Bắc Ninh hối hả vào vụ nuôi cá mới
Theo lịch thời vụ, từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, các hộ dân tập trung cải tạo ao và xuống giống cá. Nhu cầu giống khoảng 225 triệu con, trong đó các đơn vị cung ứng lớn như HTX giống thủy sản Nam Sơn, Công ty Sông Thiên Đức, Xí nghiệp Thái Giang, Công ty TNHH Dung Đạt và Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1… đều có khả năng đáp ứng nhu cầu của các hộ nuôi trong tỉnh. Ngoài ra, tại các vùng nuôi thâm canh, các hộ cũng tự sản xuất 500 ha con giống. Tuy nhiên, năm 2015 do không có chính sách hỗ trợ cho nuôi cá qua đông, số hộ nuôi giảm, nên nguồn giống bị hạn chế.
Ảnh hưởng của đợt rét hại vào giữa tháng 1-2016, nhiều diện tích nuôi cá giống bị thiệt hại, nhất là diện tích nuôi cá chim trắng. Vì vậy, nhiều khả năng người dân khó chủ động về số lượng, chất lượng và kích cỡ cá theo yêu cầu, trong đó, cá rô phi vẫn phải nhập từ miền Nam do sản xuất giống không đáp ứng đủ.
Theo dự báo của Chi cục Thủy sản, với những ảnh hưởng của thời tiết và khó khăn trong việc mua giống, vụ nuôi thả cá năm nay sẽ khó hoàn thành thời điểm đúng kế hoạch. Xác định như vậy, ngay từ cuối năm 2015, Chi cục Thủy sản tỉnh hướng dẫn các cơ sở sản xuất giống bình tuyển đàn cá bố mẹ, thực hiện các biện pháp chống rét cho cá nuôi lưu đông, phối hợp với Chi cục Thú y kiểm soát chất lượng con giống và tập huấn kỹ thuật nuôi thuỷ sản. Theo khuyến cáo của ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bắc Ninh, tình hình dịch bệnh trên đàn thủy sản năm 2016 nhiều khả năng sẽ diễn biến phức tạp. Vì vậy, các hộ nuôi trồng cần khẩn trương thực hiện biện pháp kết hợp để chuẩn bị cho vụ mới.
Cụ thể, trước khi thả cá giống, cần tháo cạn, phơi khô đáy ao, dồn chất thải chuyển ra ngoài ao, gia cố bờ, cống ao, sử dụng vôi bột và các thuốc có nguồn gốc sinh học để xử lý môi trường ao. Về con giống, cần chủ động liên hệ với các cơ sở có uy tín, để có giống thả ngay khi nắng ấm, nhiệt độ hơn 22 độ C. Nhằm tránh việc mua phải con giống kém chất lượng hoặc bị trễ thời vụ do con giống khan hiếm, các hộ không nhất thiết lựa chọn rô phi đơn tính, cá chim trắng để thả nuôi vụ xuân mà có thể thay thế bằng cá chép, cá trắm cỏ.
Tùy điều kiện từng nguồn nước cấp, cần tính toán thả cá với mật độ vừa phải, cân đối cơ cấu giống cá hợp lý. Khi thời tiết nắng ấm các hộ cần tích cực chăm sóc các đối tượng cá giống thả nuôi bằng thức ăn tinh (ngô, thóc mầm…) kết hợp với thức ăn công nghiệp và bổ sung đủ rau. Đối với các hộ nuôi cá lồng, cần chuẩn bị phòng bệnh (mùa cao điểm tháng 3 - 4) bằng cách treo túi vôi hoặc viên nén vạn tiêu linh tại các lồng để khử trùng lồng nuôi, kết hợp với một số loại thuốc và Vitamin C trộn với thức ăn cho cá. Ngay khi phát hiện ra ao, lồng nuôi có biểu hiện lạ, người dân nên báo cho cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thú y, Chi cục Thủy sản tỉnh để chẩn đoán, thu mẫu xác định nguyên nhân và cách chữa bệnh.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành chức năng, sự chủ động của người dân, hy vọng vụ nuôi trồng thủy sản năm nay sẽ hoàn thành mục tiêu sản lượng đạt hơn 35.000 tấn và nuôi trồng thủy sản tiếp tục là hướng làm giàu ổn định cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm, lực mua kém khiến nông dân ươm cá giống trên địa bàn huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) thua lỗ nặng.
Mặc dù trong thời gian qua, thời tiết không được thuận lợi, ngư trường gần bờ ngày càng cạn kiệt, biển mất mùa và tàu thuyền có công suất lớn còn thấp nhưng chính quyền và ngư dân xã Trung Giang (huyện Gio Linh, Quảng Trị) đã tích cực bám biển, tranh thủ thời gian tăng chuyến sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với mùa vụ nên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân vùng biển bãi ngang này từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cá chết có thể do thiếu ôxy hoặc nuôi không đúng cách nhưng theo người dân, điều đó không thể xảy ra.