Bọ Đuôi Kìm Diệt Sâu Hại Mía
Mía là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao được tỉnh Nghệ An chú trọng đầu tư phát triển. Quy hoạch vùng sản xuất mía đến năm 2015 là 30.000ha, hiện nay xấp xỉ 27.000ha.
Cây mía cũng như các loại cây trồng khác khi gieo trồng với diện tích lớn và được đầu tư cao về thâm canh và đặc biệt là việc du nhập nhiều giống mới vào gieo trồng, trong lúc trình độ thâm canh của bà con nông dân chưa theo kịp yêu cầu thì việc xuất hiện sâu bệnh phát sinh gây hại nặng là vấn đề khó tránh khỏi.
Theo kết quả điều tra, theo dõi của Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An: Về thành phần sâu bệnh hại mía (điều tra năm 2004-2005) đã ghi nhận được 16 đối tượng sâu hại và 15 đối tượng bệnh hại, nay đã xuất hiện thêm bệnh chồi cỏ. Về diện tích hại chỉ tính riêng đối tượng rệp xơ trắng đã có hàng ngày ha bị hại/năm, điển hình năm 2004 có 6.638ha bị hại/20.000ha trồng.
Năm 2006 có 11.198ha bị hại/25.261ha trồng, Năm 2009 đến nay đã có 2.100ha/26.056ha trồng. Sự gây hại của rệp không những ảnh hưởng lớn đến năng suất mà còn làm giảm nghiêm trọng tỷ lệ đường trong mía. Số liệu phân tích năm 2006 tại vùng mía Cty NAT&L lượng đường thương phẩm CCS giảm xuống dưới 5% có vùng chỉ còn 3% trong lúc bình quân là 10%, năng suất giảm 30% có vùng giảm đến trên 50%. Ngoài rệp xơ trắng, sâu đục thân cũng là đối tượng gây thiệt hại đáng kể đối với sản xuất mía ở Nghệ An.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại, biện pháp bắt buộc là phải dùng thuốc BVTV để phun trừ với lượng hàng chục tấn thuốc/năm, có vùng bà con phải tiến hành phun trừ 3-4 lần, thậm chí 5-6 lần. Việc dùng thuốc BVTV không phải là vấn đề tăng chi phí đầu tư mà là vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khoẻ con người và việc dùng thuốc quá nhiều có thể dẫn đến sâu kháng thuốc, tiêu diệt thiên địch tạo điều kiện cho sâu hại bùng phát thành dịch...
Để hạn chế việc dùng thuốc BVTV trên đồng ruộng, thời gian gần đây ở nhiều địa phương đã đẩy mạnh áp dụng biện pháp sinh học, trong đó việc nhân nuôi, phóng thích bọ đuôi kìm ra đồng ruộng đã được thực hiện bước đầu cho hiệu quả rất khả quan. Trung tâm BVTV vùng khu 4 trong năm 2008 đã nhân nuôi và phóng thích thành công bọ đuôi kìm màu đen (Euborellia sp) phòng trừ sâu hại rau vụ đông ở xã Nam Anh – Nam Đàn – Nghệ An (bọ đuôi kìm có khả năng ăn rệp, sâu khoang, sâu tơ, sâu đục quả cà - riêng ăn rệp một con bọ ăn từ 75-112 con rệp/ngày đêm), kết quả đã giảm được số lần phun thuốc góp phần đẩy nhanh quá trình sản xuất rau an toàn cho địa phương.
Năm 2009 Trung tâm BVTV vùng khu 4 tiếp tục thực hiện mô hình nhân nuôi, phóng thích bọ đuôi kìm (BĐK) màu nâu (Prorenus sp) phòng trừ sâu hại trên cây mía tại xã Nghĩa Thắng - huyện Nghĩa Đàn - Nghệ An. Theo báo cáo của Trung tâm việc nhân nuôi bọ đuôi kìm không khó lắm, sau khi hướng dẫn nông dân tự nuôi bình thường.
Quy trình nhân nuôi, phóng thích BĐK được thực hiện qua 5 bước, dụng cụ nuôi BĐK có thể bằng hộp nhựa, chậu nhựa, xô nhựa... trong cho ngọn mía, hỗn hợp trấu mục, đất, phân chuồng hoai..., trên đậy lưới ly cỡ nhỏ, vải màn...; thức ăn của BĐK gồm cám mèo, mật ong + đường trắng và bổ sung thêm rệp mía, sâu đục thân và các loại rệp rau...
Sau 2-3 tháng thả BĐK ra ruộng với lượng 1.000 con/ha chia thành 50 điểm mỗi điểm 20 con vào thời điểm sâu bắt đầu xuất hiện (lượng thả, số lần thả còn phụ thuộc vào sự phát sinh của rệp, sâu trên đồng ruộng, tuy nhiên lượng thả càng nhiều, thời gian thả càng sớm thì hiệu quả khống chế rệp càng cao).
Bọ đuôi kìm có vòng đời trung bình 76,8 ngày, mỗi con cái có khả năng đẻ 70-100 trứng, hệ số nhân nuôi sau 2 tháng đạt trung bình 8,18 lần, nông dân nuôi đạt 6,8 lần. Sức ăn của BĐK rất lớn, nuôi trong phòng một con BĐK ăn từ 38,5 – 46,5 con rệp/ngày đêm, 6,7 con sâu đục thân/ngày đêm. Hiện công tác nhân nuôi, phóng thích ra sản xuất còn phải tiếp tục theo dõi để có khuyến cáo đầy đủ hơn cho nông dân ứng dụng.
Kết quả sau 3 lần phóng thích trên diện tích 2ha, BĐK đã khống chế được sự phát sinh của rệp xơ trắng, sâu đục thân, đến 25/10/2009 ruộng thả BĐK đã giảm được 50% tỷ lệ rệp hại so với đối chứng (ruộng mô hình tỷ lệ hại 3% trong lúc ruộng nông dân 6%) tỷ lệ hại của sâu đục thân cũng giảm đáng kể (ruộng mô hình 3%, ruộng nông dân 5%), nhờ vậy đã giảm được 1-2 lần phun thuốc so với đối chứng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, chênh lệch lãi so với đối chứng 1.700.000 đồng/ha.
Với những kết quả bước đầu đã hé mở có thêm một biện pháp bổ sung vào hệ thống phòng trừ tổng hợp sâu hại mía cần phải được sự quan tâm đúng mức từ cơ quan quản lý nhà nước, khuyến khích nông dân ứng dụng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do dùng quá nhiều thuốc BVTV.
Có thể bạn quan tâm
Vụ mía năm 2008-2009 này, cây mía vùng Lam Sơn, Thanh Hóa bắt đầu đầu tư công nghệ sinh học, đưa năng suất tăng hai lần so với trước, tạo điều kiện người trồng có lãi cao, lâu bền.
Có 5 loại sâu đục thân gây hại: sâu mình vàng (sâu đục mắt) hại mía mầm; sâu 4 vạch, sâu 5 vạch, sâu mình trắng, mình hồng gây hại lúc mía vươn lóng và chín.
Sâu mình hồng: Sâu non có màu hồng, bướm trưởng thành trên đầu có hai sừng (còn gọi là sâu cú mèo), tấn công mía ở giai đoạn cây con, đục từ ngọn mía xuống và ở trong thân cây nằm sâu dưới mặt đất làm đọt mía héo, chết khô có màu trắng.
Theo kinh nghiệm của các hộ xã viên, trồng mía có ưu điểm là cho thu nhập cao, tốn ít công chăm sóc, chi phí thuốc BVTV thấp hơn so với cây trồng khác trong vùng. Tuy nhiên để trồng mía cho chất lượng cao, bán được giá cần lưu ý mấy điểm sau (xin nêu để bà con tham khảo).
Sâu non mới nở màu trắng sữa, đầu ngực có màu nâu. Sâu ít chân, hình cong chữ C. Đốt cuối bụng của sâu non có nhiều gai và xếp không tạo hình nhất định. Đẫy sức từ 19 – 25 mm. Nhộng trần màu trắng nhạt, gần vũ hóa có màu nâu nhạt.