Bí quyết thành công của người có thâm niên 10 năm nuôi ếch Thái Lan
So với chăn nuôi gia súc, gia cầm thì nuôi ếch Thái Lan vừa cho thu nhập cao vừa đỡ tốn chi phí. Nhiều hộ dân ở xã Hải Ninh (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã chuyển đổi sang mô hình nuôi thủy sản này.
Ông Nguyễn Văn Tân chăm sóc ếch
Nhờ đó, họ có của ăn của để, giàu một cách nhanh chóng.
Là người đầu tiên của tỉnh Nam Định đem mô hình nuôi ếch Thái Lan về nuôi, ông Nguyễn Văn Tân (SN 1952, xóm 7, xã Hải Ninh) chia sẻ: Năm 2006, trong một lần sang xã Hải Xuân (Hải Hậu) chơi, ông thấy mô hình nuôi ếch đồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Sau đó, ông mua 10 đôi về nuôi, nhưng chỉ sau 1 tuần thì đàn ếch chết dần, chết mòn.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông tiếp tục liều mình bỏ tiền túi đầu tư khoảng 2.000 con ếch đồng từ Nghệ An về nuôi. Nhưng do không phù hợp với môi trường, thời tiết nên số lượng ếch của gia đình ngày càng hao hụt nhiều.
Không nản chí, ông tạm gác công việc đồng áng của gia đình, quyết tâm khăn gói sang các tỉnh lân cận như Hải Dương, Bắc Ninh… để tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi ếch Thái Lan.
Đồng thời, mua sách vở nuôi dạy ếch về tìm hiểu thêm. Đến tháng 3/2007, ông bắt đầu gây dựng lại 100 đôi ếch Thái Lan. Sau gần 1 năm, số lượng ếch của gia đình ông tăng lên khoảng 30 vạn con, bao gồm cả ếch thịt và ếch giống.
Cũng theo ông Tân, hiện tại ông chuyên cung cấp ếch giống cho 50 hộ chăn nuôi ếch trên địa bàn xã Hải Ninh cũng như một số xã lân cận. Một con ếch giống có trọng lượng khoảng 0,3gr sẽ được ông bán với giá hơn 1.000 đồng.
“Để đảm bảo hiệu quả kinh tế của người nuôi, nhằm chủ động được nguồn giống tại chỗ để phục vụ cho nhu cầu nuôi ếch thương phẩm của bà con, tôi đã nghiên cứu thành công trong việc cho sinh sản nhân tạo giống ếch Thái Lan. Đến nay, tôi tập trung sản xuất ếch thịt để cung cấp cho các nhà hàng, còn lại là ếch giống để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của bà con trong xã và các xã lân cận”, ông Tân cho hay.
Với kinh nghiệm gần 10 năm sản xuất ếch giống, ông Tân cho rằng, ếch bố mẹ được chọn phải khỏe mạnh. Nên chọn ếch từ 2 - 3 năm tuổi vì cỡ này ếch cho số lượng trứng nhiều và chất lượng tốt nhất.
Mùa sinh sản của ếch diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch. Một con ếch mẹ đẻ trong vòng 2 - 3 tháng liên tục với số lượng khoảng 3.000 ếch con. Ếch con sau khi sinh, vẫn được nuôi trên bể khoảng 10 ngày cho khỏe mạnh rồi đưa xuống ao, nuôi trong lồng cước. Hơn 1 tháng sau, đàn ếch giống sẽ được xuất bán cho các hộ chăn nuôi.
“Như vậy khi ếch giống đến tay các hộ nuôi, chất lượng con giống sẽ đảm bảo, tỷ lệ sống cao hơn. Mỗi năm, 400 đôi ếch của nhà tôi cho sinh sản hơn 1 tỷ con giống, thu lãi hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn thu nhập thêm từ bán ếch thương phẩm”, ông Tân cho biết thêm.
Ông Tân khẳng định, so với chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ếch giống có năng suất cao hơn, không phải suy nghĩ nhiều, vốn đầu tư cho mô hình rất thấp. Thức ăn của ếch cũng đơn giản, chủ yếu là cho ăn cám viên dạng nổi.
Đàn ếch Thái Lan của ông Tân
Hỏi về kỹ thuật chăn nuôi ếch giống và ếch thịt, ông Tân chia sẻ, nếu nguồn nước không được đảm bảo vệ sinh môi trường thì ếch dễ bị mắc bệnh như: Đau bụng, ngoẹo cổ, mù mắt, ghẻ lở. Khi bắt gặp ếch bị mắc các bệnh trên, phải tách ra khỏi đàn và cho uống thuốc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Văn Viễn, Chủ nhiệm CLB Nuôi ếch Thái Lan xã Hải Ninh cho biết: CLB được thành lập từ năm 2011 với hơn 50 hộ gia đình tham gia. Để hoạt động hiệu quả, các hội viên thường xuyên sinh hoạt để chia sẻ những kinh nghiệm kỹ thuật trong chăn nuôi, tư vấn, tham gia, bảo vệ ếch.
“Hiện tại, mô hình nuôi ếch Thái Lan đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên trong CLB cũng như người dân nơi đây. Ếch được tiêu thụ tại các tỉnh, thành lân cận”, ông Viễn chia sẻ.
Khảo sát tại xã Hải Ninh, mô hình nuôi ếch Thái Lan đang được phát triển mạnh mẽ. Nhiều hộ đã mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi. Theo họ, hiện tại ếch thương phẩm được bán với giá 75 nghìn đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình bí đỏ quả dài trồng trái vụ với tổng diện tích 15 ha, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng.
Từ thực tế trên, hai em Thiên Ân và Trường Đạt đã nghiên cứu, sáng tạo ra hệ thống tưới và theo dõi trạng thái của cây để khắc phục một số hạn chế
Để có được những hạt dổi thơm ngon, người trồng dổi truyền thống ở huyện Lạc Sơn phải dày công chăm sóc từ 7 - 8 năm.