Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Bò sữa ở Liên Hòa để thì thương, vương thì tội

Bò sữa ở Liên Hòa để thì thương, vương thì tội
Tác giả: Đỗ Bảo Châu
Ngày đăng: 02/08/2016

Hiện nay ở xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) có 3 gia đình theo đuổi chăn nuôi bò sữa.

Năm 2005, 3 gia đình ở thôn Ngọc Liễn 2 đã đi tiên phong nuôi bò sữa. Đó là gia đình Tuyến – Thạch (chồng là Tuyến, vợ là Thạch), gia đình Quý – Hường và gia đình Đoan – Liệu.

Theo lịch trình khá đều đặn, thì công ty sữa “Cô gái Hà Lan” về thu mua tại địa phương, ngày 2 lần, sáng từ 6 giờ đến 6 giờ 30, chiều 17 giờ 30 đến 18 giờ 30. Các hộ nuôi bò đều được trang bị bình chuyên dụng, đưa sữa đến địa điểm thu mua. Sữa được công ty kiểm nghiệm đúng quy trình, không thiên vị ai. Bởi vậy, các hộ chăn nuôi đều tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về kỹ thuật – vệ sinh. Đối với sữa nguyên liệu thì vệ sinh ATTP yêu cầu đặc biệt nghiêm ngặt.

Theo anh Phan Văn Quý (hộ Quý – Hường) thì những trường hợp xác định là sữa “bẩn”, sữa chứa hàm lượng kháng sinh vượt mức cho phép, công ty sẽ áp dụng biện pháp cắt hợp đồng vĩnh viễn, nên không hộ nào dám vi phạm dù chỉ một lần chứ không có lần thứ hai.

Chúng tôi đến thăm khu trang trại nuôi bò sữa của gia đình anh Quý, thấy việc chăn nuôi khá bài bản. Chuồng trại được bố trí đúng quy cách, thoáng đãng, vệ sinh. Bò được nuôi trong chuồng trại luôn sạch sẽ, thức ăn đều là cỏ “sạch” và các thực phẩm bổ sung được chọn lọc kỹ càng.

Năm 2005, có thể nói là thời điểm “khởi sắc” của phong trào nuôi bò sữa ở địa phương. Khi ấy, giá một con bò sữa trên dưới 70 triệu đồng. Vậy mà các gia đình vẫn mạnh dạn đầu tư để nuôi. Gia đình ít, cũng 5,6 con. Gia đình nhiều, nuôi hàng chục con.  Tính ra, số tiền dành cho việc nuôi bò sữa, mỗi gia đình bỏ ra từ nửa tỉ đến hơn 1 tỉ đồng. Đó là khoản tiền không nhỏ đối với một vùng nông thôn bán sơn địa, đất ruộng eo hẹp, manh mún. Ngoài sự tính toán, cân nhắc, còn phải có thêm yếu tố “liều” mới dám đầu tư.

Những năm đầu, việc tiêu thụ sản phẩm khá suôn sẻ, công ty mua sữa giá 13 – 14 ngàn đồng/lít. Với giá này, các hộ sau khi trừ các khoản chi phí, đều có lãi. Chính việc có lãi, đã kích thích các hộ phát triển thêm đàn bò và các hộ chưa nuôi cũng muốn vào cuộc xem nuôi bò sữa như thế nào.

Tuy nhiên thời gian gần đây, giá sữa mua của công ty đã giảm và giảm đáng kể, hiện nay chỉ còn 10 ngàn đồng/lít. Nếu tính đổ đồng các loại sữa, thì giá bình quân chỉ còn từ 7 đến 8 ngàn đồng/lít. Với giá này, các hộ may lắm chỉ lấy công làm lãi, còn không thì lỗ. Thậm chí đến mức không thể cầm cự nổi.

Lại thêm một nghịch lý: Nếu bán bò đi để kinh doanh nghề khác, thì giá bò sữa hiện nay chỉ còn khoảng 40 – 50 triệu đồng/con, tức là đã mất mấy chục triệu đồng so với đầu tư lúc ban đầu. “Để thì thương, vương thì tội”. Đó là tình cảnh của người nuôi bò sữa ở Liên Hòa, và không chỉ riêng Liên Hòa.

Thiết nghĩ, huyện Lập Thạch nên có một giải pháp, để phát triển bền vững việc chăn nuôi bò sữa tại địa phương, nhất là tận dụng thế mạnh của huyện vùng bán sơn địa, thức ăn tự nhiên phong phú, đất rộng, nhân lực dồi dào, lai tạo ra nguồn nguyên liệu (sữa) có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn về thực phẩm.

Đặc biệt việc phát triển ổn định đàn bò sữa, giữ giá thu mua sữa ổn định cho người nuôi bò, nâng cao thu nhập cũng chính là thực hiện tốt tiêu chí chuyển đổi cơ cấu SX, cải thiện đời sống cho người dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Hỗ trợ dân thiệt hại do hạn mặn quy trình thủ tục làm khổ nhà nông Hỗ trợ dân thiệt hại do hạn mặn quy trình thủ tục làm khổ nhà nông

Bên cạnh những địa phương làm tốt việc cấp tiền hỗ trợ cho các hộ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do đợt hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử đầu năm 2016, vẫn có nhiều địa phương ở ĐBSCL đã để xảy ra nhiều sai sót, khiến nhà nông bức xúc.

02/08/2016
Nuôi lợn sạch, lãi hàng trăm triệu đồng/năm Nuôi lợn sạch, lãi hàng trăm triệu đồng/năm

Nhận thấy nhu cầu thị trường tiêu thụ mạnh nguồn lợn thịt sạch, gia đình chị Lê Thị Hằng xóm 15B, xã Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, Nghệ An đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn thịt theo quy trình đảm bảo ATVSTP; mỗi năm cung ứng 18 tấn lợn hơi, thu lãi 300 triệu đồng/năm.

02/08/2016
Trồng ớt cay Ando 69 đạt 200 triệu đồng/ha Trồng ớt cay Ando 69 đạt 200 triệu đồng/ha

Vụ xuân 2016, Trạm khuyến nông huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An thực hiện mô hình sản xuất ớt cay hàng hóa Ando 69 tại xã Quỳnh Thuận và An Hòa với 40 hộ dân tham gia trên diện tích 3 ha.

02/08/2016