Trang chủ / Gia súc-Gia cầm / Nuôi gà

Bệnh ký sinh trùng đường máu ở gà

Bệnh ký sinh trùng đường máu ở gà
Tác giả: Lã Viết Hiển
Ngày đăng: 01/03/2016

1. Cơ chế sinh bệnh

Bệnh Ký sinh trùng đường máu gà do một loại đơn bào ký sinh sống trong máu có tên là: Leucocytozoon-cauleri gây nên, kích thước nhỏ, cấu tạo gồm màng lọc, nguyên sinh chất và nhân.

Đơn bào ký sinh được phân chia thành hợp tử, sau đó di chuyển lên tuyến nước bọt của các ký chủ trung gian truyền bệnh là: Muỗi vằn, Dĩn.

Khi đốt, truyền bệnh vào cơ thể gà, các đơn bào phát triển và ký sinh trong hồng cầu gà. Đơn bào sinh sản vô tính, phá vỡ nhiều hồng cầu, sau đó xâm nhập vào các cơ quan thực thể như gan, thận, lách, làm sưng to, biến dạng, xuất huyết…

2. Triệu chứng

a. Thể cấp tính:

Bệnh thường gặp ở gà trên 35 ngày tuổi vào mùa mưa.

Thời gian ủ bệnh từ 7 - 12 ngày, gà thường kém ăn, bỏ ăn, ủ rũ, sốt cao, mào tích nhợt nhạt, miệng chảy nhiều nước nhờn, tiêu chảy kéo dài, phân có màu lá cây xanh lét (đặc điểm này thường ít gặp ở các bệnh khác trên gà).

Số lượng mắc bệnh trong đàn tăng dần.

Đến ngày thứ 13 - 14, một số con chết thường vào ban đêm, có biểu hiện ộc máu ở miệng, mũi, mào, tích thâm đen, nằm thõng cổ, về sau chết bất cứ lúc nào, tỉ lệ chết lên đến 70% nếu không phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp kịp thời.

b. Thể mạn tính:

Bệnh thường gặp ở gà trưởng thành, gà mái đẻ. Sau quá trình mắc bệnh, từ thể cấp tính chuyển sang thể mạn tính.

Thể bệnh mạn tính gà thường chậm lớn, thiếu máu, niêm mạc nhợt nhạt, mào thâm, phân loãng có màu xanh. Gà đẻ giảm hoặc tắt đẻ, một số con có biểu hiện liệt chân. Tỉ lệ chết khoảng 5 - 20%.

3. Bệnh tích

a. Thể cấp tính:

- Da ngực, chân, mào, tích, vùng da mỏng vùng không lông có nhiều vết đốt của côn trùng tụ máu. Các cơ quan nội tạng tụ huyết, lách sưng to gấp 2 bình thường, trên bề mặt có nhiều điểm xuất huyết hoặc hoại tử. Một số trường hợp thấy gan đen.

- Mổ khám máu loãng không đông.

- Dạ dày tuyến xuất huyết.

- Ruột chứa phân màu lá cây xanh lét.

- Phổi ứ máu.

b. Thể mạn tính:

Gà trưởng thành, gà mái đẻ mắc bệnh lâu ngày, khi chết mổ khám thấy có nhiều nang bào ký sinh màu trắng giống như những hạt gạo nằm rải rắc ở cơ ngực, cơ cổ.

4. Chẩn đoán bệnh

a. Dựa vào các đặc điểm của bệnh:

Dựa vào đặc điểm dịch tễ học: Bệnh thường xảy ra theo đặc điểm khí hậu của từng vùng, miền nóng ẩm, nơi trồng nhiều cây màu. Bệnh xảy ra tập trung vào mùa xuân và hè.

Dựa vào độ tuổi mắc bệnh: Gà thường mắc bệnh ở 35 ngày tuổi trở lên, tỉ lệ chết cao, gà mái giảm đẻ, ngừng đẻ không rõ nguyên nhân.

Dựa vào bệnh tích điển hình: Gà chết thường ộc máu ở miệng, mũi. Khi cắt tiết mổ khám máu loãng không đông, phân màu xanh lét.

Dựa vào kêt quả điều trị: Dùng thuốc kháng sinh điều trị không hiệu quả.

b. Chẩn đoán phân biệt với các bệnh truyền nhiễm khác:

Giống bệnh Cúm A H5N1: Vì cũng xuất huyết dưới da.

Giống bệnh Newcaslte: Cũng xuất huyết ở dạ dày tuyến.

Giống bệnh Marex: vì quả Tối và dạ dày tuyến sưng to, xuất huyết.

Giống bệnh Cầu trùng: cũng ỉa ra máu tươi, xuất huyết ruột non, manh tràng.

Giống bệnh Bạch lỵ: cũng xuất huyết lấm tấm hình đinh ghim ở gan.

Giống bệnh Tụ huyết trùng: cũng ỉa phân xanh, xuất huyết ở ruột non.

Giống bệnh Coryza sưng phù đầu: cũng sưng phù đầu, sưng mắt.

Giống bệnh Viêm thanh khí quản truyền nhiễm: cũng xuất huyết và teo buồng trứng.

Giống bệnh Đầu đen: Mào, tích cũng nhợt nhạt, sưng gan, thận.

Giống bệnh Thiếu dinh dưỡng, thiếu khoáng: cũng khô chân, mào nhợt nhạt.

Giống bệnh Nhiễm trùng huyết: Gà thường mắc bệnh sau những đợt mưa rào, ỉa phân xanh , lông rất dễ rụng thành mảng to, xuất huyết dưới da.

c. Chẩn đoán trong phòng thí nghiệm: lấy máu gà mắc bệnh nhuộm, soi trên kính hiển vi thấy ký sinh trùng hình thoi.

5. Phòng bệnh và Điều trị

a. Phòng bệnh:

- Ngăn ngừa sự tiếp xúc trực tiếp giữa côn trùng và gà bằng cách thường xuyên phun thuốc diệt côn trùng để diệt ruồi, muỗi, mạt gà,…

- Hàng ngày cho uống các chất điện giải, Vitamin để tăng cường sức đề kháng cho gà.

- Dùng SORBITOL hoặc LIVERCIN liều 1ml/ lít nước cho uống hàng ngày để tăng cường chức năng gan, thận và giải độc.

b. Điều trị:

Sử dụng thuốc đặc hiệu để điều trị ký sinh trùng gà: Dùng thuốc của các Công ty thuốc Thú y có thành phần: Sulfamonothiazine, Sulfadimethoxin, Rigecocin (Tên thương phẩm METHOCIN hoặc DAIMENTION). Liều dùng 1g/2 lít nước uống, cho uống liên tục 5 - 7 ngày.


Có thể bạn quan tâm

Một số giống gà nội được nuôi phổ biến hiện nay Một số giống gà nội được nuôi phổ biến hiện nay

Một số giống gà nội được nuôi phổ biến hiện nay

01/03/2016
Kỹ thuật nuôi gà Lương Phượng Kỹ thuật nuôi gà Lương Phượng

Kỹ thuật nuôi gà Lương Phượng

01/03/2016
Cách nhận biết cúm gia cầm ở vật nuôi Cách nhận biết cúm gia cầm ở vật nuôi

Trong quá trình chăn nuôi gia cầm, việc lựa chọn thức ăn phù hợp, phương thức cho vật nuôi ăn, cách nhận biết và phòng bệnh để đạt được hiệu quả kinh tế cao luôn là những vấn đề được người chăn nuôi quan tâm.

01/03/2016