Bọ Hung Hại Mía (Allissonotum Inpressicola) Và Cách Phòng Trừ
1. Đặc điểm hình thái:
Trứng hình bầu dục, mặt ngoài có vân ngang, trứng mới đẻ màu trắng nhạt, xám.
Sâu non mới nở màu trắng sữa, đầu ngực có màu nâu. Sâu ít chân, hình cong chữ C. Đốt cuối bụng của sâu non có nhiều gai và xếp không tạo hình nhất định. Đẫy sức từ 19 – 25 mm. Nhộng trần màu trắng nhạt, gần vũ hóa có màu nâu nhạt.
Khi mới vũ hóa có màu nâu nhạt - đen óng ánh, kích thước từ 15 – 20 mm, mép ngoài của đốt chày chân trước có nhiều răng cưa, đốt đùi của chân giữa và sau có 3 túm lông nhỏ.
2. Tập quán sinh sống và quy luật gây hại
Bọ hung trưởng thành ít lôi cuốn bởi ánh sáng đèn, bò nhiều, ít bay, đầu mùa mưa vũ hóa. Sau khi vũ hóa sống quanh gốc mía, ăn thêm 1 – 2 ngày thì đẻ trứng.
Sâu non mới nở tập trung trên lá cờ hoặc đỉnh lá, gặm những biểu mô mềm của lá. Cuối tuổi 1 sang tuổi 2 ăn những phần cứng hơn. Đặc biệt đến tuổi 3, chúng di chuyển xuống phía dưới tìm những phần của mía đục vào. Bọ trưởng thành gặm phá gốc thân mía khá mạnh, ban ngày thường nằm ngay trong các hốc lõm ở gốc thân mía.
Mía nhỏ, sâu đục vào đỉnh sinh trưởng, gây chết đọt. Khi mía có lóng, sâu đục vào khoảng giữa 2 lóng mía, chúng phá hại nặng ở thời kỳ đẻ nhánh làm mía non chết đọt, đổ gãy.
Mức độ phát sinh gây hại của bọ hung đen có liên quan đến một số yếu tố ngoại cảnh.
+ Thời tiết: những năm thời tiết tháng 3, tháng 4 ấm áp, có mưa sớm thì bọ trưởng thành xuất hiện sớm và có thể gây hại nặng.
+ Thời vụ: mía tơ vụ xuân thường ít bị hại hơn so với mía vụ thu.
+ Mía để lưu gốc: là nơi tích luỹ nhiều sâu hại mía nói chung và bọ hung hại mía nói riêng. Thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm sau, sâu non tuổi 3 thường cư trú và gây hại nặng đối với những ruộng mía này.
+ Thiên địch: bọ hung trưởng thành có thể bị loại nấm Metarrinirum anisopliae ký sinh, hạn chế một phần sự phát sinh.
3. Biện pháp phòng trừ
- Trồng đúng thời vụ.- Luân canh với cây trồng khác hoặc cho nước vào ngâm 2-3 ngày trước khi trồng.
- Trước khi trồng mía cần cày sâu, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại và tàn dư cây mía; xử lý đất bằng một trong các loại thuốc: Vibasu 10H, Diazan 10H, Regent 0,3G… liều lượng 30 - 40 kg/ha, bón lót xuống luống, sau đó phủ đất lấp ngọn mía.- Đối với những ruộng mía đang bị bọ hung gây hại:
+ Làm cỏ, vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây mía (gốc, lá già) đem tiêu hủy.+ Dùng một trong các loại thuốc nêu trên bón vào hai bên gốc mía, sau đó vun thành luống.
+ Những vùng trồng mía chủ động nước nên đưa nước vào ruộng ngâm khoảng 10 phút cho sâu trưởng thành ngoi lên và bắt giết. Những ruộng mía sau khi thu hoạch có thể ngâm nước 5-6 ngày để diệt sâu non.+ Có thể sử dụng biện pháp thủ công tập trung bắt bọ hung non và trưởng thành đem tiêu hủy. Đây là biện pháp mang lại hiệu quả phòng trừ cao.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh gây hại trên lá non, thoạt đầu là những đám màu trắng ở gốc lá non, dần dần xuất hiện thành đốm sọc nhỏ màu nâu và hợp lại thành vết to, do vết bệnh xoắn lùn làm cho phiến lá dị hình
Bệnh hại trên lá già ở cuối thời kỳ sinh trưởng của cây mía. Bệnh xuất hiện đầu tiên là những chấm hình thoi hoặc hình bầu dục. Kích thước từ 2-3, 5-10mm; mầu xanh thẫm, màu nâu sau chuyển sang màu đỏ nâu
Với đặc tính chín sớm, hàm lượng cao và chịu được khô hạn, trong vòng 10 năm trở lại đây giống mía VN84-4173 luôn là giống chủ lực ở vùng mía Nước Trong, tỉnh Tây Ninh
Bệnh hại chủ yếu ở mía cây đã lớn. Triệu chứng điển hình là khi chẻ dọc thân cây mía thì có các vệt đỏ nâu ở các mạch dẫn có mùi rượu
Để có thể ổn định và phát triển sản xuất mía đường có nhiều vấn đề về kinh tế và kỹ thuật cần phải giải quyết, trong đó biện pháp cơ bản hàng đầu là phải quy hoạch vùng nguyên liệu