Bỏ lương 9 triệu về làng nuôi cá lồng muốn lãi 200 triệu/năm
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng giao thông vận tải II Đà Nẵng, làm việc ở mức lương 9 triệu đồng mỗi tháng, nhưng Lê Văn Công (khu phố 4, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị) quyết định về quê nuôi cá vược, cá hồng xây ước mơ làm giàu…
Mô hình nuôi cá vược, cá hồng của nông dân trẻ Lê Văn Công đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Ngọc Vũ
Khát vọng từ quê nhà
Một buổi chiều cuối tháng 5, chúng tôi bước lên con thuyền thúng để chàng trai trẻ Lê Văn Công đưa ra giữa dòng sông thăm mô hình nuôi cá lồng của anh.
Sinh ra ở vùng cửa biển, Công may mắn được bố mẹ tạo điều kiện cho đi học đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng GTVT II Đà Nẵng, Công được nhận vào một công ty xây dựng cầu đường. Chăm chỉ làm việc với mức lương 9 triệu đồng/tháng, Công được đi nhiều nơi, biết nhiều thứ. Thế nhưng, tận sâu trong thâm tâm chàng trai trẻ luôn khát khao cháy bỏng, đó là được làm giàu ở nơi chôn nhau cắt rốn.
Lòng quyết tâm của Công được tăng lên sau khi nghe câu nói của một ông bầu bóng đá: “Ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên!”.
Công cho biết, ý câu nói đó của ông bầu là để động viên các cầu thủ thi đấu hết mình. Ở bất cứ đâu cũng có anh hùng, miễn sao thi đấu hết mình thì ít ra cũng là anh hùng trong lòng người hâm mộ.
Câu nói đơn giản, ấy mà đã giúp Công nghiệm ra rằng, mình phải cố gắng hết sức để thực hiện ước mơ. Ở đâu cũng có thể làm giàu, miễn là mình quyết tâm. Vậy nên, sau 3 năm làm công việc kỹ thuật xây dựng, Công quyết định bỏ về quê lập nghiệp.
Làm giàu từ nuôi cá lồng, bè
Ngôi nhà nhỏ của Công nằm sát mép sông Hiếu, gần cửa biển Cửa Việt. Con sông nước chảy hiền hòa, sạch sẽ. Nhận thấy điều kiện thuận lợi, Công nghĩ ngay đến việc nuôi cá lồng trên sông.
Để thực hiện ước mơ, Công lặn lội vào tận Vũng Tàu, Nha Trang, Huế và một số tỉnh khác học cách nuôi cá vược, cá hồng. Phải mất 8 tháng trời học hỏi và lao động, Công mới cơ bản nắm được các kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cá lồng.
Đầu năm 2016, bằng số tiền 40 triệu đồng tích góp được từ những năm đi làm xây dựng, Công vay mượn thêm làm lồng, thả nuôi cá vược, cá hồng. Đây là mô hình nuôi cá hồng, cá vược trên sông đầu tiên ở Quảng Trị.
Với kiến thức học được cộng với sự nhanh nhẹn, chàng trai trẻ nuôi cá rất thành công. Tiếc thay, vì sự cố môi trường biển do Formosa gây ra nên không lời lãi được bao nhiêu.
Thực phẩm bẩn đang là vấn đề lo ngại của xã hội hiện nay. Những thứ được nuôi trồng trong môi trường tự nhiên, sạch sẽ đang được mọi người lựa chọn. Đó là lý do mình chọn nuôi cá lồng trên sông”. Lê Văn Công
Đầu năm 2017, Công tiếp tục thả 8.000 con cá giống trong 4 lồng diện tích 400m2. Công cho biết, dự kiến tháng 9 tới đây sẽ cho thu hoạch với tổng sản lượng khoảng 7 tấn cá thương phẩm các loại.
Theo Công, cá vược, cá hồng ăn tạp, nuôi trong 7 tháng có thể xuất bán với trọng lượng 1kg/con trở lên.
Ở gần biển, hàng ngày Công mua cá nhỏ, cá tạp của các tàu đánh bắt về cho cá lồng của mình ăn. Cứ 4kg thức ăn (10.000 – 12.000 đồng/kg) sẽ cho ra 1kg cá vược, cá hồng thương phẩm. Nếu giá bán bình quân 120.000 đồng/kg cá lồng thì sau khi trừ chi phí, tổng mức lãi của Công lên tới 200 triệu đồng.
Công chia sẻ, để tạo thói quen, mỗi lần cho cá ăn thường huýt gió và vỗ vào các thanh gỗ trên bè. “Nuôi loại cá này không khó. Chủ yếu là môi trường nước, thức ăn sạch sẽ… và đặc biệt là phải có niềm đam mê” – Công thổ lộ.
Có thể bạn quan tâm
Qua 3 lần tổ chức, Danh hiệu Chất lượng vàng Thủy sản Việt Nam đã chứng kiến và ghi danh nhiều doanh nghiệp điển hình với những thành tích đặc biệt nổi trội.
Những giải pháp giúp tôm nuôi phòng tránh Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPND)/Hội chứng tôm chết sớm (EMS)
Qua 2 năm triển khai, các mô hình nuôi kết hợp ốc hương với hải sâm và rong biển; tôm sú với hải sâm và rong biển triển khai tại một số địa phương ven biển