Bệnh nấm ở con giống và cách phòng trừ
Hiện nay, ở miền Bắc đang là thời điểm thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho nấm thủy mi phát triển gây hại cho các loại cá nước ngọt, đặc biệt gây thiệt hại lớn cho cá giống.
Cá nhiễm nấm thủy mi Saprolegnia Ảnh: CTV
Tác nhân
Bệnh do một số loài nấm thuộc các giống Achlya, Saprolegnia, Leptolegnia… gây ra. Đây là các nấm dạng sợi, thuộc nhóm nấm bậc thấp, cấu tạo sợi nấm đa bào nhưng không có các vách ngăn. Sợi nấm có chiều dài 3 - 5 mm, có phân nhánh và chia làm 2 phần, một phần gốc bám chắc vào cơ thể cá, phần ngọn tự do ngoài môi trường nước. Nấm có khả năng sinh sản bằng nhiều hình thức khác nhau: Sinh sản dinh dưỡng bào tử, sinh sản vô tính bằng túi bào tử kín, sinh sản hữu tính bằng tiếp hợp. Bào tử nấm có tiên mao, có thể vận động trong nước nên khả năng lây lan bệnh rất cao.
Biểu hiện
Khi cá bị bệnh nấm thủy mi, trên da cá xuất hiện các vùng trắng xám, sau vài ngày tại đó mọc lên các sợi nấm mảnh và phát triển lên thành từng búi nấm trắng như bông. Khi cá bị bệnh nhẹ rất khó phát hiện bằng mắt thường, khi phát hiện được bằng mắt thường thì bệnh đã nặng. Nấm phát triển mạnh làm cản trở đến hô hấp của cá. Cá có hiện tượng bơi lội hỗn loạn, ngứa ngáy, thích cọ xát vào các vật thể trong nước, làm tróc vẩy, trầy da tạo cơ hội thuận lợi cho các tác nhân khác như vi khuẩn và ký sinh trùng xâm nhập làm cá bị bệnh nặng hơn.
Trong bể ấp, nấm thủy mi thường phát triển đầu tiên ở các trứng ung do không được thụ tinh, sau lây sang các trứng khỏe và làm trứng bị chết. Nếu không có tác động kịp thời có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ cá bột hoặc phải xả bỏ hoàn toàn.
Phòng bệnh
Áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Trong đó, cần cải tạo ao, phơi đáy ao kỹ để diệt mầm bệnh; Xử lý nước ao nuôi trước khi thả bằng TCCA 1 kg/1.000 m3; Nuôi cá với mật độ thích hợp và tránh những tác động cơ học hoặc do ký sinh trùng làm cá bị thương tổn, tạo điều kiện cho bào tử nấm xâm nhập và gây bệnh; Định kỳ phun xuống ao thuốc phòng nấm cho cá; Về mùa đông cần quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng đầy đủ để cá chống rét và duy trì sức đề kháng; Trước khi thả nên tắm cá giống bằng muối ăn với nồng độ 2 - 3 ppm trong 5 - 10 phút hoặc KMnO4 nồng độ 10 ml/m3 trong 1 - 2 phút; Bổ sung Vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cá.
Để phòng bệnh cho trứng cá cần: Cho cá đẻ với tỷ lệ đực cái phù hợp để tỷ lệ thụ tinh là cao nhất, giảm lượng trứng ung do không thụ tinh trong bể ấp. Chọn ngày cho cá đẻ có nhiệt độ thích hợp, không nên cho đẻ vào các ngày có nhiệt độ thấp, thời gian phát triển phôi kéo dài tạo điều kiện cho nấm xâm nhập và phát triển. Trong quá trình ấp trứng, phải thường xuyên vệ sinh mạng tràn để nước lưu thông tốt. Đối với trứng cá chép, cần lựa chọn giá thể và sát trùng giá thể bằng thuốc sát trùng trước khi cho vào bể đẻ. Khi trứng đã bám vào giá thể, ngâm giá thể có trứng trong NaCl 2%, MG 0,5 - 0,7 ppm trong 10 -15 phút, 1 - 2 lần/ngày. Hoặc cho cá chép thụ tinh nhân tạo, khử dính và ấp bằng bình vây để hạn chế tác hại của nấm thủy mi. Trong bể ấp trứng cá chép, phun vào bể MG nồng độ 0,1 - 0,15 ppm, sau 6 - 8 giờ lặp lại.
Trị bệnh
Khi cá bị nhiễm nấm, người nuôi có thể sử dụng một trong các hóa chất sau để điều trị cho cá:
- Dùng Methylen với lượng 2 - 3 l/1.000 m3 nước ao nuôi liên tục trong 3 ngày, 2 ngày/lần.
- Dùng Iodine lượng 1 l/5.000 m3 hoặc Vicato với lượng 1 kg/1.500 - 2.000 m3 nước.
- Dùng CuSO4 với lượng 500 - 700 g/1.000 m3 tạt đều khắp mặt ao nuôi.
- Dùng thuốc tím với liều lượng 10 g/m3 tắm cho cá trong thời gian 30 - 60 phút, hoặc theo hướng dẫn nhà sản xuất.
- Dùng Formalin với liều lượng 20 ml/m3 tắm trong thời gian 30 - 60 phút và trị liên tục 3 - 5 ngày. Lưu ý, không được trị quá liều hoặc không thực hiện điều trị lúc trời quá nóng.
Mới đây, các nhà khoa học Ấn Độ cho thấy Fluconazole là một hoạt chất mới giúp chống nấm bệnh trên cá trong thủy sản. Cụ thể, với một thí nghiệm kéo dài 55 ngày đã được tiến hành để đánh giá vai trò của thức ăn có nguồn gốc thuốc dựa trên Fluconazole đối với đáp ứng miễn dịch huyết học và phòng ngừa nhiễm nấm S. parasitica trong cá trôi Ấn Độ (Labeo rohita) đã cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn cần có những nghiên cứu chuyên sâu về các liều lượng và nồng độ tối ưu cho cá cũng như hạn chế tác động đến môi trường xung quanh.
Đối với trứng cá, khi bệnh mới xuất hiện, dùng thuốc kịp thời cũng chỉ cứu được những trứng còn khỏe mạnh, phôi phát triển tốt.
>> Bệnh nấm thường phát triển vào mùa đông xuân, mùa thu ở miền Bắc và mùa mưa ở miền Nam khi nhiệt độ nước 18 - 250C. Bệnh này gây tác hại nhiều trong các ao nuôi vỗ cá bố mẹ, các ao lưu giữ giống qua đông và các bể ấp trứng trong các trang trại cá giống.
Có thể bạn quan tâm
Cá rói là loại cá dễ nuôi, sinh trưởng nhanh và nuôi được ở ao, hồ, lồng, bè… Đây đang là đối tượng được nhiều người nuôi lựa chọn.
Những ngày đầu năm 2018, tình hình nuôi cá tra ở nhiều tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có nhiều khởi sắc khi giá cá tăng, thị trường tiêu thụ có nhiều thuận lợi.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam trong các tháng của năm 2017 tăng liên tục so với cùng kỳ. Tổng giá trị XK mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt 620,8 triệu USD