loại kháng sinh dạng nhũ dầu bơm vào bầu bú) hoặc các loại thuốc đặc trị viêm vú vào bầu vú với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Ngoài ra, cần kết hợp hộ lý chăm sóc bò sữa, cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống theo nhu cầu.
Nếu bò ăn uống kém cần tiến hành truyền Gluco 5% hoặc 10% cho bò, mỗi lần từ 500 - 1.000 ml đồng thời bổ sung vitamin bằng cách tiêm bắp nhằm tăng sức đề kháng cho bò.
Có thể bạn quan tâm
Vỗ béo bò trước khi giết thịt 3 tháng để bò tăng trọng nhanh trong thời gian ngắn, nâng cao chất lượng thịt, tăng tỷ lệ thịt xẻ cho bò.
Việc phát triển, tăng đàn trong chăn nuôi trâu bò nói chung, chăn nuôi bò sữa nói riêng là yếu tố quan trọng góp phần tăng sản lượng cũng đồng nghĩa với tăng sản lượng thịt, sữa vì nếu bò cái thịt không sinh sản thì không có con để nuôi lấy thịt, bò cái sữa không sinh sản sẽ không cho sữa.
Bệnh loét da quăn tai (LDQT) còn gọi là bệnh viêm màng mũi, thối loét của trâu bò. Bệnh gây ra do virus, thể hiện viêm thối loét niêm mạc và da, nhất là niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa và kết mạc mắt.