Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Áp dụng gen lúa hoang để thích ứng biến đổi khí hậu

Áp dụng gen lúa hoang để thích ứng biến đổi khí hậu
Tác giả: Đ.T.Chánh - Minh Đãm
Ngày đăng: 07/04/2021

Hàng chục giống lúa mới được lai tạo từ nguồn gen lúa hoang nhằm tăng khả năng chống chịu hạn, mặn, kháng sâu, bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

PGS.TS Huỳnh Quang Tín giới thiệu về các đặc tính và quy trình canh tác các giống lúa được lai tạo với nguồn gen lúa hoang giúp thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Trung Chánh.

Giống lúa kháng sâu, bệnh tốt

Hơn 40 đại biểu gồm đại diện cơ quan ngành nông nghiệp tỉnh, huyện, chính quyền, nhà nông và nhà khoa học đã tham quan thực tế ruộng thí nghiệm và dự hội thảo đầu bờ đánh giá giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội thảo do Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (trực thuộc Đại học Cần Thơ) tổ chức, tại xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

PGS.TS Huỳnh Quang Tín, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL cho biết, đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa trường Đại học Cần Thơ và các Tổ Giống thực hiện dự án “Nông nghiệp Thích ứng với biến đổi khí hậu: Chọn giống có sự tham gia từ nguồn gen lúa hoang được chuyển vào lúa trồng ở ĐBSCL”.

Ruộng thí nghiệm có tất cả 26 giống lúa (trong đó có 5 giống lúa đối chứng) được gieo mạ khay, cấy 1 tép/bụi khi mạ được 14 ngày tuổi, mỗi giống được cấy theo lô 12m2 (4m x 3m) theo nghiệm thức 3 lần lặp lại.

“Các dòng thuần đang thử nghiệm đều có tổ hợp lai cây cha là lúa hoang địa phương - Oryza Rufipogon và cây mẹ là IR154 đã được Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) nghiên cứu, chọn tạo. Cây cha là lúa hoang, có khả năng thích nghi rộng, nhờ đó sẽ tăng khả chống chịu hạn, mặn và kháng sâu, bệnh rất tốt. Hiện nay, đang triển khai khảo nghiệm bộ giống lúa này ở các địa phương, gồm: thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang và huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, để đánh giá tính thích nghi với từng sinh thái”, PGS.TS Huỳnh Quang Tín chia sẻ.

Ông Phan Văn Oanh, nông dân tham gia Tổ Giống thực hiện dự án cho biết, lúa được gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021, sử dụng thuốc trừ ốc bươu vàng, trừ bọ trĩ sau cấy, nhưng không phun ngừa, trừ sâu, bệnh để đánh giá đặc tính kháng, nhiễm của giống. Bón phân cân đối và quản lý nước theo phương pháp tưới ngập khô xen kẽ. Đến nay, lúa chuẩn bị cho thu hoạch và không có sâu, bệnh gì nghiêm trọng, ước cho năng suất khá tốt.

Bà Võ Kim Lượng, Trạm trưởng Trạm trồng trọt - BVTV thị xã Long Mỹ, cho biết, qua quá trình theo dõi, quản lý sâu bệnh, trong tất cả 26 giống (gồm cả giống địa phương đối chứng) giai đoạn đầu không phát hiện sâu, bệnh, rầy nâu tấn công. Giai đoạn làm đòng, trổ có một số giống bị nhiễm đạo ôn cổ lá, cổ bông và nhánh gié nhưng ở mức nhẹ.

Hứa hẹn thêm lựa chọn cho nhà nông

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp Hậu Giang Lê Minh Thắng cho rằng, thời gian qua trình độ thâm canh sản xuất lúa của bà con nông dân đã được nâng lên khá nhiều. Cơ giới hóa cũng được ứng dụng ngày càng rộng rãi. Các mô hình liên kết sản xuất, cánh đồng lớn đã giúp sản xuất lúa ngày càng bền vững hơn.

Tuy nhiên, hiện nay biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, dịch hại cũng nhiều lên, gây nhiều thiệt hại cho nhà nông. Trong bối cảnh đó, nông dân có trình độ sản xuất chưa đủ, mà cần phải có giống lúa thích nghi tốt, sẽ giúp cho nông dân giảm thiểu được thiệt hại, tăng thu nhập. 

Đối với các giống lúa đang thử nghiệm này có sự tham gia từ nguồn gen lúa hoang được chuyển vào là rất quý, sẽ giúp cây lúa tăng tính chống chịu đối với tình trạng ngập úng, nắng hạn, xâm nhập mặn, cũng như kháng rầy nâu, sâu bệnh… là rất quý. Vì vậy, sau khi thử nghiệm, khảo nghiệm thành công, cần được đầu tư để được công nhận giống để đưa vào sản xuất, phát huy vai trò của giống và thêm lựa chọn cho nhà nông khi đầu tư sản xuất.

Do đang quá trình nghiên cứu, thử nghiệm nên các giống lúa chưa được đặt tên mà sẽ đánh số thứ tự theo dòng. Qua tham quan thực tế đồng ruộng và hội thảo, có 3 giống dòng thuần có chứa gen lúa hoang được nông dân bình chọn, đánh giá cao.

Trong đó, có một giống đang được khảo nghiệm quốc gia, có thời gian sinh trưởng 100 ngày, chiều cao cây 100 cm, trọng lượng 25,7g/1.000 hạt, năng suất lý thuyết là 9,8 tấn/ha. Hứa hẹn sẽ sớm được công nhận để bổ sung thêm nguồn giống, thêm lựa chọn cho nhà nông. Đặc biệt trong bối cảnh điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, khắc nghiệt hơn do tác động của biến đổi khí hậu, gây ra tình trạng ngập úng, khô hạn, xâm nhập mặn và dịch hại ngày càng gia tăng.

Nguồn gen quý từ giống lúa hoang

Theo các chuyên gia nghiên cứu về lúa gạo, lúa hoang có tên khoa học là Oryza, là tổ tiên của giống lúa trồng hiện nay. Trên thế giới các nhà khoa học đã phát hiện có 26 loài lúa hoang. Riêng ở Việt Nam có 4 quần thể lúa hoang gồm: Oryza officinalis, Oryza rufipogon, Oryza nivara và Oryza granulata.

Quần thể giống lúa hoang Oryza rufipogon được phát hiện có nhiều ở các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ, nhất là tại khu vực Tràm Chim thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Giống lúa hoang này được người dân địa phương gọi là lúa ma hay lúa trời, vì cây lúa tự mọc và đơm bông kết hạt. Khi vừa chín là hạt lúa sẽ rụng xuống đất, nằm chờ cho đến mùa mưa năm sau lại nảy mầm và tiếp tục một vòng đời mới.

Giống lúa hoang Oryza rufipogon có sức sống kỳ diệu. Chúng tự sinh tồn bất kể ở trong môi trường khô hạn, ngập lụt, phèn mặn và sâu bệnh mà không cần bàn tay chăm sóc của con người. Chính vì vậy, khi nguồn gen quý của lúa hoang khi được chuyển vào lúa trồng sẽ tạo ra giống mới lúa thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

10 mảng kinh doanh nông nghiệp sinh lời nhất năm 2021 10 mảng kinh doanh nông nghiệp sinh lời nhất năm 2021

Nông nghiệp là khu vực quan trọng vì cung cấp nguồn thức ăn cho hàng tỷ người mỗi ngày. Số liệu của WB, tại các nước đang phát triển, nông nghiệp chiếm hơn 25%

05/04/2021
Canh tác theo chương trình cảnh quan bền vững, tăng thu nhập thêm 30% Canh tác theo chương trình cảnh quan bền vững, tăng thu nhập thêm 30%

Nông dân trong các vùng canh tác cây công nghiệp ở Tây Nguyên theo chương trình cảnh quan bền vững có thu nhập cao hơn 30 triệu đồng/ha

05/04/2021
Biện pháp xử lý rong nhớt trên đất tôm lúa Biện pháp xử lý rong nhớt trên đất tôm lúa

Trong quá trình canh tác lúa trên đất tôm, ngoài các đối tượng sâu, bệnh hại thì rong nhớt cũng là đối tượng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng

06/04/2021
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.