Bao trái bưởi, biện pháp quan trọng đem hiệu quả cao trong phòng trừ sâu đục trái
Theo số liệu thống kê năm 2012 của huyện Tân Thành ghi nhận, diện tích trồng bưởi ở đây khoảng 55,3 ha “Bưởi da xanh chiếm tỷ lệ trên 90%”, trong đó diện tích trồng mới là 20,9 ha, diện tích cho sản phẩm là 34,4 ha, năng suất 105,81 tạ/ha, sản lượng 364 tấn. Chất lượng của Bưởi da xanh rất ngon được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Chính vì vậy, sản phẩm bưởi da xanh rất dễ tiêu thụ và bán với giá khá cao đặc biệt vào dịp lễ, tết, đó là lý do khiến người trồng Bười da xanh yên tâm đầu tư sản xuất.
Vườn bưởi áp dụng biện pháp bao trái
Người dân trồng Bưởi da xanh rất vui mừng vì đã được chính quyền các cấp quan tâm như: Quy hoạch vùng sản xuất bưởi tập trung; thành lập Hợp tác xã Bưởi da xanh Sông Xoài để thuận tiện trong công tác quản lý sản xuất và kinh doanh. Mặt khác, Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam Bộ đang hỗ trợ triển khai dự án chứng nhận VietGAP cho Hợp tác xã. Đây là cơ hội quan trọng để từng bước hướng người dân liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình sản xuất, nâng cao giá trị của cây bưởi, đồng thời quảng bá thương hiệu Bưởi da xanh vươn xa hơn ra thị trường.
Bất cập lớn nhất đối với người dân trồng bưởi nói chung và Bưởi da xanh nói riêng đó là sâu đục trái bưởi xuất hiện và gây hại rất phổ biến. Theo kết luận của ngành Bảo vệ thực vật ghi nhận, sâu đục trái bưởi có tên khoa học “Citripestis sagittiferella Moore”, đây là đối tượng dịch hại quan trọng gây thiệt hại rất lớn trên cây có múi ở khu vực Đông Nam Á từ năm 1993. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đối tượng ghi nhận xuất hiện và gây hại từ tháng 10 năm 2011 ở một loạt tỉnh như: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ; các tỉnh khu vực miền Đông Nam Bộ là vùng chịu áp lực cao.
Để có cơ sở hướng dẫn chỉ đạo sản xuất trước yêu cầu của Cục Bảo vệ thực vật về sâu đục trái bưởi, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai “Mô hình” áp dụng một số biện pháp, trong đó chú trọng biện pháp “Bao trái” để quản lý đối tượng sâu đục trái. Bằng một loạt các biện pháp đã tác động như: Chăm sóc bón phân đầy đủ, cân đối; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh phối trộn với chế phẩm Trichoderma; thường xuyên tỉa cành, tạo tán làm thông thoáng vườn; vệ sinh vườn, thu gom tiêu hủy tàn dư nhiễm sâu, bệnh; sử dụng túi bao trái để bao trái ở giai đoạn 30 – 45 ngày sau thụ phấn (trước khi bao trái tổ chức phun thuốc BVTV phòng ngừa nấm bệnh và trứng sâu đã nhiễm trên trái).
Sau 6 tháng theo dõi đánh giá hiệu quả của các biện pháp tác động ở mô hình (từ tháng 5/2014-12/2014), kết quả ghi nhận so với đối chứng tỷ lệ sâu đục trái giảm 20%; giảm số lần phun thuốc BVTV (giảm 35,7%); màu sắc trái đẹp hơn. Từ kết quả nêu trên, một lần nữa khẳng định việc quản lý các đối tượng dịch hại trên cây trồng cần phải áp dụng tổng hợp các biện pháp (IPM) và tùy đối tượng dịch hại quan trọng để quyết định lựa chọn biện pháp áp dụng cho phù hợp. Trong điều kiện thực hiện mô hình, biện pháp bao trái được xem là thích hợp và có hiệu quả cao đối với sâu đục trái.
Có thể bạn quan tâm
Để trồng bưởi Diễn có lợi nhuận cao, cần đảm bảo 4 yêu cầu cơ bản: Chọn cây giống tốt. Trồng trên chân đất thịt. Cắt tỉa thường xuyên.
Bưởi Diễn là một trong những loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều loại sâu bệnh gây hại tới đối tượng cây trồng này.
Khâu định hình là khâu quan trọng nhất đánh dấu sự thành công hay thất bại khi làm bưởi hồ lô. Khi hoa kết trái từ 1,5 – 2 tháng