Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Bỏ tiền tỉ trồng rau sạch trên núi

Bỏ tiền tỉ trồng rau sạch trên núi
Tác giả: Phạm Linh
Ngày đăng: 28/02/2017

Một người dân ở xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà đang bắt tay thực hiện dự án trồng măng tây trên núi. Một vùng đất triền đồi ven sông Rin vốn quen với cây mía, mì, keo như đang trở mình cựa quậy với một dự án trồng rau sạch đầy tham vọng.

Trong ảnh: Ông Trương Anh Tuấn (áo trắng) cùng nhân công làm đất để thực hiện dự án trồng măng tây. Ảnh: Phạm Linh.

Mộng làm giàu của hai cha con

Những ngày này, hàng chục người dân và máy móc hoạt động liên tục trên công trường 2ha ở thôn Gia Ri để vỡ đất. "Chủ đầu tư" của dự án này là ông Trương Anh Tuấn (SN 1971), một người dân làm nghề buôn bán ở xã Sơn Trung.

Vận chiếc áo sơ mi dài tay cũ, quần jean lửng, đầu đội nón, người đàn ông 46 tuổi dẫn đầu những nhân công đang làm việc cho ông đến khu đất đã được máy cày xới lên. Ông cúi xuống nhặt những cọng cỏ khô trên mặt đất rồi hướng dẫn nhân công làm theo. "Làm rau sạch thì trước tiên đất phải sạch", ông Tuấn nói trước khi giới thiệu về dự án.

Là người dân xã Sơn Trung, ông Tuấn đã thành công với công việc buôn bán và tích lũy được một số vốn cùng đất đai, nhưng gia tài để lại cho con là điều ông Tuấn trăn trở. Trương Trung Thành (27 tuổi), con trai ông Tuấn vẫn hàng ngày phụ giúp công việc kinh doanh với gia đình. Chàng trai 27 tuổi này cũng ôm mộng làm giàu, nhưng khát khao một lối đi riêng, khác với công việc của gia đình.

Lĩnh vực Thành quan tâm và muốn thử nghiệm là nông nghiệp, nhưng  khi đề xuất ý tưởng nuôi heo thì bị ông Tuấn "bác", bởi theo ông, phải làm điều gì đó khác biệt thì mới đảm bảo được đầu ra ở khâu tiêu thụ và lợi nhuận kinh doanh. Mấy tháng trước, ông ra đề bài cho Thành: "Phải tìm được cây gì, con gì mà độc, lạ, sau đó ba mới bỏ tiền đầu tư".

Tìm tòi trên mạng, Thành tìm ra "lời giải" cho cha, đó cây măng tây, một loại rau sạch cao cấp có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, xuất xứ ở nước ngoài đang được đầu tư trồng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Khi xem các bài báo, video giới thiệu về cây măng tây, cả hai cha con đều hồ hởi, vì đây là loài cây dễ trồng, lại tốt cho sức khỏe, đặc biệt là lợi nhuận rất cao.

Để xác thực những thông tin trên Internet, ông Tuấn liên hệ với công ty đang cung cấp giống, quy trình kĩ thuật để trồng giống rau này và ngỏ ý muốn hợp tác. Sau đó, hai cha con ra tận Hà Nội để "sờ tận tay, xem tận mắt" các nhà vườn trồng măng tay ở Hà Nội. Không còn sự dè dặt hoài nghi, bởi những gì được chứng kiến trùng khớp với thông tin trên internet, ông Tuấn quyết định đầu tư hơn 1 tỉ đồng, cùng 2ha đất ven sông Rin để kí hợp đồng với công ty thực hiện dự án.

Theo ông Tuấn, rau măng tây đã được trồng ở trên 40 tỉnh thành ở Việt Nam, loài rau này hợp với đất phù sa không ngập úng. Chi phí giống cho 2ha lên đến 480 triệu đồng, nhưng rau bắt đầu có thể thu hoạch sau 4 tháng, khi thu bói đạt sản lượng 120kg/ ngày, đến năm thứ hai có thể đạt 150kg/ ngày.

Càng trồng lâu, rễ sẽ bám sâu vào mặt đất, sản lượng sẽ đạt cao nhất vào năm thứ 5. Với diện tích 2ha, ông Tuấn dự kiến doanh thu sẽ đạt 7-8 triệu/ ngày, sau 2 năm có thể thu hồi vốn.

Ngoài những tính toán về lợi nhuận, vườn rau măng tây 2ha này dự kiến tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động tại địa phương.

Trông chờ vào hiệu quả của mô hình

Vùng đất ven sông Rin trước đây chỉ có cây keo, mía, mì, thu nhập từ những loài cây này không cao. Vì thế dự án trồng rau măng tây không chỉ mới mẻ mà còn hứa hẹn một mô hình hiệu quả có thể nhân rộng.

Dù là một dự án do người dân thực hiện, nhưng Phùng Tô Long-Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cứ có thời gian lại lên xem tiến độ đến đâu. Ngày 24.2, lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây và lãnh đạo xã Sơn Tinh đã đến tham quan dự án của ông Tuấn.

Ông Bùi Văn Ba-Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh hào hứng: " Từ trước đến nay tôi cũng tìm tòi tìm ra mô hình hiệu quả cho bà con, nhưng chưa tìm ra giống cây thực sự hiệu quả. Vừa qua, một số người dân trồng cà gai leo cũng không có đầu ra. Tôi cũng mong dự án trồng măng tây thành công, nhưng có chút băn khoăn là giống măng tây hơi đắt (14 nghìn một cây giống), quá với sức đầu tư của bà con".

Nói về đầu ra của cây măng tây, ông Trương Anh Tuấn chia sẻ: "Công ty sẽ cung cấp kĩ thuật và hỗ trợ đầu ra 10 năm. Chính vì thế tôi mới yên tâm đầu tư chứ không hề mông lung".

Dự án trồng măng tây là dự án tiên phong hứa hẹn cho những dự án kế tiếp. Công ty kí hợp đồng với ông Trương Anh Tuấn đã đến huyện Sơn Hà khảo sát vùng đất ven sông Rin và làm việc với huyện.

Ông Phùng Tô Long-Phó Chủ tịch UBND huyện  Sơn Hà cho biết, huyện đã có văn bản đồng ý cho công ty phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện phát triển vườn rau hữu cơ tại xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà.

"Sống phải vì con em chúng ta. Bây giờ muốn mua rau  cũng mệt lắm. Tôi muốn tìm lối đi để có rau sạch phục vụ bà con", ông Trương Anh Tuấn, xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà.


Có thể bạn quan tâm

Quýt đường rớt giá, nhà vườn lao đao Quýt đường rớt giá, nhà vườn lao đao

Nông dân trồng quýt đường xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang gặp nhiều khó khăn khi giá bán liên tục sụt giảm

28/02/2017
Tiêu chết trắng, người trồng bỏ nhà trốn nợ Tiêu chết trắng, người trồng bỏ nhà trốn nợ

Hai huyện Chư Sê, Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được mệnh danh là “thủ phủ hồ tiêu” của Tây Nguyên, nơi có nhiều tỷ phú nông dân nhất cả nước.

28/02/2017
Cẩn trọng khi trồng xen chanh dây trong hồ tiêu Cẩn trọng khi trồng xen chanh dây trong hồ tiêu

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ia Grai phát triển mạnh mô hình trồng xen cây chanh dây trong vườn tiêu. Mô hình này đang phát huy hiệu quả

28/02/2017