Cá tra chế biến quyết giữ thị trường nội địa
Cùng với việc giữ vững các thị trường XK truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản…, trong năm 2017, thị trường nội địa, nhất là thị trường các tỉnh phía Bắc sẽ được Bộ NN-PTNT đặt làm trọng tâm cho chiến lược phát triển đầu ra của con cá tra.
Để khởi động chiến lược này, từ ngày 6 - 8/10/2017, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam tại Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp Việt Nam, số 489 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy (TP Hà Nội). Năm 2016, kim ngạch XK cá tra của nước ta đạt khoảng 1,67 tỷ USD, là một trong những mặt hàng thủy sản XK chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, các thị trường XK chính tập trung chủ yếu vào Mỹ (20%), EU, ASEAN, Mexico…
Theo đánh giá, mặc dù dư địa và năng lực SX của ngành hàng cá tra Việt Nam còn rất lớn, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thể mở rộng được SX do thị trường từ trước tới nay vẫn có hạn, đặc biệt là thị trường nội địa và thị trường Trung Quốc vốn còn tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác triệt để. Người dân các tỉnh phía Bắc chưa quen ăn cá tra hàng ngày. Ở trong nước, nếu như tại phía Nam, người tiêu dùng lâu nay đã khá quen thuộc với mặt hàng cá tra thì tại phía Bắc, đây vẫn đang là mặt hàng khá lạ lẫm.
Vì vậy ngay từ hội nghị về cá tra tại An Giang cuối năm 2016, Bộ NN-PTNT đã chủ trương trong năm 2017 này, sẽ phải từng bước vực dậy sức tiêu thụ sản phẩm cá tra tại thị trường nội địa, trong đó chủ yếu là khai thác tiềm năng tiêu dùng còn bỏ ngỏ ở các tỉnh phía Bắc và thị trường Trung Quốc, từ đó đẩy mạnh tiêu thụ cá tra ngay ở trong nước.
Hội chợ cá tra là một trong những hoạt động trọng điểm để quảng bá, thúc đẩy thói quen tiêu dùng cá tra tại chỗ. Đây cũng là dịp để thu hút sự tham gia của các DN Trung Quốc, nhất là các tỉnh giáp với biên giới phía Bắc nước ta.
Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: “Để sản phẩm cá tra tới tay người tiêu dùng thuận lợi, hiện đã có trung tâm phân phối nông sản an toàn, đây là kênh phân phối sản phẩm nông sản cho các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, bệnh viện, trường học...".
Hiện trung tâm này đã có rất nhiều đơn đặt hàng cá tra từ các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học... có thể tiêu thụ một lượng cá tra ổn định và tương đối lớn. Bên cạnh đó, sản phẩm cá tra sẽ được đưa vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ... đây cũng là kênh phân phối cá tra tới người tiêu dùng thuận tiện, nhanh chóng, với giá cả hợp lý nhất.
Hội chợ sẽ tập trung giới thiệu sản phẩm cá tra và sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm phụ trợ phục vụ sản xuất cá tra. Bên cạnh đó, hội chợ còn có nhiều gian hàng giới thiệu các sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam như tôm, cá ngừ.
Đây cũng là cơ hội để các tỉnh, thành phố giới thiệu các thủy đặc sản nổi bật của địa phương mình. Cũng trong thời gian diễn ra hội chợ, còn có các cuộc hội thảo "Phát triển bền vững nghề nuôi cá tra trong bối cảnh hội nhập" và "Phát triển sản phẩm cá tra gắn tới thị trường tiêu thụ nội địa".
Có thể bạn quan tâm
Thủy sản đã trở thành mặt hàng được chú trọng; trong đó có sản phẩm từ chế biến từ cá tra.
Xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay với giá trị đạt 247,4 triệu USD, chiếm 21,3% tổng giá trị, tăng 43,9% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu thủy sản nước ta ước đạt 5,91 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2016. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc