Biệt đội bao xoài thuê
Nâng cao giá trị sản phẩm
Đó là đội bao trái xoài Bảy Ngàn (thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang). Đội dịch vụ này gồm 10 thành viên, sống gần nhau tại thị trấn Bảy Ngàn. Từ khi thành lập đội không chỉ giúp nhiều nhà vườn nâng cao giá trị sản phẩm xoài mà còn góp phần nhân rộng phương pháp sản xuất tiên tiến này ra nhiều địa phương khác.
"Bao trái xoài thuê là hình thức làm dịch vụ tốt, giúp nhiều nhà vườn ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến thuận lợi, từ đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm xoài và tăng thu nhập. Trong tương lai địa phương sẽ hướng tới thành lập tổ hội nghề nghiệp ở ngành nghề này”.
Ông Châu Minh Tiến – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hậu Giang
Anh Trần Tứ Hải – Đội phó đội bao trái xoài Bảy Ngàn cho biết: “Khoảng 4 năm trước, từ một lớp tập huấn của PGS-TS Trần Văn Hâu (Trường Đại học Cần Thơ) về cách bao trái xoài, phong trào bao trái được phổ biến ở xứ xoài Bảy Ngàn và ngày càng lan rộng trong tỉnh. Kể từ đó, đội bao trái xoài được thành lập và được nhiều người biết đến”. Được biết, thành viên của đội là những nhà vườn có kinh nghiệm trồng xoài nhiều năm. “Vì là đội hình duy nhất trong tỉnh nên chúng tôi được nhiều bà con gọi vui là “biệt đội” bao trái xoài” – anh Hải vui vẻ nói.
Còn anh Đỗ Thanh Long, thành viên đội bao trái xoài thông tin: “Một ngày công việc của chúng tôi bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều, mỗi người được trả 200.000 đồng, chi phí tiền ăn chủ vườn lo. Nếu vào mùa cao điểm thì mỗi người thu về khoảng 6 triệu đồng/tháng. Đây cũng là nguồn thu nhập ổn định cho gia đình tôi”.
Hết mình với công việc
Với phong cách làm việc nhiệt tình, trách nhiệm cao, “biệt đội” luôn nhận được nhiều đơn đặt hàng của bà con trong và ngoài tỉnh. Trong quá trình “tác nghiệp”, các thành viên trong đội luôn tâm niệm phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, bao đủ các trái đạt tiêu chuẩn trong vườn dù là những trái ở xa, trên cao hay dưới nước.
Theo đội bao trái xoài Bảy Ngàn, hiện nay nhiều nhà vườn thực hiện để trái rải vụ nên hầu như đội phải làm việc quanh năm, từ tháng 2 đến tháng 4 là những tháng cao điểm nên đội không nghỉ ngày nào. Ông Trương Văn Hiền (62 tuổi) là thành viên lớn tuổi nhất đội, chia sẻ: “Về quy trình kỹ thuật bao trái, hầu hết anh em đã có kiến thức vững từ các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất. Sau hơn 3 năm thành lập, đội đã đến rất nhiều vườn xoài để thực hiện công việc nên kỹ thuật ngày càng thành thục”.
Ngoài nhận bao trái xoài, trong quá trình thực hiện, các thành viên trong đội còn tiến hành cắt tỉa cành, tuyển trái luôn cho nhà vườn. Ông Nguyễn Văn Chiêu-chủ vườn xoài tại xã Trường Long A, huyện Châu Thành A tâm sự: “Các anh em trong đội thực hiện bao trái rất khéo léo, tỉ mỉ, tôi rất yên tâm. Cũng nhờ bao trái mà giá trị trái xoài được nâng lên rõ rệt do việc quản lý dịch bệnh thuận lợi hơn, trái xoài sáng đẹp hơn”.
Có thể bạn quan tâm
Tin đồn cây chè bị nghi nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và Dioxin hơn năm trước dẫn đến nhiều hệ quả khôn lường. Qua đó, để lại bài học kinh nghiệm sâu sắc cho ngành chè nói riêng và nền canh nông Lâm Đồng nói chung, bởi muốn bơi ra “biển lớn” thì ngoài việc từ bỏ thói quen canh tác theo kiểu “ăn xổi”, người sản xuất nông nghiệp cần phải tuân thủ những quy định khắt khe, nhất là khi tham gia vào “sân chơi” toàn cầu.
Xã Hồ Thầu là một trong các xã có diện tích cây thảo quả lớn của huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), toàn xã có gần 400 ha, mỗi năm cho nguồn thu gần 2 tỷ đồng. Nhưng hiện nay, rét đậm, rét hại đã làm mất trắng gần 300 ha thảo quả. Để khắc phục diện tích thảo quả trở lại nguyên trạng cần ít nhất 3 đến 5 năm nữa, tương đương với số lần thu hoạch thảo quả, nên thiệt hại về kinh tế là đặc biệt lớn, khó mà thống kê nổi.
Đại diện các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến điều (thành viên Vinacas) vừa gửi công văn kiến nghị Bộ NNPTNT và các cơ quan hữu quan kiến nghị về việc không chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều cho các nước châu Phi.