Trang chủ / /

Biến Phế Thải Thành Phân Bón Vi Sinh

Biến Phế Thải Thành Phân Bón Vi Sinh
Ngày đăng: 11/03/2011

Phế thải là nguồn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, việc không xử lý hoặc xử lý rác thải không đúng quy trình, bằng những công nghệ lạc hậu, tốn kém năng lượng và chi phí nhân công đang là trở ngại lớn cho nhiều địa phương.

Những năm gần đây, với sự phát triển nhanh và mạnh của khoa học công nghệ đã góp phần làm giảm phần nào những tồn đọng trong xử lý rác thải, phế thải; đồng thời những sản phẩm thu được trong quá trình xử lý phế thải đã trở thành nguyên liệu hữu ích cho các ngành sản xuất khác.

Thanh Tân (Kiến Xương) hiện đang là điểm nhấn trong xây dựng mô hình nông thôn mới của tỉnh. Vì vậy, dự án “Giải pháp thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt trong cộng đồng dân cư và rác thải nông nghiệp ngoài đồng để bảo vệ môi trường sống tốt lành cho người dân ở nông thôn Thái Bình” do Quỹ Unilever Việt Nam tài trợ đã trở thành một giải pháp hữu hiệu để biến rác thải thành phân bón, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Trước đây, bà con nông dân thường mang phế thải nông nghiệp sau khi thu hoạch (rơm, rạ, lõi ngô, vỏ đậu tương…) để đun nấu, làm thức ăn cho trâu, bò. Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa ngày một tăng nhanh, đời sống của nhân dân được cải thiện, người dân không cần đến rơm rạ đun nấu, trong khi họ cần giải phóng ruộng để chuẩn bị cho vụ sau, giải pháp đốt rơm, rạ trên đồng ruộng là sự lựa chọn phổ biến của bà con nông dân.

Vào mùa mưa, rơm, rạ gây ách tắc hệ thống kênh, mương, gây ô nhiễm môi trường. Việc đốt rơm, rạ tại ruộng không chỉ làm ô nhiễm môi trường do khối bụi mà còn làm mất đi lượng lớn các chất dinh dưỡng có trong rơm, rạ, đất; tiêu diệt vi sinh vật có lợi trong đất và làm mất cân bằng sinh thái khu vực.

Xuất phát từ thực tế đó, với sự giúp đỡ của Quỹ Unilever Việt Nam, năm 2010, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình (Liên hiệp Hội) đã tiến hành nghiên cứu, xử lý phế thải trên đồng ruộng sử dụng chế phẩm vi sinh vật phân hủy chất hữu cơ thành phân bón tại chỗ cho cây trồng tại xã Thanh Tân. Trong khuôn khổ của dự án, bà con nông dân xã Thanh Tân đã được tập huấn nâng cao nhận thức về thu gom, cách phân loại và kỹ thuật xử lý rác thải sinh hoạt trong cộng đồng dân cư và rác thải nông nghiệp ngoài đồng ruộng.

Kết thúc đợt tập huấn, Liên hiệp Hội đã hỗ trợ hơn 1.000 xô đựng rác cho 350 hộ dân trong xã để các hộ sử dụng, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Thành lập và hỗ trợ hoạt động của đội vệ sinh môi trường gồm 14 người, cấp 7 xe chở rác, 14 bộ quần áo bảo hộ lao động, xẻng xúc rác, ủng, mũ, khẩu trang, găng tay cho đội vệ sinh môi trường để phục vụ cho quá trình thu gom rác.

Làm mô hình điểm về xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp bằng chế phẩm sinh học thành phân hữu cơ vi sinh. Liên hiệp Hội đã phối hợp với UBND xã lựa chọn 21 hộ gia đình có tâm huyết, nhân lực, tự nguyện tham gia dự án, tôn trọng khoa học bảo đảm thực hiện đầy đủ các bước kỹ thuật trong quá trình xử lý rác thải, phế thải thành phân hữu cơ vi sinh.

Với các phương pháp tiến hành thô sơ và không tốn kém, lại không yêu cầu về công nghệ máy móc hiện đại, sau 2 tháng, Ban quản lý dự án đã triển khai nghiệm thu, đánh giá kết quả thực hiện tại 21 mô hình ủ phân hữu cơ và điểm chứa rác thải tập trung. Kết quả, đã thu được gần 22,5 tấn phân hữu cơ vi sinh bảo đảm chất lượng tốt, mục, tơi, phân có màu đen hoặc nâu đen, tỷ lệ thành phẩm đạt trên 67% có thể bón cho 120- 125 sào ruộng …

Kết quả này đã khẳng định chất lượng và hiệu quả tác động của phân bón hữu cơ có bổ sung chế phẩm vi sinh vật khi đem so sánh với loại phân hữu cơ không bổ sung vi sinh vật và các loại phân khác cho thấy: phân hữu cơ được tái chế từ rác thải, phế thải không thua kém so với phân hữu cơ từ chất độn chuồng gia súc và các loại phân hữu cơ được chế biến từ các nguồn hữu cơ khác. Việc tái chế này không chỉ giúp ngăn ngừa nguyên liệu bị lãng phí, hạn chế nhu cầu về nguyên liệu thô để sản xuất mà còn làm sạch môi trường cảnh quan sinh thái, tránh tình trạng rác thải bị bỏ phí tại bãi rác, gây ô nhiễm môi trường.     

Ông Lương Thế Hào, Trưởng thôn An Cư Nam, một trong số 21 hộ dân được chọn thực hiện dự án chia sẻ: Thời gian đầu khi mới được tập huấn, gia đình chúng tôi cũng rất băn khoăn nhưng khi làm thực tế và ra sản phẩm với lượng phân tơi, đẹp, tốt hơn phân chuồng, không có rác thải, dễ làm và ít tốn kém, gia đình tôi sẽ tiếp tục triển khai mô hình này. TS. Trần Duy Khanh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Thái Bình cho biết: Mô hình trên mới chỉ là thành công bước đầu, phạm vi triển khai còn rất nhỏ, số lượng ít, khối lượng phân hữu cơ vi sinh sản xuất ra chưa thật đạt yêu cầu, nhiều hộ gia đình chất lượng phân còn kém.

Hơn nữa, lượng phân trên đều được bón cho cây trồng vụ đông năm 2010 như: khoai tây, bí xanh, dưa chuột, ngô… chưa có điều kiện theo dõi, đánh giá tác dụng, hiệu quả của phân hữu cơ vi sinh đối với cây lúa, cây màu và tác dụng cải tạo đất, tăng độ tơi xốp, phì nhiêu cho đất như thế nào. Vì vậy, để tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân trong việc biến phế thải thành phân hữu cơ vi sinh, trong thời gian tới Liên hiệp Hội sẽ tiếp tục tìm nhà tài trợ để có thể xử lý rác thải từ rơm, rạ ngay tại đồng ruộng thành phân bón hữu cơ vi sinh trên diện rộng./.


Có thể bạn quan tâm

Bệnh Khảm Bệnh Khảm

Chồi ngọn hơi bị chùn lại, lá đọt nhỏ hơn ở cây mạnh và hơi biến dạng, bị khãm màu xanh đậm xen xanh nhạt hay khãm xanh vàng. Cây cũng kém phát triển, các lóng dây ngắn hơn bình thường. Triệu chứng trên trái thường không rõ nét, đôi khi trái có màu hơi vàng và có sọc xanh đậm. Bệnh nặng, cây không cho trái hoặc trái nhỏ.

31/07/2011
Phân Pomior Sử Dụng Thành Công Trên Cây Chè Phân Pomior Sử Dụng Thành Công Trên Cây Chè

Thời gian qua, trạm Khuyến nông huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã triển khai áp dụng mô hình sử dụng phân Pomior trên cây chè tại xã Hương Xạ. Sau một thời gian thử nghiệm, kết quả cho thấy loại phân này phù hợp với cây chè trên đất núi trung du và mang lại hiệu quả cao

16/08/2011
Tiêu Diệt Vi Khuẩn Gây Bệnh Đứt Râu, Mòn Đuôi, Phòng Mang, Phân Trắng Tiêu Diệt Vi Khuẩn Gây Bệnh Đứt Râu, Mòn Đuôi, Phòng Mang, Phân Trắng

Tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh đứt râu, mòn đuôi, phòng mang, đen mang, sưng mang, đóng rong, nấm bông gòn, chấm đen, phát sáng, phân trắng. Tiêu diệt ngay lập tức các loại virus gây bệnh cho tôm như đốm trắng, đầu vàng

22/10/2011
Phân Bón Chuyên Dụng Cho Nấm Rơm Phân Bón Chuyên Dụng Cho Nấm Rơm

Những năm trước, với 5 ha rơm gia đình tôi chỉ thu được vài trăm ký nấm là cao, có khi lời, khi lỗ. Năm nay, nhờ được cán bộ của Trung tâm hướng dẫn quy trình mới, có sử dụng phân bón Bioted nên nấm đạt năng suất rất cao. Với 5ha rơm, sau hơn 1,5 tháng trồng nấm, gia đình tôi thu được gần 1,2 tấn nấm

04/12/2011
Ruồi Đục Lá Ruồi Đục Lá

Ruồi gây hại cho cây bằng cách đục thành những đường ngoằn ngoèo ở mặt trên lá, lúc đầu đường đục nhỏ, càng lúc càng to dần cùng với sự phát triển của cơ thể ấu trùng. Đường đục xuất hiện ở cả hai mặt lá nhưng thấy rõ nhất là ở mặt trên lá

31/07/2011