Bà đỡ đắc lực của nông, ngư dân
Tiết kiệm để lập quỹ
Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Quỹ nhân đạo” được thành lập vào năm 2013 từ tiền quyên góp, tiết kiệm của tất cả Hội ND huyện, thành phố, thị xã và cơ quan Hội ND tỉnh, chứ không phải quyên góp từ hội viên nông dân.
Mỗi năm, Hội ND tỉnh, các Hội ND huyện, thành phố, thị xã tiết kiệm từ các nguồn xã hội hóa để đóng góp cho “Quỹ nhân đạo”. Cụ thể, Hội ND huyện, thành phố, thị xã vùng đồng bằng mức góp 2,5 triệu đồng/năm. Hội ND huyện miền núi, trung du mức góp 2 triệu đồng và Hội ND huyện miền núi cao mức góp 1,5 triệu đồng/năm. Riêng Hội ND tỉnh đóng góp ở mức tăng thêm 30% so với Hội ND các huyện, thành phố, thị xã.
Tính ra, mỗi năm tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố đóng vào “Quỹ nhân đạo” hơn 37 triệu đồng, còn Hội ND tỉnh góp khoảng 11 triệu đồng. “Quỹ nhân đạo này lập ra để giúp nông, ngư dân, các con em nông dân khó khăn trên địa bàn tỉnh, nên không thể quyên góp từ hội viên được. Nông ngư dân đã khó khăn, chịu thiệt rồi thì mình phải tìm cách gì giúp họ, dù ít nhiều cũng phải lập riêng quỹ để giúp. Đó mới là cán bộ của nông dân và phải sâu sát, gắn bó với nông, ngư dân, từ đó mới hiểu được nỗi khổ của nông dân như thế nào, họ cần gì ở tổ chức Hội ND…” - ông Vũ Văn Thẩm giãi bày.
Hủy họp để động viên ngư dân
Nhìn danh sách báo cáo chi tiết từng mục hỗ trợ được trích từ nguồn “Quỹ nhân đạo”, chúng tôi ngạc nhiên vì thấy tỷ lệ ngư dân được hỗ trợ chiếm nhiều nhất. Có thể nói rằng, Hội ND tỉnh Quảng Nam không những quan tâm, chăm lo cho hội viên, nông dân mà họ còn sát cánh khi bà con gặp nạn hay gia đình ngư dân gặp khó khăn đột xuất. Sau 3 năm triển khai, đến nay “Quỹ nhân đạo” thuộc Hội ND tỉnh Quảng Nam đã kịp thời hỗ trợ được gần trăm lượt cho nông, ngư dân trên địa bàn bị thiệt hại bởi thiên tai, thiệt mạng, ngư dân gặp nạn trên biển. Hiện nay “Quỹ nhân đạo” còn kết dư hơn 100 triệu đồng.
Để bảo vệ nông dân, ngư dân hoạt động trên biển tốt hơn, Hội ND Quảng Nam đã kiến nghị với T.Ư Hội NDVN cần lên tiếng kịp thời, kiến nghị các lực lượng thực thi trên biển cần tăng cường bảo vệ ngư dân hơn nữa. Qua đó, Hội NDVN giúp ngư dân yên tâm bám biển khai thác hải sản và bảo vệ biển chủ quyền được tốt hơn…”.
Ông Vũ Văn Thẩm
Ông Thẩm còn nhớ như in vụ tàu QNa-91939-TS của ngư dân Võ Quang Thái, xã Tam Quang, huyện Núi Thành cùng 10 ngư dân đang hoạt động trên biển Hoàng Sa thì bị lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tấn công cướp, phá ngư cụ vào ngày 6.3 vừa qua. Sau khi đọc báo Nông Thôn Ngày Nay, biết tin, ông Thẩm hủy ngay các cuộc họp để cùng anh em Hội ND tỉnh xuống tận tàu của ngư dân Thái tìm hiểu thêm sự việc, báo cáo với T.Ư Hội NDVN lên tiếng phản đối. Tại tàu, thay mặt Hội ND các cấp tỉnh Quảng Nam, ông Thẩm đã động viên hỗ trợ chủ tàu 5 triệu đồng, các ngư dân mỗi người 500 đồng…
Và mới đây nhất là vụ tàu cá Qna-95959TS của ngư dân Phạm Phú Thành, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình cùng 34 ngư dân bị tàu lạ đâm chìm trên biển Hoàng Sa. Khi tàu cứu hộ vừa cập cảng Đà Nẵng, lãnh đạo Hội ND tỉnh cũng kịp thời có mặt để đón 34 ngư dân. Đầu giờ chiều ngày 5.5, sau khi nhận thông tin 34 ngư dân sẽ được lực lượng chức năng đưa về cập cảng Đà Nẵng, dù đang tổ chức cuộc họp trong cơ quan, nhưng ông Thẩm đành cho anh em nghỉ để tức tốc ngược ra Đà Nẵng để tham gia đón 34 ngư dân an toàn trở về...”.
“Bận họp cũng phải nghỉ, tính mạng 34 ngư dân là trên hết, vì họ là những cột mốc sống trên biển. Chính họ là những người bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển. Khi họ thoát chết trở về thì mình phải làm gì để giúp họ chứ, không lẽ ngồi hoài trong phòng lạnh rồi chỉ đạo. Phải ra với các ngư dân, ra để động viên họ và xem họ cần gì ở mình rồi góp lên tiếng nói phản ánh chứ…” - ông Thẩm tâm sự.
Với phương châm, muốn biết nông, ngư dân cần gì ở cán bộ hội, chỉ có cách xuống tận cơ sở mới thấu hiểu được. Tại Quảng Nam, Hội ND tỉnh đã làm tốt vai trò này, xem hội viên như người thân của mình, luôn tìm mọi cách để giúp đỡ, động viên...
Tìm nhiều giải pháp hỗ trợ ngư dân
Trong điều kiện Biển Đông đang có nhiều phức tạp, tinh thần tương thân tương ái, dũng cảm cứu người của các ngư dân trên biển rất đáng được tuyên dương. Dù với lý do gì, việc đâm chìm tàu cá của ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hành động dã man, vô nhân đạo. UBND tỉnh Quảng Nam lên án hành động vô nhân đạo đó. Để bảo vệ ngư dân, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng phối hợp các bộ, ngành trung ương điều tra để tìm ra thủ phạm gây ra những vụ đâm chìm, phá hại tàu cá của ngư dân; các cấp, ngành, địa phương luôn đồng hành, tìm ra nhiều giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân, góp phần xây dựng và đưa ngành thủy sản, trong đó có nghề đánh bắt của ngư dân Quảng Nam ngày một vững mạnh, an toàn và bền vững...”.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
Hướng dẫn cách đối phó trên biển
Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam đang tổ chức động viên, trấn an tinh thần ngư dân ven biển của tỉnh và triển khai các lớp tuyên truyền nhằm giúp ngư dân biết được những tình huống và cách đối phó trên biển khi gặp sự cố. Cái ngư dân cần nhất hiện nay là được bảo vệ an toàn tính mạng lẫn tài sản khi đang hoạt động trên biển. Các cơ quan chấp pháp cần tăng cường hoạt động, tuần tra nhiều hơn trên biển, không những để bảo vệ chủ quyền mà còn bảo vệ ngư dân nữa, từ đó ngư dân mới yên tâm bám biển tốt hơn…
Ông Ngô Tấn - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Nam
Bảo vệ bằng được ngư trường
Nghề đi biển vất vả, nguy hiểm, nhưng cho dù có chuyện gì xảy ra, tàu bị đâm chìm, mất của cải đi chăng nữa chúng tôi vẫn quyết bám biển, vì đó là ngư trường ông cha ta để lại nên phải bảo vệ cho bằng được. Chỉ mong sao, khi ngư dân gặp sự cố trên biển, lực lượng bảo vệ sớm giúp ngư dân, và Nhà nước cũng có cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho ngư dân.
Thuyền trưởng Phạm Phú Trung, xã Bình Minh,
huyện Thăng Bình (Quảng Nam).
Có thể bạn quan tâm
Thông tin từ ngành Nông nghiệp, hiện toàn tỉnh Cà Mau: có trên 10.000ha nuôi cá bị thiệt hại nặng do khô hạn.
Từ 1 tháng qua, giá tất cả các loại hải sản tại Nam Trung Bộ đã đột ngột lao dốc chưa từng thấy! Ngư dân và cơ quan chức năng đang nhận định: Có tình trạng “té nước...” theo sự cố cá chết tại 4 tỉnh khu vực Bắc miền Trung.
Mô hình dự báo ngư trường - đặc biệt là nguồn lợi cá ngừ đại dương - ngày càng được các nhà khoa học hoàn thiện, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho ngư dân đang ngày đêm bám biển.