Bò Thịt Ở Hà Nội Chưa Có Thương Hiệu
Mô hình chăn nuôi bò thịt đang phát triển rộng rãi ở ngoại thành Hà Nội, nhiều hộ dân đã vươn lên trở thành những tỷ phú nuôi bò. Hà Nội đã đưa những giống bò mới năng suất, chất lượng cao vào chăn nuôi nhưng người dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn để mở rộng sản xuất, xây dựng chuồng trại, xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Hiện nay, quy mô chăn nuôi bò thịt của Hà Nội vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, (bình quân 1,64 con/hộ) lại đang đứng trước nguy cơ thiếu giống bò cái sinh sản để sản xuất giống theo hướng thịt, tăng năng suất và sản lượng cung cấp ra thị trường.
Nhiều hộ dân do ham rẻ, mua giống bò ở những cơ sở trôi nổi không được Nhà nước cấp phép nên bò sinh trưởng và phát triển chậm. Một số hộ nuôi bò không có kinh phí, dẫn đến bán bê con ngay từ lúc mới sinh, dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao.
Do cách làm ăn của nông dân vẫn còn manh mún, nên chưa xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là việc chưa xây dựng được thương hiệu thịt bò Hà Nội, hầu hết nông dân nuôi bò vẫn tự sản, tự tiêu dẫn tới giá trị thấp.
Chị Phạm Thị Vân (hiện đang nuôi khoảng 50 con bò) ở huyện Thường Tín cho rằng, quá trình chăn nuôi vẫn còn gặp khó khăn. Trang trại muốn mở rộng nuôi lên 70-100 con bò, nhưng rất khó khăn về nguồn vốn; hình thức chăn nuôi bò thịt vẫn dựa vào chăn thả tự nhiên; năng suất, chất lượng thịt thấp.
Bên cạnh đó là việc thiếu đồng cỏ và thức ăn thô xanh. Bởi các hộ chăn nuôi rất khó thuê đất để trồng cỏ nuôi bò, nếu thuê được thì diện tích rất nhỏ, không cung cấp đủ số lượng thức ăn cho bò trong quá trình nuôi…
Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, người dân cần duy trì ổn định số lượng bò thịt, theo hướng zebu hóa các giống bò cao sản chất lượng cao, chuyên thịt nâng cao tỷ lệ máu ngoại của đàn bò cái nền và áp dụng kỹ thuật vỗ béo bò thịt vào sản xuất.
Đồng thời tăng cường chế biến, nâng cao giá trị dinh dưỡng nguồn phụ phẩm làm thức ăn cho bò; xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao để thay thế một phần thịt bò nhập khẩu; chủ động tiêm phòng các bệnh nguy hiểm, nhất là lở mồm long móng, trong đó ưu tiên cho các cơ sở sản xuất giống, vùng có nguy cơ dịch bệnh cao...
Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng chương trình phát triển chăn nuôi theo xã, vùng trọng điểm giai đoạn 2015 đến 2025, dự kiến đến năm 2015 sẽ có 19 xã chuyên về chăn nuôi bò thịt.
Để tháo gỡ khó khăn trong nuôi bò thịt hiện nay, Nhà nước cần có chính sách để nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp đối với vật nuôi, nhất là bò sữa và bò thịt.
Ở những địa phương có lợi thế, cần xây dựng các mô hình chăn nuôi bò đặc sản, hữu cơ, gắn với chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu thịt bò Hà Nội, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm để phục vụ thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu; đồng thời, ở những xã, huyện chăn nuôi bò thịt cần quy hoạch các vùng trồng cỏ làm thức ăn xanh cho bò; mở các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật trong tất cả các quy trình sản xuất theo mô hình khép kín để tăng về trọng lượng và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo Trung tâm Phát triển chăn nuôi, hiện tổng đàn bò thịt của Hà Nội là 128.501 con/78.570 hộ và thành phố đang tập trung vào phát triển theo vùng, xã trọng điểm. Đến nay đã có 15 xã trọng điểm về bò thịt, với số lượng 22.032 con/11.378 hộ.
Thực tế với các xã chăn nuôi bò thịt, xu hướng tăng đàn chậm, song người dân đã cải thiện đáng kể về chất lượng, nhất là đưa các giống mới vào sản xuất có hiệu quả như: Droughtmaster, BBB. Đã hình thành 45 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, với số lượng 800 con.
Có thể bạn quan tâm
Tổng Cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ tổ chức hội thảo "Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản".
Tính đến tháng 9 năm 2015, toàn tỉnh Phú Thọ đã phát triển được 921 lồng cá (quy mô 90m3/lồng) tập trung tại sông Đà, sông Lô, sông Bứa và một số hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh, tăng 500 lồng so với năm 2014.
Tận dụng quy luật lên xuống của con nước, những người dân ven các sông, rạch ở Gò Công (Tiền Giang) đã phát triển nghề đăng lưới từ nhiều năm nay.
Gà Đông Tảo (hay còn gọi là gà Đông Cảo) - một giống gà quý hiếm của Việt Nam có nguồn gốc từ tỉnh phía Bắc Hưng Yên xa xôi nay đã “bén duyên” với vùng đất Đơn Dương, Lâm Đồng.
Từ cuối tháng 10 trở lại đây, mía tím Khánh Sơn (Khánh Hòa) rớt giá, việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này khiến nhiều gia đình lo lắng vì phải đối mặt với vụ mía thua lỗ và ảnh hưởng đến lịch xuống giống vụ tiếp theo.