Bổ sung chất phụ gia cho tôm
Để tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, tăng sức đề kháng, phòng bệnh hiệu quả thì không thể thiếu các chất phụ gia quan trọng trong thức ăn của tôm như chế phẩm sinh học, khoáng - premix, hoạt chất kích thích miễn dịch…
Bổ sung chất phụ gia cho tôm nuôi giúp tôm khỏe mạnh - Ảnh: PTC
Chế phẩm sinh học
Chế phẩm sinh học (CPSH) là một chất phụ gia, là sản phẩm vi sinh chứa nhiều chủng hay một chủng vi sinh vật có lợi mà khi sử dụng riêng lẻ hoặc phối hợp sẽ mang đến lợi ích cho tôm nuôi. CPSH để cải thiện sức khỏe của tôm, có chứa các vi sinh vật có lợi cho đường ruột gồm: Bacillus subtilis, Lactobacillus acidophillus, Saccharomyces cerevisae. Khi các vi khuẩn có lợi này vào đường ruột tôm, chúng sẽ cung cấp các enzyme xúc tác để phân giải thức ăn, cái thiện dinh dưỡng của tôm; từ đó ức chế sự phát triển của các vi khuẩn có hại. Chúng còn có khả năng cải thiện đáp ứng miễn dịch của tôm chống lại mầm vi sinh vật gây bệnh thông qua việc kích hoạt hệ thống miễn dịch không đặc hiệu và chống lại virus. Khi sử dụng CPSH trộn vào thức ăn cần chú ý: Không dùng chung với kháng sinh; sau khi tôm điều trị bằng kháng sinh 2 - 3 ngày phải bổ sung CPSH để bổ sung lượng vi khuẩn có lợi đã mất trong đường ruột tôm. Men vi sinh nên bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, nóng và nơi ẩm thấp. Nếu dùng chưa hết thì gói kín phần còn lại, tránh ẩm để không bị đóng vón. Khuyến cáo chung thường thấy là trộn CPSH cho ăn trong suốt vụ nuôi cho đến khi thu hoạch, ngày/lần, liều dùng là 5 - 10 g/kg thức ăn và bao ngoài bằng chất kết dính sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.
Premix - Khoáng
Khoáng là thành phần quan trọng thiết yếu cho tôm trong quá trình lột xác và phát triển. Thiếu khoáng có thể làm cho tôm mềm vỏ, cong thân tạo điều kiện cho các mầm bệnh khác xâm nhập và phát triển, gây hại cho tôm. Theo khuyến cáo, người nuôi nên bổ sung khoáng liên tục trong suốt vụ nuôi, đặc biệt là ở giai đoạn 1 - 2 tháng nuôi đầu. Thời gian bổ sung khoáng cho tôm thường vào buổi chiều mát hoặc lúc 10 - 12h đêm. Nhu cầu khoáng ở tôm sẽ khác nhau ở từng loại nuôi, thời điểm sinh trưởng, phát triển; mật độ nuôi; độ mặn… Do đó, người nuôi cần lưu ý quan sát để có thể bổ sung đầy đủ lượng khoáng cho tôm phát triển. Thông thường liều lượng khoáng bổ sung định kỳ là 1 kg/1.000 m3 nước. Trong trường hợp, khi thấy tôm có hiện tượng mềm vỏ kéo dài, tôm khó lột xác phải tạt khoáng liên tục với lượng 1 kg/1.000 m3 nước kết hợp với trộn khoáng cho ăn 2 lần/ngày với lượng 10 ml/kg thức ăn.
Hoạt chất kích thích hệ miễn dịch
Trong các hoạt chất kích thích miễn dịch B-glucan là polysaccharide ly trích từ tế bào nấm men có giá trị nhất và thường được sử dụng cho động vật thủy sản. Tác dụng của B-glucan là giúp tăng cường miễn dịch tự nhiên của con tôm, ngăn ngừa sự xâm nhập mầm bệnh từ bên ngoài như vi khuẩn, virus cải thiện khả năng sống sót và khả năng chống chịu với thời tiết thất thường.
Các cách sử dụng B-glucan với tôm nuôi gồm: Tôm được ngâm trong môi trường có liều lượng B-glucan 300 - 500 mg/l có tác dụng tăng cường sức đề kháng sau 2 - 5h ngâm; Hoặc tiêm cho tôm với liều lượng 10 - 20 g/kg tôm có tác dụng kích thích hệ miễn dịch sau 48h; Và cho tôm ăn B-glucan với lượng 0,5 - 2,0 µg/kg thức ăn có tác dụng làm tăng sức đề kháng sau 7 ngày cho ăn.
Có thể bạn quan tâm
Làm cách nào để người nuôi tôm có thể giảm được giá thành, nhằm tăng lợi nhuận và ứng phó tốt hơn trước những biến động thị trường
Thả tôm đúng với mật độ phù hợp theo từng hình thức nuôi và nhất là cần thả giống vụ mới theo hướng thăm dò để theo dõi dịch bệnh, môi trường
Theo Hội nghề cá Việt Nam, gây mê là một trong những biện pháp làm hạn chế thương tổn lại giữ cá đẹp, không bị bong tróc vảy hay trầy xước, đặc biệt là an toàn