Trang chủ / Cây công nghiệp / Cà phê

Bón phân Đầu Trâu cho vườn cà phê tái canh

Bón phân Đầu Trâu cho vườn cà phê tái canh
Tác giả: TS. Tôn Nữ Tuấn Nam
Ngày đăng: 05/06/2020

Dù giá không mấy khích lệ trong những năm qua, nhưng cà phê vẫn là cây dễ trồng, cho thu nhập ổn định so với nhiều loài cây dài ngày, cây ăn quả khác.

Ở Tây Nguyên, cà phê từ lâu đã trở thành loại cây quen thuộc. Nông dân trồng cà phê nơi đây ngày càng có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về loại cây trồng này thông qua các dự án Cà phê bền vững của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ và ngay cả các doanh nghiệp tư nhân thu mua cà phê trong nước. Điển hình nhất là dự án VnSAT, trong khoảng thời gian từ năm 2016 -2019 đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho gần 20.000 nông dân trồng cà phê Tây Nguyên về kỹ thuật tái canh và canh tác cà phê bền vững.

Nếu như trước đây người nông dân trồng cà phê gặp khó khăn trong việc tái canh vì khi trồng lại trên đất vườn cà phê cũ, cây cà phê thường hay bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ và chết, thì ngày nay phần lớn nông dân đã nắm bắt được những kỹ thuật then chốt để quản lý được bệnh vàng lá thối rễ và tái canh thành công. Những năm qua, diện tích cà phê tái canh mở rộng không ngừng, vườn cà phê già cỗi năng suất thấp được nhổ bỏ và trồng lại bằng các giống mới có tiềm năng năng suất rất cao. Từ năm 2014 -2019 có hơn 84.000ha cà phê đã được tái canh ở vùng Tây Nguyên.

Phân bón Đầu Trâu mùa khô rất tốt cho các loại cây trồng nhất là cây công nghiệp.

Cùng với việc trồng các giống mới năng suất cao, nông dân đã áp dụng đồng bộ các kỹ thật canh tác về luân canh cải tạo đất, làm đất, bón phân, tạo hình, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh…. nên sau khi trồng khoảng 30 tháng đã có thể thu bói được 2 tấn nhân/ha, vụ thu hoạch năm tiếp theo là vụ thu chính đầu tiên (thường vào sau khi trồng mới 42 tháng) năng suất tăng vọt lên gấp đôi năm bói, đạt 4 – 5 tấn nhân/ha và đến năm thứ 6 thứ 7 sau khi trồng, vườn cây bước vào thời kỳ kinh doanh ổn định, có thể dễ dàng đạt 5-6 tấn nhân/ha/năm. 

Vào năm thứ 3-4 năm sau khi trồng, cây có bước nhảy vọt về năng suất, đó là lúc cây có bước chuyển tiếp từ thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng của cây non sang thời kỳ kinh doanh khai thác vườn cây.

Trong giai đoạn này nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê cũng có sự thay đổi về lượng và cả về chất so với các năm kiến thiết cơ bản, do vậy cần chú ý cung cấp dinh dưỡng kịp thời, đầy đủ để tránh cho cây cà phê bị kiệt sức. Một liều lượng kali cân đối với đạm cần được chú ý bón một cách hợp lý trong vụ nuôi quả trong các vụ đầu tiên.

Khảo sát nhiều vườn cà phê tái canh, có nhiều vườn cho năng suất rất cao  ở 1-2 vụ thu hoạch đầu tiên, sau đó chững lại, cây suy, khô cành và chết cành.

Nhiều nông dân cho là cây bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ do tuyến trùng, nhưng nhiều trường hợp do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, cây bị thiếu hoặc mất cân đối dinh dưỡng, suy yếu, sau đó dễ bị nhiễm bệnh. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho vườn cây tái canh bao gồm cả phân hữu cơ, phân vô cơ, chế phẩm sinh học đối kháng với các loại dịch hại ở trong đất và cả chất cải tạo đất như vôi.

Bón phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học đối kháng đều đặn sau khi tái canh là một kỹ thuật quan trọng giúp cây cà phê tái canh khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh.

Do đó, Công ty CP Phân bón Bình Điền đề xuất một chế độ bón phân cho cà phê tái canh từ khi trồng mới như sau: Ngoài lượng phân lót trong hố khi trồng là 10-15kg phân chuồng ủ hoai + 0,5kg lân nung chảy + 0,5kg vôi/hố, thì lượng phân NPK và phân hữu cơ Đầu trâu qua các năm như sau:

- Năm 1(trồng mới): 200kg/ha NPK 16-16-8-9S bón trong mùa mưa chia làm 3-4 lần.

- Năm 2: 150-200kg/ha Đầu Trâu Mùa Khô bón trong mùa khô chia làm 2 lần + 400 kg/ha NPK 16-16-8-9S, chia 2 lần bón trong đợt đầu và giữa mùa mưa + 200kg NPK 16-8-16-9S bón vào đợt cuối mùa mưa.  

- Năm 3: 300-400kg/ha Đầu Trâu Mùa Khô bón trong mùa khô chia làm 2 lần + 800-1000 kg/ha NPK 16-8-16-9S bón vào mùa mưa chia làm 3-4 lần.

- Thời kỳ kinh doanh ổn định: cà phê đạt năng suất bình quân từ 5-6 tấn nhân/ha/năm, lượng phân NPK bón cho một năm như sau: 400-500kg/ha Đầu Trâu Mùa Khô bón trong mùa khô chia làm 1-2 lần. Mùa mưa: bón tổng cộng 1800- 2000kg/ha chia làm 3-4 lần bón. Đợt đầu mùa mưa dùng NPK 16-16-8-9S hoặc Đầu trâu Tăng trưởng có công thức là 19-12-6+TE, các đợt giữa và cuối mùa mưa dùng loại Đầu Trâu Mùa Mưa hoặc Đầu Trâu Chắc.

Ngoài lượng phân khoáng trên cần bón thêm phân hữu cơ. Một số sản phẩm phân hữu cơ vi sinh có chứa vi sinh vật đối kháng và vi sinh vật có ích của công ty phân bón Bình Điền được đề nghị bón thường xuyên cho vườn cà phê tái canh là Đầu Trâu HCMK 7(sản phẩm của Phân bón Bình Điền MêKông); Đầu Trâu BLC 08 (sản phẩm của Phân bón Bình Điền Lâm Đồng).  

Thời kỳ kiết thiết cơ bản bón 1-2 kg/cây/lần, bón 2 lần/năm. Thời kỳ kinh doanh bón 2-3 kg/cây/lần, bón 2-3 lần /năm.

Ngoài ra để có những sản phẩm phân bón cải tạo đất, đáp ứng cho chương trình cà phê tái canh và phù hợp với xu hướng canh tác hữu cơ hiện nay, công ty Bình Điền đã sản xuất một loại phân mới là Đầu Trâu hữu cơ khoáng thiên nhiên với thành phần chủ yếu là hữu cơ 22,2%, acid humic (3,0%), acid fulvic (1,55) và các chất trung vi lượng khác như Ca, Mg, Si, B, Zn….: Bón 500kg/ha, 1-2 năm bón một lần.


Có thể bạn quan tâm

Quản lý tổng hợp sâu bệnh hại cây cà phê Quản lý tổng hợp sâu bệnh hại cây cà phê

Cà phê là cây trồng chủ lực của người dân Tây Nguyên, hiện nay nhiều vườn cà phê bị sâu bệnh tấn công và cần có giải pháp phòng trừ một cách khoa học.

16/05/2020
Cà phê vàng lá do thời tiết bất lợi - cách xử lí thông minh Cà phê vàng lá do thời tiết bất lợi - cách xử lí thông minh

Do thiếu dinh dưỡng; Do ảnh hưởng của các yếu tố thời tiết bất thuận trong mùa mưa; Do cây cà phê bị thối rễ; Hay bị vàng lá sau khi bón phân hóa học.

19/05/2020
Chăm sóc vườn cà phê mùa khô Chăm sóc vườn cà phê mùa khô

Việc thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc vườn cà phê sau thu hoạch rất quan trọng trong việc quyết định năng suất, sinh trưởng, bền vững vườn cà phê

27/05/2020