Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Bắc Ninh: Mô hình nuôi bồ câu của chàng kỹ sư điện tử

Bắc Ninh: Mô hình nuôi bồ câu của chàng kỹ sư điện tử
Tác giả: Đào Ngọc Ánh - Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh
Ngày đăng: 24/09/2018

Nhờ sự cần cù ham học hỏi của mình, từ một chàng kỹ sư điện tử không biết gì về chăn nuôi – thú y, anh Ngô Quang Hùng ở thôn Thi Xá, xã Cách Bi, huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) đã sở hữu đàn chim bồ câu 1.500 cặp cho thu nhập mỗi tháng 70 triệu đồng.

Anh Hùng chăm sóc đàn chim bồ câu

Gặp chúng tôi trong một ngày nắng nóng của tháng 6, chàng thanh niên ấy vẫn đang cặm cụi chăm sóc cho những chú chim câu. Những giọt mồ hôi vẫn không ngừng rơi trên khuôn mặt tươi tắn và tràn đầy hạnh phúc ấy.

Anh Hùng tâm sự, trước anh đi làm trong khu công nghiệp lương tháng khá ổn định, nhưng công việc vất vả, anh không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Trong một lần tình cờ xem được mô hình nuôi chim bồ câu cho hiệu quả kinh tế cao trên truyền hình, sau khi tìm hiểu kỹ, anh thấy nuôi chim bồ câu không phải chăm sóc quá nhiều, ít dịch bệnh hơn các loại vật nuôi khác, đầu ra thị trường ổn định. Anh đã quyết định đầu tư nuôi 300 đôi chim đẻ bố mẹ. Dần dần anh mở rộng quy mô chuồng nuôi, tăng số lượng chim bố mẹ lên tới 700 cặp năm 2015 rồi đến 1.500 cặp chim bố mẹ như hiện nay.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim bồ câu, anh Hùng cho biết: “Chim bồ câu là loài có thân nhiệt ổn định, sức đề kháng tốt, ít mắc bệnh, có thể sử dụng các loại ngũ cốc như thóc, gạo, ngô, các loại đậu và đặc biệt là có thể cho ăn xen cám viên để tăng năng suất. Để chim sinh trưởng, phát triển tốt, trong quá trình nuôi cần lưu ý tiêm phòng đầy đủ ba bệnh tụ huyết trùng, newcatson và bệnh đậu gà”.

Chim bồ câu Pháp khi được chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ phát triển rất nhanh, khả năng sinh sản của bồ câu Pháp cũng rất tốt, mỗi cặp bồ câu giống có thể đẻ từ 8 -12 lứa/năm và liên tục trong khoảng 4 năm. Giờ đây, mỗi tháng gia đình anh Hùng xuất bán khoảng 400 – 700 cặp chim thịt với giá bán dao động 120 – 140.000 đồng/cặp. Ngoài ra anh còn bán giống cho các cơ sở, đơn vị có nhu cầu với giá 180 – 250.000 đồng/cặp. Doanh thu hàng tháng thu về vào khoảng 70 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với đi làm công ăn lương mà được thoải mái thời gian, tinh thần.

Với đầu ra ổn định, việc tiêu thụ dễ dàng, anh Hùng đang có kế hoạch mở rộng quy mô chuồng nuôi lên 2.500 – 3000 cặp để đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, anh còn liên kết với các hộ nuôi chim câu trên địa bàn nhằm giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau về con giống, kỹ thuật, kinh nghiệm trong quá trình nuôi cũng như trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình nhà anh Hùng đang là mô hình điểm trên địa bàn, với việc tiết kiệm được diện tích nuôi nhốt, đầu tư ban đầu không quá lớn lại cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là một hướng đi đúng đắn, mang tính bền vững và cần được nhân rộng trong thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm

9 bí quyết sản xuất rau màu trong mùa mưa 9 bí quyết sản xuất rau màu trong mùa mưa

Một số tỉnh vùng ĐBSCL và miền Đông Nam bộ đã làm tốt khâu chuyển dịch cây trồng từ sản xuất 3 vụ lúa thành 2 vụ lúa xen canh với một vụ rau màu.

24/09/2018
Bệnh hại lạc thu đông và biện pháp phòng trừ Bệnh hại lạc thu đông và biện pháp phòng trừ

Khung thời vụ hẹp, khí hậu, đặc biệt bệnh hại xuất hiện sớm và gây hại nặng làm việc sản xuất lạc thu đông gặp rất nhiều khó khăn.

24/09/2018
Phát triển mô hình trồng bưởi da xanh ở Sơn Bua Phát triển mô hình trồng bưởi da xanh ở Sơn Bua

Là một trong những hộ dân đầu tiên ở xã Sơn Bua trồng bưởi da xanh, đến nay gia đình chị Nguyễn Thị Tâm, ở thôn Mang He đã có được 3 vụ thu hoạch.

24/09/2018