Trang chủ / Cây công nghiệp / Cà phê

Bón phân hợp lý để canh tác cà phê bền vững

Bón phân hợp lý để canh tác cà phê bền vững
Tác giả: TS. Tôn Nữ Tuấn Nam
Ngày đăng: 15/09/2020

Cây cà phê không có nhiều lợi thế so với một vài loại cây ăn quả đang được mở rộng ồ ạt ở Tây Nguyên, nhưng vẫn là cây dễ trồng và hiệu quả.

Thực tế sản xuất ở nhiều vùng chuyên canh cà phê cho thấy trong thời kỳ cà phê có giá tốt, có hiện tượng lạm dụng phân hóa học, người nông dân có tư tưởng bón thừa nhằm nâng cao năng suất.

Khi giá cà phê ở mức rất thấp trong nhiều năm liền, lại không ít nông hộ có xu hướng tiết kiệm đầu tư bằng cách giảm bớt lượng phân bón so với lượng bón hàng năm trước đây. Việc bón phân vô cơ không hợp lý dù thừa hay thiếu đều không đem lại kết quả tốt. Bón hợp lý là bón cân đối các chất đa trung, vi lượng theo đúng nhu cầu của vườn cây ở từng giai đoạn sinh trưởng khác nhau, tránh bón thừa hoặc thiếu, như vậy mới có thể ổn định năng suất qua các năm, duy trì tốt lợi nhuận của người trồng cà phê.

Bón thừa phân, trước hết gây nên lãng phí tiền bạc, hiệu quả sử dụng phân bón không cao, lâu dần những khoáng chất dư thừa có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi đến môi trường đất như làm đất hóa chua nhanh, giữ nước giữ phân kém, làm mất cân bằng hệ vi sinh vật trong đất dẫn đến phát sinh các loại dịch hại nguy hiểm ...

Bón thiếu phân, cây sinh trưởng kém, năng suất giảm và cây có thể bị suy kiệt sau vài vụ thu hoạch. Cà phê là loại cây có nhu cầu dinh dưỡng cao, sự thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là hai yếu tố đạm và kali thường đi đôi với hiện tượng khô cành, khô quả vào giai đoạn quả chín già và sau thu hoạch. Các giống cà phê mới đang được trồng phổ biến hiện nay có tiềm năng năng suất cao từ 5-7 tấn nhân/ha, cần được đầu tư phân bón đúng mức để đạt được năng suất, chất lượng tốt. Khi mà giá cà phê thấp, các chi phí và công lao động cao thì cà phê phải đạt được bình quân trên 4 tấn nhân/ha/năm mới có lãi.

Do đó, kỹ thuật bón phân có hiệu quả nhất là chẩn đoán độ phì đất để bón. Phân tích độ phì đất sẽ biết được đất vườn cà phê đang thiếu hụt chất gì, dư thừa chất gì so với ngưỡng mà cây có thể phát triển tốt, cho năng suất cao. Từ đó, người làm công tác chuyên môn sẽ dựa vào tiềm năng cho năng suất của vườn và số liệu phân tích độ phì đất đề xuất một công thức phân bón hợp lý hơn cho vườn cây hơn so với quy trình chung. Điều này không những giảm được chi phí đầu tư phân bón mà còn giữ được môi trường đất.

Một quy trình chung về bón phân cho cà phê kinh doanh trên đất có độ phì trung bình được Công ty CP Phân bón Bình Điền đề nghị dưới đây. Cũng cần lưu ý rằng nhiều vườn cà phê thường được xen canh các loại cây lâu năm khác như sầu riêng, bơ, hồ tiêu ... nên mật độ cà phê có thể giảm, lượng phân cho cà phê trên 1ha có thể thay đổi tùy theo mật độ cây. Các cây trồng xen cũng cần được bón phân theo đúng nhu cầu của chúng để đảm bảo hiệu quả xen canh.

Để tiện cho bà con khi đầu tư phân bón cho cà phê, lượng phân bón sau đây được đề nghị cho một cây cà phê đạt từ 16-19 kg quả/cây tương ứng với năng suất 4-5 tấn nhân/ha quy đông đặc.

1/ Phân hữu cơ: Đây là loại phân không thể thiếu đối với xu thế canh tác bền vững ngày nay. Phân chuồng được bón với khối lượng 10-15 kg/gốc, 2-3 năm bón lại một lần. Không có phân chuồng thì bón các loại phân sinh hóa hữu cơ hay vi sinh hữu cơ như Đầu Trâu BLC 08, Đầu Trâu HCMK 7... với liều lượng 2-3 kg/gốc/năm.

Ngoài ra bà con nông dân nên tận dụng các nguồn hữu cơ tại chỗ như xác bã thực vật các cây trồng xen, cây che phủ, cỏ rác trên lô, phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có của nông hộ để làm giàu chất hữu cơ cho đất.

2/ Phân khoáng: Bón tổng cộng từ 1,7-2 kg/cây phân NPK hỗn hợp các loại, thường được bón 4 lần trong năm.

- Mùa khô: Bón phân Đầu Trâu mùa khô 20-5-6 13S+TE, lượng bón 400-500g/cây, có thể chia làm 1 hoặc 2 lần bón.

- Đầu mùa mưa: Bón các loại phân có hàm lượng đạm và lân cao hơn kali như Đầu Trâu Tăng trưởng 19-12-6+TE hoặc NPK 16-16-8 9S+TE, lượng bón 400- 450g/cây.

- Giữa mùa mưa: Bón phân Đầu Trâu mùa mưa 16-8-16 8S+TE, hoặc Đầu Trâu chắc hạt NPK 16-6-19+TE, lượng bón 500g-600g/cây để cây vừa nuôi hạt vừa nuôi bộ cành dự trữ năm sau phát triển tốt.

- Cuối mùa mưa: Bón phân Đầu Trâu mùa mưa16-8-16 +TE, hoặc Đầu Trâu chắc hạt NPK 16-6-19+TE, lượng bón 400- 450g/cây.

Nếu đất vườn được phân tích độ phì, ở những vườn có hàm lượng kali trong đất dễ tiêu thấp hơn 15mg/100g đất, nên chọn công thức 16-6-19 TE để bón trong đợt giữa và cuối mùa mưa.

Để duy trì độ phì đất và cải tạo độ chua đất, viêc bón vôi hoặc chất cải tạo đất cũng nên được thực hiện. Bón vôi với lượng 1.000kg/ha, 2 năm bón một lần, hoặc bón Đầu Trâu hữu cơ khoáng thiên nhiên với thành phần chủ yếu là hữu cơ 22,2%, acid humic (3,0%), acid fulvic (1,55) và các chất trung, vi lượng khác như Ca, Mg, Si, B, Zn… bón 500kg/ha, 1-2 năm bón một lần.


Có thể bạn quan tâm

Biện pháp khắc phục hiện tượng sương muối gây hại trên cây cà phê Biện pháp khắc phục hiện tượng sương muối gây hại trên cây cà phê

Những ngày gần đây, nhiệt độ tại Lâm Đồng xuống thấp, sương muối dày đặc bao phủ khiến 468 ha cây trồng bị cháy sạm, tỷ lệ hư hại trên 70% là 375,5 ha.

06/06/2020
Chăm sóc cà phê đầu mùa mưa Chăm sóc cà phê đầu mùa mưa

Tây Nguyên vừa trải qua một thời kỳ nắng hạn kéo dài, nhiều vùng không có đủ lượng nước tưới, cây cà phê bị khô lá, rụng quả.

19/06/2020
Chăm sóc vườn cà phê mùa mưa sao cho hiệu quả nhất? Chăm sóc vườn cà phê mùa mưa sao cho hiệu quả nhất?

Vào mùa mưa, cây cà phê dễ bị sâu bệnh hại cây, rụng trái non, nấm bệnh… Nếu không xử lý hiệu quả, vườn cà phê sẽ bị thất thu, hỏng cây, giảm năng suất.

14/09/2020
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.