Các Giai Đoạn Nuôi Lợn Thịt Ở Nước Ta

Dựa vào đặc điểm sinh lý, quy luật sinh trưởng của lợn thịt mà chia quá trình nuôi lợn thịt ra 3 giai đoạn:
1. Giai đoạn 1 (giai đoạn sau cai sữa): 2-3 tháng tuổi (1-2 tháng nuôi):
Đặc điểm giai đoạn này: Lợn chuyển từ sống theo mẹ, bằng sữa mẹ sang sống tự lập, chịu sự nuôi dưỡng, chăm sóc của con người. Lợn có tốc độ phát triển nhanh (đặc biệt là tổ chức cơ bắp và xương cốt). Bộ máy tiêu hoá phát triển chưa hoàn thiện, khả năng tiêu hoá thức ăn còn hạn chế. Vì vậy thức ăn giai đoạn này đòi hỏi phải có phẩm chất tốt, tránh thức ăn ôi mốc, lên men. Tỷ lệ thức ăn tinh chiếm 80-90%, thức ăn giàu đạm 15-18% trong khẩu phần thức.
Dùng đạm động vật để bổ sung. Tỷ lệ xơ thô trong khẩu phần thấp (4-5%), khoáng và vitamin cao (bổ sung chúng dưới dạng premix khoáng, VTM 0.5-1% trong TA tinh). Có thể bổ sung thức ăn đậm đặc, kháng sinh thô trong khẩu phần để kích thích sinh trưởng và phòng bệnh cho lợn. Ngoài ra, thức ăn giai đoạn này phải chế biến tốt để lợn dễ tiêu hoá, hấp thu dinh dưỡng và tránh ỉa chảy. Giai đoạn này lợn cần phải được vận động, tắm nắng tự do.
2. Giai đoạn lợn choai: 4-7 tháng tuổi (3-5 tháng nuôi):
Giai đoạn này lợn phát triển rất mạnh về xương, cơ bắp. Bộ máy tiêu hoá đã phát triển hoàn thiện nên lợn có khả năng tiêu hoá, hấp thu tốt các loại thức ăn. Khả năng thích nghi tốt với điều kiện sống. Vì vậy trong giai đoạn này ta có thể dè xẻn thức ăn tinh (tiết kiệm thức ăn tinh), tăng thức ăn thô xanh để tận dụng nguồn thức ăn sẵn có ở nước ta. Tỷ lệ thức ăn xanh có thể chiếm 30-40% (tính theo giá trị dinh dưỡng khẩu phần). Song để lợn phát triển tốt ngoại hình, tầm vóc, chú ý phải cung cấp đủ protein, khoáng, VTM và cho vận động, tắm nắng nhiều.
3. Giai đoạn nuôi kết thúc: 8-9 tháng tuổi (6-7 tháng nuôi):
Giai đoạn này lợn đã phát triển hoàn thiện, tích mỡ là chính. Để thúc đẩy nhanh quá trình vỗ béo, cần tập trung thức ăn tinh, thức ăn giàu bột đường (tỷ lệ thức ăn tinh giai đoạn này nên chiếm 85-90% trong khẩu phần), dè xẻn thức ăn giàu đạm (tỷ lệ thức ăn giàu đạm nên khoảng 10-12% trong khẩu phần), giảm thức ăn thô xanh (chỉ khoảng 10-15% trong khẩu phần). Đồng thời hạn chế vận động, tạo bóng tối, yên tĩnh cho lợn nghỉ ngơi, ngủ nhiều, chóng béo.
Nuôi theo công thức trên gọi là Cao - Thấp - Cao, phương thức này có những ưu, nhược điểm sau:
- Ưu điểm: Rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung nước ta vì ở các khu vực này chủ yếu là lợn lai F1, dân nghèo, mức đầu tư không cao, tận dụng các phụ phế phẩm trong nông nghiệp, nhiều rau xanh. Do đó nuôi theo công thức này sẽ tận dụng được nguồn rau xanh cũng như các phụ phẩm trong trồng trọt và các ngành chế biến khác, tiết kiệm được thức ăn tinh, kéo dài thời hạn sinh trưởng của lợn, nâng cao tầm vóc, phần nào hạn chế việc tích luỹ mỡ ở lợn, cho nhiều phân bón cho trồng trọt, nâng cao hiệu quả kinh tế.
- Nhược điểm: Thời gian nuôi dài, tốn công lao động, giảm hệ số quay vòng đồng vốn, chuồng trại. Do đó, nếu có điều kiện đầu tư tốt thì nên nuôi theo phương thức Cao - Cao - Cao.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm gần đây, vấn đề vệ vinh an toàn thực phẩm được các cơ quan chức năng và người tiêu dùng rất chú trọng, bà con chăn nuôi ngày càng có ý thức tốt hơn về việc chăn nuôi an toàn sinh học nhằm đảm bảo yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để phòng bệnh về đường tiêu hoá, cần cho heo ăn thức ăn đảm bảo vệ sinh, không bị ẩm mốc, hôi thối, không có dư lượng thuốc trừ sâu, khẩu phần ăn phải đa dạng, phong phú, đầy đủ dinh dưỡng...

Viêm khớp là yếu tố gây què ở lợn. Các yếu tố khác gây què ở lợn gồm liên quan đến mất cân bằng dinh dưỡng hoặc thiếu chất, những tổn thương ở chân do chấn thương, hình thành không đúng và thoái hóa xương và các thay đổi khớp.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh có nhiều phương pháp nhưng một trong những cách chủ lực là nâng cao khả năng sinh sản. Dịch bệnh được tận diệt thì việc tiếp theo là phải nâng cao năng suất sinh sản. Hiện nay, chênh lệch số heo con giữa các quốc gia chăn nuôi tiên tiến và phần còn lại là rất lớn, vì vậy cần phải quan tâm nỗ lực cải thiện vấn đề này.

Thuật ngữ khỏe mạnh ở đây được phân tích khác với từ được sử dụng cho con người. Điều kiện cần thiết là trạng thái không có bệnh, tuy nhiên đối với heo thì khỏe mạnh còn có ý nghĩa khác. Đó là trạng thái sinh lý, thể chất thoải mái, giúp phát huy tối đa năng lực tiềm ẩn di truyền mà heo có thể đạt được như năng lực sinh sản, năng suất, sản xuất thịt ít mỡ.