Trang chủ / Cây công nghiệp / Cây tiêu

Bí quyết tạo vườn tiêu hữu cơ, năng suất cao

Bí quyết tạo vườn tiêu hữu cơ, năng suất cao
Tác giả: Trần Trung
Ngày đăng: 18/03/2021

Nông dân Phạm Quang Chung ở xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, Bình Phước tạo ra vườn tiêu hữu cơ năng suất cao với bí quyết đơn giản, ai cũng có thể tự làm được.

Các phế phẩm nông nghiệp tại địa phương được anh Chung ủ và chưng cất với phương pháp riêng trước khi sử dụng. Ảnh: Trần Trung.

Bí quyết phân hữu cơ tự làm

Trong khi nhiều nông dân ở thủ phủ tiêu Bình Phước quay cuồng trong cơn bĩ cực do tiêu chết hàng loạt, thì nhờ bí quyết chỉ sử dụng phân hữu cơ tự làm, hơn 2.000 trụ tiêu của anh Chung vẫn xanh tốt, cho năng suất ổn định 3 tấn/năm.

Anh Chung cho biết, cách đây hơn 10 năm, khi giá tiêu lập đỉnh trên 200.000 đồng/kg, nhiều bà con trong khu vực đổ xô trồng tiêu.

Vì muốn vườn tiêu phát triển nhanh, năng suất cao, không ít nhà vườn sẵn sàng bỏ qua khuyến cáo của ngành chức năng, sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV kích thích vô tội vạ khiến cây tiêu “bạo phát, bạo tàn”, kèm theo đó là đất đai bị biến chất, sâu bệnh kháng thuốc, chưa kể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người trồng. Hệ lụy là chỉ vài năm sau, hàng loạt vườn tiêu đổ bệnh chết hàng loạt.

Nhận thức ra điều đó, với phương châm “chậm mà chắc”, ngay từ khi khởi điểm trồng tiêu, anh Chung đã chọn xây dựng mô hình sinh thái canh tác tiêu theo hướng hữu cơ bền vững. Tuy nhiên, thời điểm đó, các loại phân hữu cơ công nghiệp như phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ khoáng, thuốc BVTV hữu cơ... chưa phổ biến, giá thành lại cao. Với kinh nghiệm nhiều năm làm nông nghiệp, để phát triển vườn, anh chủ yếu tận dụng các loại phân chuồng tại địa phương như phân heo, gà, bò, dê... ủ hoai mục để bón cho vườn.

Tuy nhiên, cách làm này cũng bộc lộ nhiều bất cập như phân chuồng có thời gian ủ lâu, tốn nhiều nhân công, hàm lượng chất dinh dưỡng thấp. Chưa kể cùng với các vi sinh vật có lợi, thì các vi sinh vật có hại cũng phát triển song hành. Ngoài ra, một lượng nhỏ phân chưa đủ độ hoai đã dẫn dụ kiến, ruồi, chuột... đến phá hoại.

Sau quá trình ủ, các chế phẩm được tưới trực tiếp cho cây trồng, không chỉ tiết kiệm thời gian còn giúp cây hấp thụ nhanh chất dinh dưỡng. Ảnh: Trần Trung.

Từ thực trạng trên, qua tìm hiểu trên báo, đài, Internet... anh Chung phát hiện, ngoài phân chuồng, các phế phẩm từ nông nghiệp khác hiện có tại địa phương có hàm lượng dinh dưỡng cao, thời gian ủ nhanh cũng có thể dùng làm phân bón. Cụ thể, vỏ trứng, cua, ốc có hàm lượng canxi cao; vỏ chuối, ruột gấc, rau, củ, quả các loại tạo ra hàm lượng magie, lưu huỳnh, phốt pho, kali và natri... không thua kém các loại phân hóa học.

Đặc biệt, ngoài ủ theo phương thức truyền thống, có thể kết hợp với tỏi, ớt ngâm và các chế phẩm sinh học có chứa các hoạt chất Rotenonem, Biobac, Azadirachtin... và các loại nấm đối kháng như Trichoderma để phòng trị bệnh cho cây trồng. Qua đó, chỉ cần mỗi tháng tưới 1 lần, cây có thể hấp thụ cả chất dinh dưỡng và phòng trị các loại bệnh, tiết kiệm nhiều thời gian trong chăm sóc.

Cỏ đậu được anh Chung trồng đại trà giúp giữ ẩm, chống xói mòn và tạo phì nhiêu cho đất. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh đó, anh còn trồng cỏ lạc (một trong những loại cây họ đậu) nhằm giữ ẩm, chống xói mòn, tạo độ tơi xốp cho đất, giúp cây hấp thụ nhanh phân bón. Mặt khác, cỏ này còn làm thức ăn để nuôi dê. Nguồn phân thải từ chuồng dê lại được ủ hoai mục để bón ngược lại cho vườn tiêu, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất.Từ đó, vườn tiêu của anh luôn cho năng suất năm sau cao hơn năm trước, bất chấp giá tiêu biến động như thế nào, vườn tiêu vẫn đem hiệu quả kinh tế cao.

“Với quy trình sản xuất khép kín từ khâu làm đất, sản xuất phân bón hữu cơ đến khi thu hoạch sản phẩm, mỗi năm gia đình tôi chỉ cần bỏ ra không tới 20 triệu đồng. Với năng suất đạt trung bình trên 3 tấn/năm cùng giá tiêu đang tốt như hiện nay, gia đình tôi bỏ túi cả trăm triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí”, anh Chung tiết lộ.

“Bắt tay” nông dân cùng làm giàu

Từ mô hình ban đầu phát huy hiệu quả và được mọi người ủng hộ, nhằm giúp bà con trong vùng thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến làm giàu bền vững từ cây tiêu, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tháng 5/2020, HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang ra đời do anh Chung làm giám đốc. Ban đầu, HTX chỉ có 9 thành viên với tổng diện tích canh tác hơn 21 ha. Mặc dù còn non trẻ, đến nay, HTX đã có gần 15 thành viên với diện tích canh tác trên 30 ha.

Nhờ phương pháp này, vườn tiêu của anh Chung phát triển xanh tốt, cho năng suất cao. Ảnh: Trần Trung

“Vào thời điểm HTX được thành lập, giá hồ tiêu trên thị trường xuống thấp kèm theo đó là bệnh hại xảy ra trên diện rộng làm cho người trồng như “ngồi trên đống lửa” và đối mặt với việc “trắng tay”. Nhiều nông dân nghe nói đến hồ tiêu là nản. Nhưng với minh chứng từ những thành công của chính bản thân, bây giờ thì nhiều nông dân đã thấy được lợi ích trồng hồ tiêu hữu cơ và tích cực tham gia sản xuất”, anh Chung chia sẻ.

Chị Vũ Thị Bưởi, một trong những nông dân đầu tiên của HTX tham gia trồng hồ tiêu hữu cơ cho biết thêm: Trước khi tham gia HTX, bà con thường nghĩ bón nhiều phân hóa học, thuốc BVTV là tốt. Thế nhưng, qua học hỏi mô hình của Giám đốc HTX thì nhận thấy làm như vậy sẽ gây lãng phí, bởi cây không hấp thụ hết và làm keo đất, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, sức khỏe. Trong khi đó, việc áp dụng quy trình sản xuất tiêu hữu cơ vẫn đảm bảo năng suất nhưng lại giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất.

Chị Vũ Thị Bưởi phấn khởi bên vườn tiêu của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

“Không chỉ bản thân, trung bình mỗi thành viên trong HTX chỉ sở hữu vài nghìn trụ tiêu, thế nhưng hiện nay, hầu hết bà con đều sống khỏe với cây tiêu. Nếu không có sự hỗ trợ của anh Chung thật sự chúng tôi tiến thoái lưỡng nan, vì nếu tiếp tục theo cây tiêu thì không cân đối được chi phi sản xuất, muốn chuyển đổi cây trồng thì thiếu vốn”, chị Bưởi bộc bạch.

Ông Hoàng Anh Tính, Chủ tịch UBND xã Lộc Quang nhận định, Lộc Ninh hiện là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh với hơn 4.740 ha, trong đó xã Lộc Quang là một trong thủ phủ hồ tiêu của địa phương. Trong lúc người trồng tiêu gặp không ít khó khăn, mô hình sản xuất tiêu hữu cơ của anh Phạm Quang Chung nói riêng và HTX Lộc Quang nói chung là hướng đi mới, đem lại hiệu quả cao. Địa phương xem đây là mô hình cần tuyên truyền, nhân rộng để bà con học hỏi, áp dụng...

Bà Đào Thị Lanh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cho biết thêm, tại Lộc Ninh đang có nhiều nông dân thực hành các mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, góp phần khẳng định và phát huy thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh. Việc thành lập HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang là nỗ lực lớn của huyện Lộc Ninh và các hội viên nông dân, góp phần nâng cao giá trị hạt tiêu. “Hội nông dân huyện và tỉnh sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ để đưa HTX ngày càng phát triển”, bà Lanh chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

Hồ tiêu sạch đất, bụi bẩn nhờ cát Hồ tiêu sạch đất, bụi bẩn nhờ cát

Hồ tiêu sau khi phơi khô sẽ được trộn lẫn với cát trong máy chuyên dụng, giúp loại bỏ đất và bụi còn sót lại.

12/08/2019
Phục hồi vườn hồ tiêu sinh trưởng kém Phục hồi vườn hồ tiêu sinh trưởng kém

Tại Tây Nguyên, giá hồ tiêu xuống thấp khiến nhiều nhà vườn không còn thiết tha với cây tiêu.

05/12/2019
Mẹo bón phân Lâm Thao hiệu quả cho cây hồ tiêu Mẹo bón phân Lâm Thao hiệu quả cho cây hồ tiêu

Trong những năm gần đây, bà con ở nhiều tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đã mở rộng diện tích đất trồng cây hồ tiêu.

26/12/2020
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.