Bền vững tôm nuôi sinh thái
Năm 2016, tình hình nuôi trồng thủy sản nói chung nuôi tôm nói riêng gặp rất nhiều bất lợi từ yếu tố thời tiết, thị trường. Tuy nhiên, với sự nỗ lực từ Trung ương đến địa phương, đã có rất nhiều mô hình được áp dụng, cho hiệu quả cao và bến vững, giúp người dân thoát nghèo.
Trong ảnh: Thu hoạch tôm - lúa, Ảnh: Diệu Lữ
Luân canh tôm càng xanh - lúa
Trong thời gian qua, bên cạnh việc phát triển các mô hình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, Bộ NN&PTNT đã rất quan tâm đến các mô hình nuôi tôm tại ĐBSCL theo hướng bền vững, trong đó có mô hình nuôi luân canh tôm lúa. Năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Cần Thơ triển khai mô hình nuôi luân canh tôm càng xanh - lúa tại địa phương. Mô hình được triển khai với quy mô 20 ha do 10 hộ tham gia, trong đó huyện Vĩnh Thạnh 7 ha và huyện Cờ Đỏ 13 ha.
Để đạt được mục tiêu phát triển đồng đều, bền vững, nâng cao giá trị; mô hình triển khai đã lựa chọn con giống đầu vào có chất lượng là tôm càng xanh toàn đực. Ứng dụng con giống tôm càng xanh toàn đực là một đột phá về công nghệ sản xuất giống tôm càng xanh do các nhà khoa học Israel nghiên cứu phát triển; tại Việt Nam một số đơn vị đã tiến hành nhập công nghệ, nhập nguyên liệu, phối hợp chuyên gia của Isarel nhằm tiếp nhận và làm chủ được quy trình sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực. Số lượng giống tôm sử dụng do nhà nước hỗ trợ 700.000 PL và chủ hộ mô hình đối ứng 700.000 PL đảm bảo mật độ nuôi 7 PL/m2 và sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên.
Qua 5 tháng triển khai, các hộ tham gia mô hình đang tiến hành thu hoạch những loạt tôm đầu tiên đạt khối lượng 50g/con, dự kiến trong đầu tháng 12 mô hình sẽ thu hoạch tổng thể toàn bộ tôm để chuyển đổi sang trồng lúa vụ đông - xuân theo quy trình. Kết quả, tỷ lệ sống của tôm trên 60% và dự kiến cuối đợt thu sẽ đạt năng suất khoảng 1.500 kg/ha. Như vậy, ước tổng chi phí đầu tư khoảng 160 triệu đồng/ha, sau 6 tháng nuôi sẽ thu lợi nhuận khoảng 125 triệu đồng; ngoài ra, trong chu trình sản xuất các hộ nuôi sẽ có một phần thu nhập nữa từ vụ trồng lúa trên nền đất ao nuôi tôm này.
Thành phố Cần Thơ có diện tích nuôi tôm càng xanh đạt 100 ha, hiệu quả của mô hình bước đầu đã được khẳng định trong thực tế sản xuất nên tiềm năng mở rộng của mô hình rất lớn.
Tôm - rừng thích ứng biến đổi khí hậu
Trong vài thập kỷ qua, rừng ngập mặn ở đã bị mất hơn một nửa diện tích, chủ yếu do mở rộng diện tích nuôi tôm. Rừng ngập mặn đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái ven biển, giúp hạn chế xói lở đất, ngăn sóng lớn, nước biển dâng do bão, giảm nhẹ thiên tai do bão lũ. Đây cũng là nơi nuôi dưỡng, cư ngụ của các loài thủy sinh và cả động vật trên cạn. Cho nên, bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn bền vững sẽ góp phần quan trọng cho nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra khốc liệt.
Mô hình nuôi tôm rừng phát triển mạnh tại tỉnh Bạc Liêu, Ảnh: Sáu Nghệ
Vừa qua, dự án “Khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững (MAM)”, sau thành công của giai đoạn I (2013 - 2016) đã bắt tay vào khởi động giai đoạn II (2016 - 2020). Đây là sáng kiến khôi phục rừng ngập mặn thông qua xúc tiến chứng nhận tôm hữu cơ cho mô hình tôm - rừng, để thích ứng với biến đổi khí hậu; được Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên, Xây dựng và An toàn Hạt nhân hỗ trợ theo quyết định của Chính phủ CHLB Đức. Điều đặc biệt là không chỉ hỗ trợ người nuôi tôm trồng và bảo vệ rừng mà còn hợp tác cùng doanh nghiệp chế biến thủy sản nhằm xây dựng chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực các thành phần tham gia chuỗi.
Phó Giám đốc Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tại Việt Nam Lý Thị Minh Hải cho biết, giai đoạn I của dự án (MAM1) triển khai ở tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả. Gần 800 hộ đạt chứng chỉ Naturland giai đoạn 2014 - 2016 được Minh Phú, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, chi trả giá trị gia tăng cho tôm chứng nhận. Hơn 200 hộ dân đã được chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng trị giá 300 triệu đồng. Gần 2.000 hộ với 4.100 lượt người nuôi tôm được tập huấn về kỹ thuật tôm - rừng, tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ, trồng và bảo vệ rừng, quản lý môi trường và vệ sinh môi trường nông thôn. Có 80 ha rừng ngập mặn nằm trong diện tích vuông nuôi tôm của 402 hộ dân được trồng lại để đạt tỷ lệ 50% rừng theo quy định của Naturland. Bên cạnh, 12.600 ha rừng được bảo vệ không bị chặt phá và 1.000 hộ dân được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn chứng nhận và nông thôn mới.
Giai đoạn II của dự án (MAM2) triển khai ở 3 tỉnh Cà Mau, Bến Tre và Trà Vinh. Mục tiêu của MAM2: Hỗ trợ ít nhất 3 doanh nghiệp chế biến/xuất khẩu thủy sản cam kết tham gia chương trình chứng nhận tôm rừng và cơ chế tài chính với hộ tham gia. Có 5.000 hộ nuôi tôm - rừng được cải thiện năng suất/thu nhập, cung ứng sản phẩm cho thị trường sinh thái. Kết nối chặt chẽ với các dự án trên địa bàn để hỗ trợ việc xây dựng chính sách phát triển tôm - rừng cho các địa phương và chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái, kế hoạch quản lý vùng ven biển Cà Mau, Bến Tre và Trà Vinh. Qua đó, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thủy sản, công nhận chứng nhận tôm - rừng theo tiêu chuẩn quốc tế như một cơ chế chi trả dịch vụ rừng.
Hiệu quả VietGAP ao tôm
Trong 3 năm (2014 - 2016), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy phạm VietGAP” với 30 mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại 16 tỉnh, thành phố tỉnh đại diện cho các vùng miền trong cả nước.
Trung tâm Khuyến nông Trà Vinh cho biết, VietGAP không những có giá trị về kinh tế mà còn có ý nghĩa lâu dài trong nghề nuôi tôm như vấn đề góp phần làm cho môi trường ngày càng ổn định để sản xuất được lâu dài, bền vững. VietGAP khuyến khích áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý đảm bảo môi trường nuôi sạch, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh, cải thiện điều kiện đất đai và hạn chế dịch bệnh, các chất độc tồn lưu trong sản phẩm, tạo điều kiện cho việc phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra các sản phẩm sạch, góp phần nâng cao sức khỏe của người trực tiếp sản xuất cũng như người tiêu dùng.
Ảnh: Vũ Mưa
Ông Phạm Phú Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Long An nhận định, sau khi được hướng dẫn áp dụng VietGAP, một số các khoản chi phí cơ sở đã tiết kiệm được do quá trình quản lý tốt hơn như lượng thuốc, hóa chất dùng ít, kiểm soát thức ăn tốt, không để dư thừa nên giảm được lượng thức ăn sử dụng lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường nước nuôi, tiết kiệm được lượng điện sử dụng.
Năm 2016, theo thống kê chưa đầy đủ, lợi nhuận sau thu hoạch, các hộ tham gia mô hình lãi 600 - 850 triệu đồng/ha ao nuôi tôm áp dụng VietGAP với năng suất đạt trung bình 11 - 12 tấn/ha. So với mô hình nuôi tôm khác, áp dụng VietGAP đã nắm rõ các chi phí; tiết kiệm chi phí thuốc, hóa chất, kháng sinh, thức ăn; tỷ lệ sống cao, hạn chế dịch bệnh nên lợi nhuận các hộ nuôi tôm theo VietGAP cao hơn so ngoài mô hình khoảng 30%.
Có thể bạn quan tâm
Trong các chất dinh dưỡng thiết yếu trong tại sản xuất giống hay nuôi thâm canh, Ca và Mg đều đóng góp một vai trò không nhỏ quyết định đến chất lượng nước
Tôm càng xanh là đối tượng thủy sản nuôi ít rủi ro dịch bệnh và có hiệu quả ổn định. Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra thì người nuôi cũng bị thiệt hại nặng nề.
Nhu cầu tôm của thế giới tăng và nhiều nước sẵn sàng nhập khẩu tôm từ Việt Nam. tôm Việt Nam có đáp ứng được những tiêu chuẩn về an toàn