Cá chết ở Phú Quý do tác động của hiện tượng tự nhiên
Rong chết phát sinh khí độc làm cá chết
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng: Năm nay thời tiết nóng làm rong, tảo phát triển mạnh, khi rong, tảo chết sẽ phát sinh khí độc có mùi hôi thối gây ô nhiễm vùng nước. Hàng năm đều xảy ra hiện tượng trên nhưng mức độ ảnh hưởng không đáng kể nhờ có luồng nước chảy cuốn đi. Năm nay gió nhẹ, nhiệt độ cao, không có luồng nước chảy vào đúng thời điểm rong, tảo chết khiến cá nuôi trong những vùng nước tù chết. Chính vì vậy mà các bè cá vùng ngoài không bị ảnh hưởng nhờ có luồng nước chảy.
Ông Huỳnh Quang Huy cho biết thêm: Tháng 4/2016, đã trực tiếp ra Phú Quý kiểm tra, thời điểm này rong, tảo đang phát triển nên đã tuyên truyền, yêu cầu bà con cho người trực 24/24, khi thấy cá mệt phải sục oxy, thấy nước chuyển màu phải dời cá, dời bè. Vào thời điểm cá chết (ngày 9/5), lại không có người trực nên xảy ra tình trạng cá chết, gây thiệt hại cho bà con.
Dời toàn bộ bè cá ra vùng nước sâu
Ông Nguyễn Văn Linh – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho biết: Toàn huyện hiện có 70 cơ sở nuôi trồng hải sản bằng lồng bè với tổng diện tích nuôi trồng là: 10.730m2. Trước hiện tượng cá chết, huyện đã báo cáo về tỉnh toàn bộ sự việc. Chúng tôi cho rằng có thể cá chết do thiếu oxy cục bộ nên đã vận động bà con di dời bè cá ra vùng nước sâu. Đến nay, toàn bộ bè cá đã được di dời đảm bảo yêu cầu; sau đợt cá chết ngày 9/5 mà Báo Bình Thuận online phản ánh đến nay không có trường hợp nào cá nuôi lồng bè bị chết thêm.
Ngư dân Phú Quý tắm cho cá nuôi lồng bè (ảnh: Đình Nhượng).
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cũng khuyến cáo bà con nên cử người thường xuyên theo dõi cá, môi trường nước. Nếu có hiện tượng bất thường phải báo ngay cho cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Ngoài ra, bà con ngư dân nên tham gia bảo hiểm vật nuôi để giảm bớt thiệt hại khi xảy ra tình trạng tương tự.
Được biết, sau khi Báo Bình Thuận Online đăng bài “Cá chết hàng loạt tại Khu nuôi trồng thủy sản huyện Phú Quý”, phản ánh tình trạng cá nuôi lồng bè chết hàng loạt, chủ yếu là cá mú, cá bớp và cá gáy, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Phú Quý khẩn trương thống kê, xác định số lượng cá chết và tổng thiệt hại của người dân trên địa bàn. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Phú Quý và các sở, ngành liên quan kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết báo cáo trước ngày 16/5 và có biện pháp xử lý ban đầu, đề xuất hướng xử lý phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Sáng 13-5, Chủ tịch UBND xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) Nguyễn Hoàng Vĩnh cho biết, ao cá rộng khoảng 15.000m2 gần UBND xã vẫn tiếp tục xuất hiện tình trạng cá chết, nổi lên mặt nước.
Huyện Vị Thủy hiện có trên 190ha đã được nông dân thả nuôi các loại cá, chủ yếu là cá ao. Những ngày qua, sức mua một số loại mặt hàng thủy sản của thương lái tiếp tục giảm. Bên cạnh đó, giá cũng giảm theo đã làm ảnh hưởng lớn đến người dân nuôi thủy sản.