Bình Định Sẽ Trở Thành Trung Tâm Thức Ăn Chăn Nuôi
Những năm gần đây, nhờ lợi thế về vị trí địa lý, vị trí địa lý, giao thông, nguồn nguyên nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, ngành chế biến thức ăn chăn nuôi (CBTACN) tỉnh Bình Định có bước phát triển khá mạnh.
Nhiều nhà máy chế biến TACN
Theo báo cáo của Sở Công Thương Bình Định, trên địa bàn tỉnh hiện có 13 dự án nhà máy CBTACN, với tổng công suất thiết kế 1,91 triệu tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 2.150 tỉ đồng, tổng diện tích xây dựng các nhà máy 82 ha. Trong đó, có 7 nhà máy đã xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng công suất thiết kế 765 ngàn tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 794 tỉ đồng. Tốc độ phát triển bình quân giai đoạn 2007- 2012 là 60,7%/năm.
Thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp (DN) CBTACN trên địa bàn cả nước gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi chưa được kiểm soát tốt, dẫn đến nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn và các DN CBTACN cũng bị ảnh hưởng theo. Nhưng tại Bình Định, trong giai đoạn này, phần lớn các DN CBTĂCN đều hoạt động ổn định và đạt hiệu quả cao. Trong 5 tháng đầu năm 2013, các DN CBTACN trên địa bàn tỉnh Bình Định đã sản xuất được trên 300 ngàn tấn thức ăn chăn nuôi các loại, tăng 17,2% so cùng kỳ; trong đó, thức ăn gia súc chiếm 75%, thức ăn gia cầm 25%.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định, cho biết: Các DN CBTACN ở Bình Định hoạt động hiệu quả trong giai đoạn khó khăn vừa qua là nhờ các nhà máy này được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, chất lượng sản phẩm ổn định, đã tạo được niềm tin với khách hàng trong tỉnh cũng như khu vực. Bên cạnh đó, phần lớn DN ở Bình Định đều có kế hoạch sản xuất kinh doanh ổn định, chủ động dự trữ nguyên liệu, nên giá cả đầu ra ít biến động, không gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng”.
Ông Lưu Ba, Tổng giám đốc Công ty TNHH New Hope Bình Định- một trong những DN CBTACN vừa đưa nhà máy đi vào hoạt động tại khu công nghiệp Nhơn Hòa- cho biết: “Thời gian gần đây, nhiều DN gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, thị trường đầu ra bị thu hẹp. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, chúng tôi vẫn chủ động đầu tư 5 triệu USD xây dựng nhà máy CBTACN với công suất giai đoạn 1 là 100 ngàn tấn sản phẩm/năm.
Chúng tôi coi đây là cơ hội phát triển chứ không hoàn toàn là khó khăn, bởi trong giai đoạn khó khăn, nếu DN nào quản lý, điều hành tốt và chất lượng sản phẩm ổn định thì có thể vượt qua. Kế hoạch trong vài năm tới, khi đã ổn định được thị trường tiêu thụ, DN sẽ tiếp tục đầu tư thêm giai đoạn 2, mở rộng quy mô sản xuất lên 200 ngàn tấn/năm.
Mục tiêu mới
Theo nhận định của các chuyên gia, Bình Định có nhiều cơ hội để phát triển mạnh ngành CBTACN nhờ vào những lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được. Trước hết, Bình Định là trung tâm của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, có quốc lộ 1A đi qua, nối với các tỉnh phía Bắc và phía Nam, thuận tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có quốc lộ 19, nối vùng nguyên liệu rộng lớn ở Tây Nguyên với các nhà máy. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có hệ thống cảng biển hoạt động rất hiệu quả, là cảng Quy Nhơn (5 triệu tấn/năm), Tân cảng và cảng Thị Nại (1 triệu tấn/năm), rất thuận lợi cho việc nhập khẩu nguyên liệu CBTĂCN mà trong nước không có.
Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu CBTĂCN trên địa bàn tỉnh Bình Định và khu vực lân cận cũng rất phong phú, với trữ lượng lớn. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Bình Định, hiện có đến 13.500 ha trồng mì, sản lượng 320.000 tấn/năm; khoảng 8.000 ha trồng bắp, sản lượng 44.000 tấn/năm và trên 8.800 ha trồng đậu phụng, sản lượng 25.000 tấn/năm.
Với số lượng nguyên liệu này, cộng với nguồn nguyên liệu thu mua thêm từ các tỉnh lân cận đủ để các nhà máy CBTĂCN trên địa bàn tỉnh nâng công suất lên gấp 6-7 lần so với hiện tại.
Nhu cầu thị trường thức ăn chăn nuôi ở Bình Định cũng như khu vực còn khá lớn. Hiện Bình Định được đánh giá là địa phương đứng đầu về số trang trại chăn nuôi tập trung cũng như sản lượng chăn nuôi heo và gia cầm ở khu vực. Tuy nhiên, sản lượng thức ăn chăn nuôi do các nhà máy sản xuất chỉ cung cấp khoảng 55-60% so với nhu cầu thực tế, phần còn lại do các hộ gia đình tự chế biến lấy.
Trong khi đó, xu hướng hiện nay là người chăn nuôi ngày càng chú trọng đến nguồn thức ăn chăn nuôi công nghiệp, đặc biệt các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung. Ngoài ra, ngành CBTĂCN đang được Nhà nước khuyến khích phát triển, với nhiều cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về mặt bằng sản xuất và nguồn vốn vay cho các DN đầu tư vào lĩnh vực này.
Với những lợi thế nêu trên, ngành Công Thương Bình Định đang đặt kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực CBTACN, nhằm góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp từ nay đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, Bình Định đề ra mục tiêu phát triển ngành CBTACN trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn của tỉnh. Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2014, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm 6 nhà máy CBTĂCN sẽ đi vào hoạt động, với tổng công suất thiết kế đạt 1,15 triệu tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 1.356 tỉ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Với ưu điểm dễ tiêu thụ, giá bán cao, ổi trái vụ đang được người dân ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức áp dụng trồng rộng rãi trong những năm gần đây
Không tốn nhiều công chăm sóc lại được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên mô hình trồng xen cây đinh lăng đang hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho nông dân ở Tây Ninh
Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đầu năm 2016 hai thanh niên Phùng Văn Hùng khởi nghiệp với mô hình nuôi gà ri trên diện tích gần 2.000 m2.
Dù sở hữu gần 200 ha rừng trồng nhưng chàng thanh niên trẻ Trần Văn Điện, 34 tuổi vẫn chưa dừng lại với thành quả mình đang có
Sau hơn 2 năm triển khai, mô hình chăn nuôi lợn theo quy trình GAHP nông hộ (thực hành chăn nuôi tốt) đã lan tỏa với sự tham gia của hàng chục hộ dân.