Atiso - dược liệu vàng trên đất Lào Cai
Với diện tích 70 ha, cho sản lượng 2.000 tấn lá tươi mỗi năm, atiso được bà con Lào Cai trồng chuyên canh để sản xuất dược liệu.
Trong ảnh: Cây atiso cho thu hoạch 7 - 9 lứa lá trong một vụ. Ảnh: Bizmedia.
Theo ông Đỗ Tiến Sỹ - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Traphaco Sapa (thành viên Công ty cổ phần Traphaco), trước năm 2010, atiso là cây dược liệu được bà con trồng rải rác với diện tích khoảng 10 ha. Đến nay, nhờ chính sách phát triển cây dược liệu của công ty mà diện tích atiso đã tăng lên 70 ha, tập trung chủ yếu tại Sapa và huyện Bắc Hà. Sản lượng atiso cũng tăng từ 100 tấn lá tươi lên gần 2.000 tấn mỗi năm.
Từ khi phát triển thành vùng trồng dược liệu atiso, công ty hướng dẫn bà con trồng có kiểm soát, theo tiêu chuẩn GACP - WHO để mang lại nguồn nguyên liệu sạch, an toàn, bền vững. Ngoài đảm bảo các yêu cầu về kiểm soát quy trình phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lá atiso còn phải qua kiểm nghiệm hoạt chất.
Cây atiso được trồng từ tháng 7, tháng 8 dương lịch. Sau khi trồng 2, 3 tháng, người dân bắt đầu tỉa lứa lá đầu tiên. Các lần tỉa lá tiếp theo được thực hiện cách nhau một tháng. Trung bình, mỗi vụ atiso cho thu hoạch 7 - 9 lứa lá. Thời điểm tháng 5, tháng 6 năm sau, khi cây ra bông thì kết thúc vụ.
Toàn bộ lá atiso tươi của bà con trồng được công ty thu mua với giá 2.200 đồng một kg. Mức giá này được công ty cam kết trong văn bản với chính quyền địa phương và ký hợp đồng bao tiêu với từng hộ dân. Theo ông Sỹ, để bà con yên tâm canh tác cũng như đảm bảo lợi ích cho người trồng và công ty, một cam kết bền vững với bà con là điều cần thiết.
Hiện, một ha atiso có thể cho thu hoạch 40 - 50 tấn lá tươi mỗi năm. Sau khi thu mua lá và chiết xuất dược liệu, bã dược liệu này lại được chuyển ngược trở lại cho bà con làm phân hữu cơ. Ngoài lá, các bộ phận còn lại của cây như bông, thân, rễ cũng mang lại nguồn lợi tương đương giá trị của lá tươi.
Atiso là cây dược liệu "vàng" đối với bà con vùng cao Lào Cai. Ảnh: Bizmedia.
"Atiso là dược liệu vàng đối với bà con tại Lào Cai nói chung, Sapa và huyện Bắc Hà nói riêng. 70% hộ dân trồng atiso là người dân tộc thiểu số, phần đông lại không biết chữ và tiếng phổ thông nên cán bộ công ty không chỉ tập huấn cho bà con trên lớp mà chú trọng việc hướng dẫn trực tiếp cho 200 hộ dân ngay trên vùng trồng. Nguồn lợi kinh tế mà atiso mang lại cho người trồng cao gấp 3 - 5 lần so với các cây lương thực khác. Quan trọng hơn, nó giúp bà con chuyển đổi cả thói quen canh tác, từ trồng tự phát sang chuyên canh có quy mô", ông Sỹ nhấn mạnh.
Dự kiến tháng 5 tới, Công ty TNHH một thành viên Traphaco Sapa phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức lễ hội hoa atiso tại Sapa để góp phần làm phong phú thêm "sắc màu Tây Bắc" trong năm du lịch quốc gia Lào Cai - Tây Bắc. Đây cũng là cơ hội để địa phương quảng bá nguồn dược liệu quý tới du khách và cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ chất lượng chè ổn định và quy trình trồng sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, 80% sản lượng trà ô long Long Đỉnh được xuất khẩu đi Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ.
Nhờ áp dụng mô hình VietGAP mà chôm chôm hợp tác xã Sơn Định, Bến Tre có đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu, Dubai, Trung Quốc...
Rừng khai thác tới đâu sẽ được trồng bổ sung tới đó, đồng thời, người dân lại tiếp tục trồng tiêu phía dưới. Nguồn lợi cứ như vậy được tái tục.