Biến rác thải thành của hiếm
Nhờ triển khai mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm biogas và phụ phẩm nông nghiệp, hàng chục xã viên Hợp tác xã Duyên Thái, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) không chỉ có thu nhập đáng kể mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Vừa sạch nhà, vừa có thêm tiền
Trao đổi với PV, ông Tạ Đình Căn – Chủ tịch Hội ND xã Hồng Thái kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Duyên Thái cho biết, HTX Duyên Thái được thành lập từ tháng 9.2014, với sự tham gia của 25 xã viên, trong đó có 10 xã viên chăn nuôi và 15 xã viên trồng nấm. Trong số các xã viên chăn nuôi, hộ ông Căn có quy mô chăn nuôi lớn nhất với hơn 4.000 con lợn/lứa, trung bình mỗi năm ông nuôi 2,5 lứa. Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phân lợn, ông Căn đã xây dựng hầm khí biogas với thể tích gần 4.000m3 để tận dụng khí đốt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vừa hạn chế dịch bệnh cho đàn lợn.
Trong ảnh: Mỗi năm HTX Duyên Thái xuất bán 300 tấn phân hữu cơ sinh học, thu về 900 triệu đồng/năm. Ảnh: Đ.T
Hiện mỗi năm HTX Duyên Thái xuất bán ra thị trường hơn 300 tấn phân hữu cơ sinh học, với giá 3.000 đồng/kg, doanh thu đạt 900 triệu đồng/năm. Việc làm này tiện lợi đôi đường, vừa bảo vệ môi trường, xã viên vừa có thêm thu nhập. Hiện có 10 xã viên trong HTX tham gia mô hình chế biến phân hữu cơ sinh học, thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/người/tháng”. Ông Tạ Đình Căn
Không chỉ ông Căn mà đến nay, toàn bộ xã viên trong HTX đều nghiêm túc thực hiện việc xử lý chất thải trong chăn nuôi, 100% các hộ đều xây dựng hầm khí biogas. Điều đáng chú ý là hơn 1 năm trở lại đây, các xã viên đã cùng nhau liên kết thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ sinh học từ bã thải biogas và các phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa, trấu, bã thải từ trồng nấm…
“Sở dĩ các xã viên HTX thực hiện thành công mô hình này là nhờ hàng năm Hội ND huyện, thành phố đều tổ chức tập huấn kỹ thuật quy trình ủ phân để tạo ra loại phân hữu cơ đạt yêu cầu; tuyên truyền cho bà con biết về lợi ích của phân hữu cơ vi sinh tự ủ… Hiện mỗi năm HTX Duyên Thái xuất bán ra thị trường hơn 300 tấn phân hữu cơ sinh học, với giá 3.000 đồng/kg, doanh thu đạt 900 triệu đồng/năm. Việc làm này tiện lợi đôi đường, vừa bảo vệ môi trường, xã viên vừa có thêm thu nhập. Hiện có 10 xã viên trong HTX tham gia mô hình ủ phân hữu cơ sinh học, thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/người/tháng” - ông Căn bày tỏ.
Nhân rộng mô hình
Là người trực tiếp tham gia và chỉ đạo việc ủ phân hữu cơ sinh học này, ông Căn cho biết, nguyên liệu dùng để ủ phân khá phong phú chủ yếu là phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cỏ, trấu, phân gia súc, gia cầm, bã thải từ các hầm biogas và các chế phẩm vi sinh EM. Với nguyên liệu để ủ phân, theo ông Căn kích thước càng nhỏ càng tốt, dài khoảng 1 gang tay. Đối với rơm rạ tươi cần ủ từ 25 - 30 ngày trước khi đưa vào phối trộn, đối với rơm rạ khô nên tưới ẩm trước khi ủ ít nhất 12 giờ đồng hồ. Sau ủ khảng 7 – 10 ngày, xã viên tiến hành kiểm tra, đảo trộn, nếu đống ủ khô thì tưới thêm nước. Tùy theo loại nguyên liệu mà thời gian ủ khác nhau. “Phương pháp này còn giúp giảm một phần phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác của nông dân, tạo thói quen cho người dân không đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch, hạn chế ô nhiễm môi trường” - ông Căn khẳng định.
Thường xuyên mua phân hữu cơ sinh học của HTX Duyên Thái, hộ dân trồng cam, mía Nguyễn Hồng Lâm (Hòa Bình) thổ lộ: “Phân hữu cơ sinh học ủ theo phương pháp trên rất tốt cho cây trồng, có tác dụng làm tơi xốp, giữ độ ẩm cho đất. Ngoài ra, việc thường xuyên sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân hóa học còn giúp tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu tư, nông sản làm ra cũng an toàn”.
Với những lợi ích không nhỏ đem lại cho nhà nông, thời gian tới, Hội ND xã Hồng Thái, HTX Duyên Thái sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội nhân rộng mô hình tự ủ phân hữu cơ vi sinh.
Có thể bạn quan tâm
Đến thôn Phú Yên xã miền núi Yên Bài, ai cũng biết đến anh Nguyễn Hoàng Vững, một người đi tiên phong trong thôn trong việc làm giàu từ sản xuất chè sạch
Công ty TNHH Đầu tư và phát triển chăn nuôi gia công Thực hiện chiến lược phát triển theo mô hình chuỗi giá trị, mô hình 3F (Farm - Feed - Food)
Với sự nhạy bén, cần cù, dám nghĩ, dám làm, nông dân Phan Văn Sần tại huyện Bến Lức quyết định làm giàu từ trồng chanh không hạt trên đất mía