Trang chủ / Gia súc-Gia cầm / Nuôi trâu

Các yếu tố ảnh hưởng tới lượng thu nhận thức ăn của trâu bò

Các yếu tố ảnh hưởng tới lượng thu nhận thức ăn của trâu bò
Tác giả: Nai Hưu
Ngày đăng: 26/02/2016

1. Các yếu tố thức ăn và khẩu phần

Đối với gia súc nhai lại có một mối tương quan dương giữa tỷ lệ tiêu hoá và lượng thu nhận của thức ăn thô (ngược với thức ăn tinh ở dạ dày đơn).

Thực ra thì lượng thu nhận thức ăn có liên quan chặt chẽ hơn với tốc độ phân giải (tiêu hoá) hơn là với bản thân tỷ lệ tiêu hoá, cho dù hai yếu tố này có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Nói một cách khác, thức ăn nào được tiêu hoá nhanh thì có tỷ lệ tiêu hoá cao và lượng thu nhận lớn.

Đó là vì tốc độ tiêu hoá càng cao thì đường tiêu hoá được giải phóng càng nhanh tạo ra được càng nhiều không gian cho việc tiếp nhận thức ăn mới vào.

Theo quan điểm động thái thì có bốn thuộc tính kết hợp với nhau sẽ quyết định lượng thức ăn thô ăn vào là: độ hoà tan (A), phần không hoà tan nhưng có thể lên men được (B), tốc độ phân giải phần không hoà tan (c) và độ ngon miệng (Orskov, 2005).

Vì vậy điều rất quan trọng là phải hiểu biết các đặc tính này của mỗi loại thức ăn.

Ngoài ra, chế biến thức ăn, cân bằng dinh dưỡng, cấu trúc khẩu phần và chế độ cho ăn cũng có ảnh hưởng lớn đến lượng thu nhận thức ăn.

a. Độ hoà tan của thức ăn

Thức ăn tinh chứa nhiều phần hoà tan (A), nhưng thức ăn thô cũng có chứa các phần có thể hoà tan như đường.

Đây là phần nằm phía trong của thành tế bào và được phân gi ải nhanh chóng sau khi ăn vào.

Kết quả là chúng chiếm rất ít khoảng không gian trong dạ cỏ.

Phần hoà tan của rơm có thể lên đến 10-15% và phần hoà tan của cỏ có thể từ 20-35%, phụ thuộc vào độ thành thục của cây và cách chế biến rơm và cỏ.

Phần hoà tan này của thức ăn thường được lên men thành axit lactic và các axit khác khi ủ chua.

Điều quan trọng là phần hoà tan này của thức ăn cần được bảo quản vì nó có ảnh hưởng rất lớn tới lượng thức ăn ăn vào.

Nhìn chung đối với gia súc nhai lại thức ăn có độ hoà tan cao thì lượng ăn vào được sẽ lớn.

b. Phần không hoà tan nhưng có thể lên men

Phần này (B) chiếm nhiều nhất trong thức ăn thô, biến động từ 20-50% phụ thuộc vào chất lượng thức ăn.

Khi cộng phần hoà tan (A) với phần không hoà tan nhưng có thể lên men (B) chúng ta có được tổng lượng chất khô có thể được phân giải trong dạ cỏ (A+B) và phần chất khô còn lại là phần không được phân giải (I).

Tuy nhiên, đôi khi phần không hoà tan nhưng có tiềm năng lên men này lại được phân giải rất chậm do vậy thời gian lưu tại dạ cỏ không đủ lâu để được lên men hoàn toàn tai đây.

Một phần của phần không hoà tan nhưng có thể lên men sau đó được thải ra qua phân và đó là lý do cần biết đến một đặc tính thứ ba của thức ăn là tốc độ phân giải của phần không hoà tan.

c. Tốc độ phân giải của phần không hoà tan

Tốc độ phân giải (c) của phần không hoà tan có ảnh hưởng rất quan trọng đến lượng thức ăn thu nhận của gia súc.

Một bất lợi đối với loại thức ăn có tốc độ phân giải thấp như rơm là phần còn lại không được phân giải sẽ nhiều hơn.

Phần còn lại này thường dai hơn, đòi hỏi gia súc phải nhai lại và nhu động dạ cỏ nhiều hơn để đưa chúng ra khỏi dạ cỏ.

Vì lý do này thức ăn sẽ lưu lại ở dạ cỏ lâu hơn và là nguyên nhân giảm lượng thức ăn ăn vào.

Đối với thức ăn thô, chúng ta muốn chúng có phần không hoà tan được phân giải ở dạ cỏ càng nhanh càng tốt, còn đối với thức ăn tinh thì ngược lại chúng ta lại muốn chúng được phân giải trong dạ cỏ càng chậm càng tốt để đảm bảo rằng thức ăn không bị lên men quá nhanh làm rối loạn hệ sinh thái dạ cỏ mà vẫn được tiêu hoá hoàn toàn sau đó ở ruột.

d.Tính ngon miệng

Một số thức ăn gia súc ăn ít hơn một số loại khác và đôi khi có loại cỏ bò ăn nhưng cừu lại không ăn.

Nhiều loại cây họ đậu bò không thích ăn, nhất là khi cho ăn đơn điệu.

Những loại thức ăn mà bò ăn ít hơn bình thường được coi là “không ngon miêng”, tuy khái niệm “tính ngon miệng” của thức ăn khó mà định nghĩa được một cách chính xác.

Nhìn chung, tính ngon miệng không đươch cho là một yếu tố quan trọng quyết định lượng ăn vào, trừ một số ngoại lệ như những thức ăn được bảo vệ để chống ăn vào (như có gai nhọn), bị nhiễm bẩn (như phân, nước giải) hay chế biến kém (ủ chua bị mốc hay lên men kém chất lượng).

e. Khả năng “dễ vỡ” và chế biến thức ăn

Bình thường gia súc bằng cách nhai và nhai lại và vi khuẩn trong dạ cỏ bằng cách lên men đã phối hợp để giảm kích thước các mảnh thức ăn.

Các mảnh thức ăn nhỏ lơ lửng trong dịch dạ cỏ cho phép chúng thoát khỏi dạ cỏ dễ dàng qua cửa tổ ong-lá sách để giải phóng ra khỏi dạ cỏ, tăng cơ hội tiếp nhận thức ăn mới vào.

Do vậy, những loại thức ăn có tốc độ giảm kích thước trong dạ cỏ càng nhanh (dễ vỡ) thì lượng thu nhận tự do càng cao.

Điều này phụ thuộc nhiều vào cấu trúc và trạng thái vật lý của vách tế bào của thức ăn thực vật.

Một số loại thức ăn như rơm có các mảnh dài và rất dai nên cần phải nhai rất nhiều.

Đối với các thức ăn khác, như cỏ khô chất lượng cao, gia súc không phải nhai nhiều.

Chúng ta có thể giúp gia súc bằng cách nghiền thức ăn thô trước khi cho ăn, nhưng việc này quá tốn kém và gia súc có thể làm việc này với giá rẻ nhất, ngoài ra những mảnh thức ăn nhỏ (do nghiền) lẽ ra được phân giải lại thoát khỏi dạ cỏ trước khi được lên men.

Vì vậy trong khi lượng thức ăn thu nhận cao hơn thì tỷ lệ tiêu hoá của thức ăn thô nghiền mịn có thể thấp hơn.

Nhìn chung nghiền thức ăn thô không phải là cách mà người chăn nuôi thường sử dụng.

Chặt ngắn thì ngược lại không ảnh hưởng gì lớn đến tốc độ và tỷ lệ tiêu hoá thức ăn.

Chặt ngắn thức ăn thành các đoạn 1-10 cm chủ yếu là để thuận lợi hơn trong việc cho ăn, trộn thức ăn (của người chăn nuôi) và lấy thức ăn (của gia súc).

f. Cân bằng dinh dưỡng và cấu trúc khẩu phần ăn

Khi nuôi bò điều cốt yếu là làm sao cho ăn được càng nhiều thức ăn thô càng tốt.

Thức ăn thô xanh chất lượng càng cao, dinh dưỡng càng cân bằng so với nhu cầu của VSV dạ cỏ thì tốc độ tiêu hoá càng nhanh và lượng ăn vào được càng lớn.

Ngước lại, nếu thức ăn thô có chất lượng thấp thì lượng thu nhận tự do sẽ rất thấp do mất cân bằng dinh dưỡng (thường thiếu protein, gluxit dễ tiêu, khoáng và vitamin) nên không tối ưu hoá được hoạt động của VSV dạ cỏ.

Do vậy, trong khẩu phần ngoài thức ăn thô thường cần cần phải bổ sung thêm dinh dưỡng để tối ưu hoá hoạt động của VSV dạ cỏ và/hay bổ sung cho nhu cầu sản xuất.

Lúc đó, lượng thu nhận thức ăn thô thực tế ngoài phụ thuộc vào tính chất của nó còn chịu ảnh hưởng của thức ăn bổ sung.

Bổ sung thức ăn tinh ở mức thấp thường có tác dụng kích thích vi sinh vật phân giải xơ ở dạ cỏ (nhờ cung cấp cân đối các yếu tố dinh dưỡng cần thiết cho chúng) và do đó mà làm tăng lượng thu nhận thức ăn thô của khẩu phần cơ sở.

Tuy nhiên, khi bổ sung nhiều thức ăn tinh thì pH dạ cỏ bị hạ xuống rất thấp, ức chế vi khuẩn phân giải xơ và hậu quả là làm giảm lượng thu nhận khẩu phần cơ sở.

Hiện tượng thay thế (giảm thu nhận khẩu phần cơ sở khi bổ sung thức ăn tinh) cũng có thể xảy ra khi bổ thức ăn tinh bổ sung quá nhiều nên đã đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và con vật dừng ăn (do cơ chế sinh hoá phát huy tác dụng trước) trong khi vẫn chưa no bởi thức ăn thô (cơ chế vật lý chưa điều tiết).

g. Chế độ cho ăn

Nếu cho ăn thức ăn tinh không rải đều trong ngày mà chỉ cho ăn theo bữa lớn thì sau mỗi bữa ăn pH dạ cỏ bị hạ đột ngột xuống rất thấp, ức chế vi khuẩn phân giải xơ nên làm giảm khả năng phân giải xơ và giảm lượng thu nhận thức ăn thô của khẩu phần cơ sở.

Khi trộn đều thức ăn tinh với thức ăn thô (khẩu phần TMR) để cho ăn rải đều trong ngày thì bò sẽ ăn được nhiều thức ăn thô hơn so với khi cho ăn riêng rẽ với khối lượng lớn trong ít bữa.

Việc trộn nhiều loại thức ăn thô với nhau để cho ăn đồng thời và liên tục sẽ làm cân bằng dinh dưỡng mọi lúc cho vi sinh vật dạ cỏ nên hiệu quả phân giải thức ăn thô cũng tốt hơn.

Hơn nữa thay mới thức ăn nhiều lần trong ngày cũng kích thích gia súc ăn nhiều thức ăn hơn là để thức ăn cũ quá lâu trong máng ăn.

h. Thời gian có sẵn thức ăn

Gia súc chỉ thu nhận được thức ăn trong thời gian thức ăn sẵn có với nó.

Mặt khác, gia súc cần thời gian nhai lại và nghỉ ngơi trong ngày.

Mỗi ngày bò không thể giành quá 15-16 giờ cho cả ăn và nhai lại.

Do vậy, nếu nó không được luôn luôn tiếp xúc với thức ăn, nhất là thức ăn thô chất lượng thấp, thì không thể ăn đủ lượng thức ăn cần thiết trước khi no và/hay đủ.

Đây là hiện tượng không hiếm gặp đối với trâu bò cày kéo trong vụ đông ở nước ta, khi mà con vật phải làm việc nhiều trong điều kiện thời tiết lạnh (nhu cầu dinh dưỡng cao hơn) mà lại không có thời gian để ăn (chưa nói có đủ thức ăn hay không), dẫn đến tình trạng trâu bò “đổ ngã” vụ đông.

i. Điều kiện đồng cỏ chăn thả

Riêng đối với gia súc chăn thả thì lượng thu nhận thức ăn (cỏ gặm) không chỉ chịu ảnh hưởng bởi thành phần hoá học và tỷ lệ/tốc độ tiêu hoá của cây cỏ mà còn phụ thuộc cấu trúc vật lý và phân bố của cỏ trên bãi chăn.

Thu nhân thức ăn khi chăn thả phụ thuộc ba yếu tố chính là: độ lớn miếng gặm (lượng VCK gặm được mỗi lần), tốc độ gặm (số miếng gặm/phút) và thời gian gặm cỏ.

Thông thường bò dành khoảng 8 giờ/ngày để gặm cỏ nên cần gặm được lượng cỏ tối đa trong khoảng thời gian đó.

Để có được độ lớn miếng gặm và tốc độ gặm tối đa cỏ gặm phải được phân bố phù hợp.

Nói chung, bụi cỏ tương đối thấp (12-15cm) và dày cho phép gia súc gặm được miếng gặm lớn nhất.

Những cây cỏ cao có lá nhọn (như nhiều loại cỏ nhiệt đới) hạn chế độ lớn miếng gặm vì mỗi lần gặm con vật không thể lấy thức ăn đầy miệng được.

Mật độ cỏ thấp cũng là một yếu tố hạn chế kèm theo sự gặm cỏ có lựa chọn của gia súc.

Trong điều kiện đồng cỏ chăn thả tốt có các bui cỏ thấp, dày và có khả năng tiêu hoá cao thì gia súc nhai lại sẽ gặm được lượng thức ăn tương đương với khi cho ăn trong máng tại chuồng, nhưng với đồng cỏ chất lượng kém thì chúng không thể thu nhận đủ lượng thức ăn theo khả năng tiêu hoá và nhu cầu dinh dưỡng.

2. Các yếu tố gia súc

Ngoài các yếu tố liên quan đến thức ăn và khẩu phần nói trên, một số yếu tố khác có liên quan đến gia súc nhiều hơn cũng có ảnh hưởng lớn tới lượng thu nhận thức ăn thô.

a. Sức chứa của đường ruột

Dung tích tiềm năng của dạ cỏ qui định lượng thức ăn gia súc có thể lên men trong một thời điểm.

Dạ cỏ của bê chưa đạt được kích thước như lúc trưởng thành trước 10-12 tuần tuổi.

Vì vậy khả năng ăn các loại thức ăn xơ thô của bê là thấp và do vậy cần cho chúng ăn những thức ăn thô có chất lượng tốt nhất.

Sức chứa của đường ruột ở gia súc trưởng thành chịu ảnh hưởng của một số yếu tố khác nhau.

Nhìn chung con vật càng lớn thì dung tích đường tiêu hoá càng lớn và có khả năng ăn được nhi ều thức ăn hơn.

Đó là lý do chính để lấy thể trọng hay khối lượng trao đổi làm căn cứ để ước lượng lượng thức ăn thu nhận.

Tuy nhiên, cũng có thể quan sát trong thực tế thông qua bề ngoài thấy một số gia súc có thể trọng không lớn lắm nhưng có phần bụng rất phát triển nên ăn được rất nhiều thức ăn thô.

Khi bò đã đủ béo lượng thức ăn thu nhận có xu hướng ổn định cho dù khối lượng cơ thể tiếp tục tăng.

Điều này có thể là do tích luỹ mỡ bụng làm giảm dung tích dạ cỏ (cơ chế vật lý), nhưng cũng có thể là do hiệu ứng trao đổi chất (cơ chế sinh hoá).

b. Trạng thái sinh lý

Trạng thái sinh lý của gia súc nhai lại ảnh hưởng đến lượng thu nhận thức ăn liên quan đến nhu cầu năng lượng và/hay sức chứa của đường tiêu hoá.

Gia súc đang sinh trưởng có thể tích xoang bụng tăng dần nên ăn được ngày càng nhiều thức ăn.

Gia súc sau một thời kỳ đói ăn sẽ ăn nhiều thức ăn hơn do nhu cầu tăng trọng nhanh hơn (tăng trọng bù).

Đối với gia súc mang thai, có hai yếu tố ảnh huởng ngược nhau đến lượng thu nhận thức ăn: thứ nhất là nhu cầu dinh dưỡng để phát triển thai tăng nên lượng ăn vào phải tăng (cơ chế sinh hoá) và thứ hai là vào giai đoạn cuối thai phát triển mạnh làm cho kích thước xoang bụng bị thu hẹp nên lượng ăn vào bị hạn chế, nhất là khi khẩu phần chủ yếu là thức ăn thô (cơ chế vật lý).

Vào đầu chu kỳ vắt sữa lượng thu nhận thức ăn của bò tăng dần lên.

Hiện tượng này chủ yếu mang bản chất sinh lý do nhu cầu dinh dưỡng cho tiết sữa ngày càng tăng, mặc dù cũng có thể có liên quan đến sự điều tiết vật lý do giảm mỡ tích trữ trong xoang bụng.

Có sự lệch pha nhất định (chậm hơn) giữa tăng lượng thu nhận thức ăn so với tăng nhu cầu năng lượng cho tiết sữa.

Vào đầu chu kỳ sữa bò giảm trọng và được bù lại ở cuói chu kỳ khi năng suất sữa giảm mà lượng thu nhận thức ăn vẫn cao.

c. Tập tính ăn uống

Gia súc nhai lại cũng như các gia súc giá cầm khác không tiếp nhận thức ăn một cách ngẫu nhiên mà có sự lựa chọn cẩn thận, đặc biệt là để chống bị ngộ độc.

Khả năng chọn lọc thức ăn này một mặt dường như mang tính bẩm sinh của loài cho phép cảm nhận được các chất dinh dưỡng cụ thể và độc tố có trong thức ăn thông qua mùi vị.

Có một vài con đường trao đổi chất nào đó tồn tại để chuyển các thông tin liên quan tới hiệu quả trao đổi chất của một loại thức ăn nào đó lên não và sau đó hình thành nên phản xạ thích hoặc không thích loại thức ăn đó.

Mặt khác, sự nhận thức của con vật về một loại thức ăn nào đó cũng được hình thành qua quá trình học tập, nhất là ở độ tuổi còn non.

Quá trình nhận thức thức ăn này liên quan đến hai quá trình học tập: học tập xã hội (học từ mẹ, anh chị em, bạn đàn, những gia súc lớn tuổi có kinh nghiệm...) và tự học (thông qua những trải nghiệm và sai lầm của bản thân).

Cảm nhận đối với thức ăn nói chung không ảnh hưởng lớn đến toàn bộ tiến trình điều khiển tiếp nhận thức ăn của gia súc nhai lại, nhưng quan trọng đối với thói quen gặm cỏ và ăn thức ăn.

Bò và cừu thích ăn cỏ non hơn là cỏ già và khô, thích ăn lá hơn thân.

Nhìn không thật quan trọng trong khi chăn thả, ví như gia súc chăn ở chổ tối và có thể ăn được ngay cả tối hoàn toàn.

Ngửi và nếm là thói quen của gia súc gặm cỏ.

Chúng không chấp nhận ăn cỏ ở nơi có phân của chính nó mới thải ra.

Vị của thức ăn đóng vai trò quan trọng trong quá trình cảm nhận thức ăn vì nó có liên kết chặt chẽ với các thông tin phản hồi sau khi ăn.

Yếu tố tâm lý và kinh nghiệm có ảnh hưởng nhiều đến việc con vật có chịu ăn một thức ăn mới hay không.

Chẳng hạn, lần đầu tiên cho bò ăn rơm ủ urê rất có thể bò từ chối không chịu ăn, nhưng nếu được tập cho ăn dần bằng cách trộn lẫn với cỏ thì về sau bò lại rất thích ăn loại thức ăn này và lượng thu nhận cao hơn so với ăn rơm không xử lý có thể tới 1,5 lần.

Khi trong đàn có những gia súc khác ăn một loại thức ăn nào đó, kể cả thức ăn mới, thì còn vật cũng sẽ “yên tâm” bắt chước ăn thử và rồi quen dần.

Bê con thường “học theo” mẹ để ăn những thức ăn mới.

Cung cấp mới nhiều lần trong ngày thì bò sẽ thích ăn nhiều hơn sau mỗi lần thay mới thức ăn đó, nhất là thức ăn xanh, và giảm được sự biến động về chất lượng của thức ăn ăn vào.

Khoảng không gian tiếp cận thức ăn và thiết kế khu vực cho ăn có ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận thức ăn của bò khi chúng muốn ăn.

Tăng mật độ bò ở nơi cho ăn sẽ làm giảm hoạt động ăn mà tăng sự tranh giành nhau giữa chúng, làm cho bò tiếp xúc được với thức ăn ít hơn.

Dùng róng ngăn để tách riêng bò, như dùng rào chắn thức ăn phía đầu bò, làm giảm sự tranh giành thức ăn và cho phép mỗi bò tiếp cận thức ăn được tốt hơn, nhất là những con lép vế trong đàn.

3. Các yếu tố môi trường và sức khỏe

a. Điều kiện thời tiết khí hậu

Điều kiện thời tiết khí hậu là những yếu tố môi trường quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp đến trao đổi nhiệt của cơ thể và do vậy mà ảnh hưởng đến khả năng thu nhận thức ăn.

Các yếu tố đó bao gồm nhiệt độ, ẩm độ, gió, bức xạ, thời gian chiếu sáng và lượng mưa.

Trong các yếu tố này nhiệt độ và ẩm độ là những yếu tố đáng quan tâm và có tầm quan trọng thực tiễn nhất.

Bò là động vật máu nóng, vì vậy chúng phải cố gắng duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định mặc dù nhiệt độ môi trường luôn thay đổi.

Muốn vậy, bò phải giữ được sự cân bằng giữa nhiệt sinh ra trong cơ thể và nhiệt thải ra khỏi cơ thể.

Thân nhiệt bình thường ở bò ổn định trong khoảng 38,5-39OC.

Nhiệt sinh ra trong cơ thể bò (HP) bao gồm nhiệt được giải phóng từ năng lượng dùng cho duy trì và lao tác của cơ thể cùng với toàn bộ năng lượng gia nhiệt (HI).

Do vậy, bò có khối lượng cơ thể càng lớn thì nhu cầu năng lượng duy trì càng nhiều và cuối cùng nhiệt sinh ra càng nhiều.

Thức ăn thô nhiệt đới có chất lượng thấp, khó tiêu nên làm tăng gia nhiệt (liên quan đến thu nhận và tiêu hoá thức ăn) và do vậy mà tăng tổng lượng nhiệt sinh ra.

Khi năng suất của bò càng cao thì nhiệt thừa sinh ra trong cơ thể bò càng nhiều (do gia nhiệt sản xuất tăng).

Toàn bộ nhiệt thừa sinh ra phải được giải phóng khỏi cơ thể.

Các phương thức chính để thải nhiệt ở bò gồm bốc hơi nước, dẫn nhiệt, đối lưu và bức xạ nhiệt.

Sự bốc hơi nước qua da (đổ mồ hôi) và phổi (thở) là con đường chủ yếu để thải nhiệt.

Sự thoát nhiệt bằng cách bốc hơi nước của bò phụ thuộc nhiều vào ẩm độ môi trường.

Ẩm độ môi trường càng cao thì càng cản trở bốc hơi nước nên quá trình thải nhiệt sẽ càng khó khăn.

Mặt khác, nhiệt độ của môi trường cao lại cản trở thải nhiệt từ cơ thể qua con đường dẫn nhiệt, chưa nói chúng phải nhận thêm năng lượng bức xạ nhiệt từ môi trường nóng xung quanh.

Chính vì thế, trong môi trường càng nóng ẩm thì sự thải nhiệt thừa càng bị trở ngại.

Bức xạ nhiệt của môi trường cao và lưu thông gió kém (những ngày oi bức) thì quá trình thải nhiệt của bò thông qua bức xạ và đối lưu càng khó khăn.

Do vậy, trong môi trường nóng ẩm và oi bức con vật buộc phải hạn chế lượng thu nhận thức ăn để giảm sinh nhiệt.

Trong trường hợp nhiệt thừa sinh ra trong cơ thể lớn hơn khả năng thải nhiệt vào môi trường thì thân nhiệt tăng và bò xuất hiện stress nhiệt.

Bò bị stress nhiệt thì thu nhận thức ăn càng giảm và năng suất giảm tùy theo mức độ nghiêm trọng.

Nói chung, ở nhiệt độ môi trường thấp dưới vùng đẳng nhiệt (khoảng nhiệt độ trong đó sinh nhiệt trong cơ thể ổn đinh, được xác định cho mỗi loại giá súc riêng) thì thu nhận thức ăn tăng và ngược lại khi nhiệt độ môi trường nằm trên vùng đẳng nhiệt thì lượng thu nhận thức ăn giảm xuống.

Ví dụ, bò gốc ôn đới trung bình giảm thu nhận thức ăn 2% cho mỗi oC nhiệt độ bình quân ngày tăng lên trên 25oC.

b. Tình trạng sức khỏe và bệnh tật

Rõ ràng là bò khoẻ ăn được nhiều hơn bò ốm, nhưng sau khi ốm thì ngược lại bò có hiện tượng “ăn bù”.

Bò bị ký sinh trùng đường ruột có xu hướng giảm thu nhận thức ăn, được mặc nhận là do chúng làm rối loạn đường tiêu hoá cho dù nhu cầu dinh dưỡng tăng lên như một hậu quả của việc giảm hấp thu dinh dưỡng.

Cũng có bằng chứng cho rằng kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể, như trường hợp bị ký sinh trùng, có thể góp phần làm giảm thu nhận thức ăn.

Ngoại ký sinh trùng như ve cũng làm giảm thu nhận thức ăn của gia súc.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật để nâng cao năng suất và giá trị chăn nuôi trâu bò Kỹ thuật để nâng cao năng suất và giá trị chăn nuôi trâu bò

Chăn nuôi trâu bò là nghề truyền thống của nông dân Việt Nam. Chăn nuôi trâu bò ở nước ta mang tính kiêm dụng theo hướng khai thác sức kéo - phân bón - thịt. Thời gian gần đây, chăn nuôi trâu bò đang chuyển sang kiêm dụng thịt – phân bón – sức kéo và dần hình thành hướng chăn nuôi chuyên thịt (chủ yếu trên bò).

25/02/2016
Bệnh sán dây ở động vật nhai lại Bệnh sán dây ở động vật nhai lại

Sán dây là loại ký sinh trùng thường gặp ở gia súc nhai lại như dê, cừu, trâu bò, đặc biệt là gia súc nhai lại còn non và được chăn thả trên đồng cỏ. Gia súc mắc bệnh gầy yếu, sinh trưởng kém, còi cọc, chậm lớn, thiếu máu, suy nhược, sức đề kháng giảm sút, dễ mắc các bệnh khác và dễ chết nếu nhiễm nặng, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi.

26/02/2016
Các yếu tố ảnh hưởng tới lượng thu nhận thức ăn của trâu bò Các yếu tố ảnh hưởng tới lượng thu nhận thức ăn của trâu bò

Các yếu tố ảnh hưởng tới lượng thu nhận thức ăn của trâu bò

26/02/2016