Bỏ Công Ty Về Làm Nông Dân Mà Thành Tỷ Phú
Tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp chuyên ngành thú y, từng làm việc cho một công ty thức ăn chăn nuôi có tiếng với thu nhập khá cao, bỗng anh Khánh xin nghỉ về làm cán bộ khuyến nông xã và cuối cùng làm nông dân. Bước đi có vẻ “thụt lùi”, nhưng đã giúp anh trở thành tỷ phú.
Trồng cà chua bi để làm gương...
Khánh “lúa” là tên bà con thôn Phú Cường, xã Ngọc Vân (Tân Yên, Bắc Giang) thường gọi anh, còn tên thật của anh là Lưu Trọng Khánh. Tôi đã gặp Khánh cách đây gần 1 năm, khi anh dự Hội nghị tổng kết Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh Bắc Giang.
Nay gặp lại thì anh đang xắn quần, đầu đội mũ cối, tay cuốc, xới những lát cuốc nhanh, gọn, khác hẳn ông Khánh bận comple, cà vạt ở hội nghị. “Tôi đang thử nghiệm hơn 2ha cỏ ngọt, loại cây này mới toanh nhưng hiệu quả lắm. Tính mình nó thế, cứ cây gì mới, hiệu quả là xung phong đi đầu” - anh Khánh nói.
Anh kể, hồi làm việc cho một công ty thức ăn chăn nuôi ở Bắc Giang, thu nhập của anh cũng cao. Được một thời gian ngắn, thấy công việc phải đi lại quá nhiều, anh bèn xin nghỉ việc và về làm cán bộ khuyến nông xã Ngọc Vân.
“Mình đưa giống mới vào và vận động người dân trồng, họ cứ ì ra, người thì bảo không có đầu ra, người sợ không hiệu quả... Bà con mất rất nhiều cơ hội tiếp xúc với cây trồng mới năng suất cao để xóa đói, giảm nghèo và làm giàu” - anh Khánh kể.
Năm 2003, xã đưa về giống cà chua bi rất hiệu quả, anh Khánh vận động mãi mà chẳng hộ nào nhận trồng. Vừa bực mình, vừa tiếc, anh Khánh quyết định thầu 1ha đất để trồng. Vụ cà chua ấy anh thắng lớn, thấy vậy người dân mới tham gia trồng theo. Mô hình hơn 5ha cà chua của xã đã được nhiều xã, huyện khác đến học hỏi.
Mạo hiểm và thành công
Lần khác, anh vận động người dân trồng bí đao, khoai tây... Đi mỏi nhừ chân, nói rã họng mà chỉ được hơn chục hộ trồng. Chán cảnh “à ơi gọi đò”, năm 2008 anh Khánh quyết định nghỉ việc khuyến nông về làm nông dân. Đồng Vừng là một khu ruộng xấu, thường xuyên thiếu nước, nên người dân chỉ cấy một vụ, tiếc đất anh xin thầu lại toàn bộ 6,5ha để cải tạo trồng lúa, màu. Khánh dồn hết vốn liếng, vay mượn thêm được gần 200 triệu để thuê máy về cày xới, be bờ, làm mương dẫn nước.
Vụ đầu anh trồng 6 mẫu khoai tây Đức, còn lại cấy lúa. Năm đó rét đậm, hầu hết các cây màu khác đều mất mùa, trong khi đó khoai tây của anh đạt năng suất 6 tạ/sào. Vụ đó anh thu về gần 40 tấn khoai, trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng. Có thu nhập, anh đầu tư mua 2 máy cày hết 70 triệu đồng để chủ động công việc, đồng thời thay đổi cơ cấu 40% diện tích cấy lúa, còn lại trồng khoai tây, bí xanh, ngô ngọt, hành lá. Những vụ sau, anh liên tục thay đổi cơ cấu diện tích cây trồng theo từng vụ để đạt năng suất cao nhất.
Anh Khánh cho biết: Mỗi năm tôi thu khoảng 70 tấn khoai tây, ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty Orion Bắc Ninh. Còn ngô ngọt khoảng 30 tấn/năm, bí xanh 54 tấn/năm thì ký hợp đồng bán cho Công ty CP xuất khẩu Hải Dương, nên không bao giờ lo đầu ra của sản phẩm. Trừ chi phí, mỗi năm tôi lãi gần 600 triệu đồng. Hiện tôi còn nhận bao tiêu đầu ra khoai tây, bí xanh và ngô ngọt cho người dân”.
Mới đây, anh Khánh xin thầu thêm 2ha nữa, dự định làm trang trại nuôi thỏ, lợn rừng hoặc trồng hoa. Tìm hiểu, thấy cây cỏ ngọt trồng dễ, hiệu quả kinh tế cao (khoảng 180 triệu đồng/ha), đầu ra đã có công ty lo, nên anh quyết định trồng 2ha. Nếu thành công, cuối năm nay anh có thêm 300 triệu từ cây trồng mới này.
Có thể bạn quan tâm
Hôm qua 5.8, Tổng cục Biển & hải đảo (Bộ Tài nguyên - môi trường) phối hợp với Chi cục Biển & hải đảo Quảng Nam tổ chức hội nghị “Truyền thông về quản lý tổng hợp đới bờ (THĐB) cho dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”. Hội nghị đã nêu một số bài học kinh nghiệm và đặt ra nhiều giải pháp hoàn thiện cơ chế, qua đó nâng cao công tác quản lý THĐB trong thời gian đến.
Sau một thời gian dài giảm giá mạnh, khoảng 1 tháng gần đây, giá bán các sản phẩm chăn nuôi như lợn, gà… đang tăng dần trở lại. Đây được xem là tín hiệu vui để người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tiếp tục duy trì chăn nuôi, yên tâm tái đàn.
Cây dây leo rừng Amazon được sử dụng làm gốc ghép có tên khoa học là Piper Colubrinum link, xuất xứ từ Nam Mỹ, được nhập từ Campuchia, Thái Lan về để ghép, chúng có hình thái khá giống cây trầu nên thường được bà con gọi nôm na là cây trầu Nam Mỹ.
Lượng gạo thơm này được tạo ra chủ yếu từ các cánh đồng mẫu lớn (CĐML) mà nông dân thường gọi là cánh đồng liên kết. Mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là nền tảng tạo ra cơ sở vũng chắc cho một hướng đi mới để tạo lập thương hiệu gạo Việt Nam theo hướng gia tăng giá trị hạt gạo, giúp nhà nông có thể yên tâm trồng lúa.
Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, 6 tháng đầu năm 2014 ngành nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng GDP của tỉnh 1,1%. Trong đó đóng góp lớn nhất là cây lúa.