Biến nguồn thải thành nguồn thu
Được xem là công cụ chính trong tiến trình chuyển đổi sang các hệ thống lương thực bền vững, nông nghiệp sinh thái ngày càng khẳng định tầm quan trọng tại Việt Nam.
10 yếu tố cấu thành
Các hệ thống lương thực thực phẩm và nông nghiệp ngày nay đã thành công trong việc cung cấp khối lượng lớn lương thực thực phẩm cho thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, những hệ thống nông nghiệp cần nhiều đầu vào từ bên ngoài và sử dụng nhiều tài nguyên đã gây ra nạn phá rừng, khan hiếm nước, mất da dạng sinh học, cạn kiệt đất đai và phát thải khí nhà kính.
Là một phần trong phản ứng toàn cầu với tình trạng khí hậu bất ổn, nông nghiệp sinh thái là cách tiếp cận độc đáo để đáp ứng mức gia tăng lớn về nhu cầu lương thực trong tương lai. Theo định nghĩa của FAO, nông nghiệp sinh thái là một cách tiếp cận tổng hợp, cùng lúc áp dụng cả khái niệm và nguyên tắc về kinh tế, xã hội vào thiết kế, quản lý hệ thống lương thực thực phẩm cũng như nông nghiệp. Nông nghiệp sinh thái tìm cách tối ưu hóa quan hệ tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường trong khi cân nhắc các khía cạnh khác, giúp xây dựng một hệ thống bền vững và bình đẳng.
Được nêu ra trong các tài liệu khoa học từ những năm 1920, nông nghiệp sinh thái hiện được chia làm 10 thành tố là tính đa dạng, chia sẻ kiến thức và đồng khởi tạo, tính cộng hưởng, tính hiệu quả, sự tái tạo, sức chống chịu, giá trị xã hội nhân văn, truyền thống ẩm thực và văn hóa, quản trị có trách nhiệm, kinh tế tuần hoàn và vững chắc.
Khác với một số phương pháp tiếp cận khác trong phát triển bền vững, nông nghiệp sinh thái dựa vào quy trình từ dưới lên và theo lãnh thổ, trong đó nhấn mạnh tới việc cung cấp các giải pháp phù hợp với hoàn cảnh cho các vấn đề địa phương. Đổi mới của nông nghiệp sinh thái dựa trên sự đồng sáng tạo kiến thức, kết hợp khoa học với kiến thức truyền thống và thực tiễn tại địa phương.
PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, trong 10 yếu tố kể trên, tính đa dạng là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi nông nghiệp sinh thái. Từ góc độ sinh học, hệ thống nông nghiệp sinh thái tối ưu hóa sự đa dạng của các loài và tài nguyên di truyền. Ví dụ, hệ thống nông lâm nghiệp tổ chức cây bụi và cây to có độ cao và hình dạng khác nhau ở các mức hoặc tầng khoác nhau, giúp tăng đa dạng theo chiều rộng.
Trong trồng trọt, những phương pháp chủ yếu để tăng tính đa dạng như xen canh, luân canh... Trong chăn nuôi, thủy sản, tính đa dạng cũng được áp dụng trong các mô hình như kết hợp nhiều loại động vật nhai lại giúp giảm rủi ro sức khỏe do ký sinh trùng.
"Trên cơ sở phát huy tính đa dạng và những thành tố khác, nền nông nghiệp sẽ đạt được điểm hiệu quả", PGS. TS. Đào Thế Anh nhấn mạnh. Đây là tiền đề giúp một nền nông nghiệp sản xuất được nhiều hơn, nhưng sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn. Nó cũng góp phần giải quyết những vấn đề tồn tại cố hữu như 50% phân đạm bón vào đất bị thất thoát ra môi trường bên ngoài, dẫn tới nhiều hệ lụy cho con người, thảm thực vật, và động vật sống xung quanh.
Tại Việt Nam, 6 nhóm nông nghiệp sinh thái đã phát triển gồm: nông lâm kết hợp, quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPHM), hệ thống thâm canh lúa cải tiến, hệ thống kế hợp trồng trọt - chăn nuôi/thủy sản, canh tác hữu cơ, và nông nghiệp bảo tồn cảnh quan.
Biến nguồn thải thành nguồn thu
Tại Tây Nguyên, nhiều mô hình nông lâm kết hợp gắn với bảo vệ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu, chống xói mòn đất đã triển khai thành công như: mô hình chăn nuôi đàn gia súc dưới tán rừng, trồng xen cây cà phê với cây ăn quả, cà phê trồng xen muồng đen, trang trại lớn gắn với công tác bảo vệ rừng....
Nông sản nổi tiếng nhất tại Tây Nguyên là cà phê, chiếm hơn 90% tổng sản lượng cả nước, giúp Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là nguồn phát thải các bon lớn do người dân chưa có kinh nghiệm sử dụng lượng phân bón, nước và năng lượng một cách hiệu quả, bền vững.
Nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) chỉ ra, các trang trại trồng độc canh cà phê là nguồn thải các bon ròng. Trung bình, để sản xuất được 1 tấn cà phê, lượng khí cacbonic thải ra tương đương vào không khí lên tới 0,37 tấn CO2 mỗi năm.
Để cải thiện, IDH tài trợ một số dự án tại các tỉnh Đăk Lăk và Lâm Đồng thông qua sáng kiến Cảnh quan Bền vững (ISLA). Nhờ dự án này, các trang trại trồng cà phê theo phương thức đa canh, giúp triệt tiêu 0,16 tấn cacbonic khỏi bầu khí quyển mỗi năm tính trên mỗi tấn cà phê thu hoạch. Các trang trại này tạo ra lượng sinh khối lớn hơn, từ đó cô lập nhiều cacbonic hơn lượng phát thải trong quá trình sản xuất.
Qua nghiên cứu trong hai năm, từ 300 trang trại trồng cà phê, IDH khuyến nghị nông dân sử dụng mô hình canh tác đa canh với mật độ phân tán cà phê - cây trồng khác là 70 - 30. Điều này giúp duy trì sản lượng cà phê hàng năm ở mức 3 tấn/ha. Tiêu, sầu riêng và bơ là những loài cây phù hợp nhất để trồng xen canh ở mật độ này.
Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc khu vực châu Á IDH cho biết: “Ngoài những tác động tích cực lên môi trường, người dân còn có thêm nguồn thu từ một số loại cây trồng phù hợp. Đây cũng là quan điểm của IDH trong tiếp cận cảnh quan nông nghiệp sinh thái, khi nhóm tất cả các nhà sản xuất, các bên liên quan, sở hữu và sử dụng đất trong một khu vực địa lý".
Một điểm tích cực nữa khi chuyển đổi hệ thống nông nghiệp sinh thái, là nhiều trang trại cà phê tại Tây Nguyên trở thành nguồn thu các bon, thay vì nguồn phát thải như trước. Bà Chi chia sẻ, trong số các trang trại đa canh cao, 73% có lượng phát thải các bon âm (hấp thụ nhiều hơn thải ra), trong khi chỉ 27% có lượng phát thải dương. Đối với các trang trại canh tác độc canh, bức tranh lại hoàn toàn khác khi 70% trang trại đóng vai trò là những nguồn phát các bon.
Song song với đổi mới cách tiếp cận, các trang trại cà phê Tây Nguyên còn lợi thế lớn trong phát triển du lịch. Mới đây, xã Đak Krong là một trong 5 địa điểm ở Tây Nguyên được chọn thực hiện dự án thí điểm phát triển cà phê bền vững theo phương pháp tiếp cận cảnh quan, theo sáng kiến của Dự án VnSAT nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
FAO coi nông nghiệp sinh thái là công cụ chính trong tiến trình chuyển đổi sang các hệ thống lương thực bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, FAO chủ trương đẩy mạnh các lớp tập huấn hiện trường, giúp người nông dân giải quyết các vấn đề cụ thể của họ, cung cấp cho họ các thông tin cần thiết và tư vấn những công cụ ra quyết định.
Một trong những thành công của FAO là tiếp thị sản phẩm gạo nếp cẩm và nếp hồng được người dân trồng trên dãy Himalaya thuộc Ấn Độ. Ở độ cao từ 1.200 đến 1.800m so với mực nước biển, những giống lúa này chủ yếu được trồng và tiêu thụ tại chỗ ở các lễ hội và hiếm khi được bán rộng rãi trên thị trường do chi phí vận chuyển, và thị hiếu chung.
Qua tìm hiểu, các chuyên gia của FAO nhận thấy, những giống lúa này có lợi ích dinh dưỡng vượt trội như giàu chất xơ, chứa nhiều chất chống oxy hóa, vitamin E, protein, sắt, và có hàm lượng đường thấp. Ban Thư ký Đối tác Miền núi của FAO đã hỗ trợ cho nông hộ trồng giống lúa này thông qua các khóa đào tạo, giới thiệu và cung cấp quy cách đóng gói bao bì và mang giống lúa tới một số triển lãm ở New Delhi để quảng bá.
Có thể bạn quan tâm
Cảm biến, robot, phân tích và một loạt các công nghệ 4.0 khác được thiết lập để giúp nông dân Vương quốc Anh giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Không chỉ là những robot thu hoạch hoặc diệt cỏ đơn thuần, các công ty công nghệ tại Anh còn biến robot trở thành những trạm đo sức khỏe đất.
Một trang trại dê sinh thái ở miền đông Trung Quốc đang phát triển hệ thống nhận dạng khuôn mặt mới - không phải cho nhân viên mà cho những con dê của họ.