Các mô hình khuyến ngư mới: Hướng đến thị trường du lịch tiềm năng
Những năm gần đây, nghề nuôi thủy sản ở tỉnh ta tiếp tục phát triển mạnh. Diện tích, năng suất, sản lượng đều tăng nhanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhằm góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, tái tạo hệ sinh thái, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, hướng tới thị trường du lịch tiềm năng, năm 2018, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh triển khai thực hiện nhiều mô hình nuôi thủy sản với các đối tượng nuôi mới, đặc sản, như: tôm càng xanh, cá chạch bùn, cá chình, ốc hương...
Mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm ở Lệ Thủy hướng đến phục vụ khách du lịch.
Mô hình nuôi thâm canh cá chình bằng lồng trong ao đất của anh Lê Hà Giang, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới tạo đột phá trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Mô hình được triển khai từ tháng 4-2018 với 1.100 con cá giống, thả trong 5 lồng nuôi, lồng được đặt cách đáy ao 50-60cm và được cố định bằng dây.
Bên trên dãy lồng nuôi được thiết kế hệ thống mái che theo kiểu nhà vòm, có lợp lưới màu đen để làm mát cho cá vào mùa hè. Thức ăn của cá chình chủ yếu là giun quế và cá tạp tươi xay nhỏ...
Theo anh Giang, cá chình là loài đặc sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Cá chình tự nhiên được thị trường ưa chuộng nhưng do bị khai thác quá mức nên suy giảm đáng kể. Nuôi cá chình bằng lồng trong ao đất nếu đạt hiệu quả sẽ mở ra một hướng nuôi mới trên địa bàn.
Mô hình “Nuôi thử nghiệm bán thâm canh tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất” được thực hiện trên quy mô 2 ao nuôi với diện tích 8.500m2/ao tại xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy và xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh.
Qua theo dõi bước đầu cho thấy, tôm càng xanh phù hợp với điều kiện nuôi của địa phương, sinh trưởng phát triển tương đối tốt, chưa thấy dịch bệnh nguy hiểm xảy ra. Tôm giống thả mật độ 10 con/m2. Sau 5 tháng nuôi, trọng lượng tôm trung bình đạt 30 con/kg. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho hộ nuôi.
Anh Nguyễn Ngọc Ánh, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết: “Mô hình nuôi thử nghiệm bán thâm canh tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất mang lại hiệu quả kinh tế cao so với việc trồng lúa. Có thể nói, 1 năm nuôi tôm bằng 10 năm làm lúa. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng mô hình này ở phá Hạc Hải”.
“Mô hình nuôi thử nghiệm bán thâm canh tôm càng xanh thương phẩm trong ao đất” đã mở hướng chuyển đổi vùng đất chiêm trũng nhiễm mặn trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Từ kết quả mô hình, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh có cơ sở đánh giá tình hình sinh trưởng, hiệu quả kinh tế của tôm càng xanh nhằm hoàn thiện quy trình nuôi, đồng thời, khuyến cáo cho bà con nông dân nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh thương phẩm phục vụ nhu cầu thị trường tiêu thụ trong tỉnh và du khách đến tham quan.
Cá chạch bùn là đặc sản được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, loài cá này trong tự nhiên đang bị suy giảm số lượng bởi ảnh hưởng từ ô nhiễm môi trường và phương pháp đánh bắt của người dân.
Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã tiếp tục thực hiện thành công mô hình nuôi cá chạch bùn trong ao có lót bạt với mục tiêu đa dạng hóa đối tượng, hình thức nuôi thủy sản nước ngọt, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
Mô hình nuôi cá chạch bùn trong ao có lót bạt được thực hiện trên quy mô 2 hộ nuôi ở xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy và xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh. Các hộ thực hiện mô hình được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 100% giống cá; 30% thức ăn, thuốc hóa chất và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật nuôi từ khi triển khai đến khi kết thúc mô hình.
Qua theo dõi cho thấy, cá chạch bùn có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, thời gian nuôi ngắn, tránh được lũ lụt trong năm. Sau hơn 3 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng 30 con/kg, tỷ lệ sống ước đạt 85-90%. Ước tính sản lượng cá thu hoạch đạt 1.000-1.200kg.
Mô hình nuôi cá chạch bùn của gia đình ông Ngô Công Quốc, xã Ngư Thủy Bắc, Lệ Thủy mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo bà Hồ Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, những mô hình trên mang lại hiệu quả kinh tế cao, bổ sung đa dạng hóa cơ cấu đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại các vùng nuôi ở Quảng Bình. Nhiều đối tượng có thể nuôi với quy mô lớn theo quy trình nuôi thâm canh và sản xuất hàng hóa, sản phẩm đạt chất lượng VSATTP thú y, thủy sản.
Đây là cơ sở để tiếp tục nhân rộng các mô hình, góp phần làm tăng sản lượng thủy sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Nhờ sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm cũng như sự phối hợp của chính quyền địa phương và sự nhiệt tình của các hộ nuôi nên đến nay, các mô hình được triển khai bảo đảm đúng tiến độ và đạt yêu cầu về kỹ thuật. Thông qua kết quả của các mô hình đã được triển khai, thời gian tới, Trung tâm sẽ hỗ trợ người dân về kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Quảng Bình tiếp tục khuyến khích và tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển hạ tầng cho các vùng nuôi thủy sản; áp dụng quy trình chuẩn thực hành nuôi tốt, từng bước áp dụng công nghệ cao bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; tạo điều kiện khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, phát triển đa dạng các đối tượng nuôi thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
Hàu sử dụng thức ăn rong, tảo, mùn bã hữu cơ trong nước, làm sạch môi trường, lại phát triển nhanh. Để nuôi 500 dây hàu người nuôi phải làm bè bằng tre
Chế phẩm sinh học (probiotics) đã được nghiên cứu, sử dụng trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Từ sản xuất thử nghiệm, đến nay cơ sở của anh Nguyễn Thanh Phương có trên 4.000 con lươn bố mẹ tham gia sinh sản. Mỗi tháng thu lời cả trăm triệu đồng.