Áp dụng công nghệ tiên tiến nuôi cá tra bền vững
Dịp này, các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học và doanh nghiệp cùng trao đổi, trình diễn công nghệ nuôi cá tra thương phẩm bền vững, thân thiện môi trường và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ vùng nuôi đến chế biến.
Công nghệ mới
Dự án "Xây dựng trang trại nuôi cá tra trình diễn công nghệ tiên tiến bền vững tại Việt Nam" được tài trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và giao Trường Đại học Cần Thơ, Công ty TNHH Thuận Hưng, VIDATEC trực tiếp thực hiện. Mục tiêu nhằm trình diễn các khả năng nuôi cá tra thương phẩm bền vững; cải thiện môi trường nước trong ao nuôi bằng cách lắp đặt công nghệ nuôi tiên tiến cùng với khả năng truy xuất nguồn gốc từ vùng nuôi đến chế biến. Theo đó, Dự án thực hiện ao nuôi thử nghiệm tại Trại cá Phú Thuận (Công ty TNHH Thuận Hưng) và xây dựng ao nuôi tuần hoàn nước tại Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ.
Điểm khác biệt giữa nuôi cá tra trong ao theo Dự án so với nuôi cá trong ao truyền thống là áp dụng công nghệ tuần hoàn nước và sục khí oxy trong ao, hệ thống lọc sinh học... Đặc biệt, mô hình nuôi cá tra thương phẩm trong bể xi măng áp dụng công nghệ nuôi tuần hoàn nước ứng dụng công nghệ tiên tiến tại Khoa Thủy sản đã thể hiện ưu điểm tăng oxy hòa tan trong nước, giúp cá hạn chế vận động, lớn nhanh, giảm chi phí thức ăn. Đồng thời, chứng minh việc giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR), quản lý ao nuôi tốt hơn (giảm tỷ lệ hao hụt, giảm sử dụng thuốc và hóa chất); chất lượng của cá được cải thiện và giảm gánh nặng về ô nhiễm môi trường… Cùng một mật độ thả nuôi, sản lượng của cá trong ao có sục khí tăng 18,7 và 29,3% so với ao nuôi truyền thống. Ông Trần Ngọc Hòa, Phòng Quản lý chất lượng, Công ty TNHH Thuận Hưng, cho biết: Qua thực tế thả nuôi tại Trại cá Phú Thuận, kết quả đánh giá tại các ao thử nghiệm đều có bước cải thiện so với cách nuôi truyền thống. Hàm lượng oxy, tỷ lệ tăng trưởng cá, hệ số FCR, giá thành nuôi giảm đáng kể. Ngoài ra, sử dụng hệ thống sục khí và giảm số lần thay nước vẫn đảm bảo được chất lượng cá phi lê và giảm đáng kể chi phí sử dụng thuốc và hóa chất…
Phát biểu tại Hội thảo, bà Charlotte Laursen, Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam cho rằng, sự hợp tác tích cực giữa các đơn vị đã đem lại thành công cho Dự án ở giai đoạn đầu. Sự thành công này sẽ là nền tảng để xây dựng mối quan hệ thương mại tốt đẹp trong lĩnh vực thủy sản, nuôi cá tra nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung giữa hai quốc gia. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh: "Chúng tôi rất mừng là những kết quả bước đầu chỉ ra nhiều triển vọng cho việc mở rộng ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến vào nuôi cá tra tại ĐBSCL. Hy vọng thông qua các kết quả nghiên cứu từ Dự án, các công nghệ mới sẽ được người nuôi cá tra quan tâm ứng dụng và được các cơ quan quản lý (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL) hỗ trợ triển khai góp phần phát triển ngành hàng cá tra ngày càng hiệu quả và bền vững".
Hoàn thiện quy trình
Mặc dù đạt được kết quả bước đầu, song quá trình nghiên cứu, Dự án bộc lộ một số hạn chế. Điển hình như, việc áp dụng các thiệt bị tự động đo đạc, ghi nhận các thông số môi trường cho kết quả chính xác nhưng thao tác truy cập, hiệu chỉnh, kết nối các đầu dò và thiết bị ghi nhận còn khó khăn và chi phí đầu tư khá cao. Thiết bị làm tăng lượng oxy hòa tan làm tỷ lệ sống, năng suất và FCR cải thiện rõ rệt nhưng do ao sâu nên khó đưa hết chất thải ra ngoài. Bên cạnh đó, hệ thống cho ăn tự động có thể tích nhỏ, phân phối thức ăn chậm nên không thích hợp sử dụng trong giai đoạn cá lớn… Từ những bất cập trên, nhiều đại biểu đề xuất, bước tiếp theo, Dự án cần tập trung cải tiến thiết bị và ao nuôi phù hợp (giảm độ sâu, tìm giải pháp thu gom chất thải…); tăng cường mở các lớp tập huấn và có chính sách khuyến cáo, hỗ trợ người nuôi tiếp cận, sử dụng các thiết bị tiên tiến đề xuất…
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Dự án cũng cần đề ra các giải pháp, chiến lược để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; xây dựng thương hiệu, hình ảnh tích cực cho con cá tra. Bởi nếu dừng lại ở khâu sản xuất thì mới chỉ là "nửa câu chuyện" trong khi vấn đề làm sao để giảm giá thành, bán được sản phẩm, hiệu quả kinh tế mang lại cao… là điều mà người nuôi và doanh nghiệp luôn mong đợi… Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản, nhấn mạnh: "Các quy trình, công nghệ nhóm nghiên cứu đưa ra rất hay, rất hữu ích, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thả cá giống. Ở giai đoạn tiếp theo, tôi cho rằng, chúng ta nên tập trung đưa ra giải pháp, khuyến cáo làm sao để nâng giá bán con cá tra và xác định ai sẽ đóng vai trò "đầu tàu" để thực hiện công nghệ này. Bởi một khi giá bán cá tra được nâng cao, hiệu quả kinh tế được chứng minh thì sẽ giải quyết được mọi vấn đề…".
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, thời gian qua, việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá tra nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, bền vững về phát triển, hài hòa về môi trường… đã được ngành nông nghiệp và các Viện/trường đặc biệt quan tâm. Với Dự án "Xây dựng trang trại nuôi cá tra trình diễn công nghệ tiên tiến bền vững tại Việt Nam" đã khẳng định được kết quả bước đầu và đang được tiếp tục triển khai ứng dụng. Dự án không chỉ mang ý nghĩa về mặt ứng dụng khoa học công nghệ mà còn thành công trong sáng kiến hợp tác công - tư giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý của Việt Nam và Đan Mạch. Công nghệ tiên tiến của Đan Mạch kết hợp với ý chí sáng tạo, cần cù của nông dân và doanh nghiệp Việt Nam sẽ mang lại kết quả thiết thực giúp cá tra Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng, tạo thế cạnh tranh trên trường quốc tế…
Có thể bạn quan tâm
Theo Trạm Thú y TX Sông Cầu (Phú Yên), nhận định ban đầu nguyên nhân gây ra hiện tượng tôm chết hàng loạt trên địa bàn những ngày qua là do tảo độc phát triển mạnh.
Thời gian qua, ở nhiều địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng xuất hiện những cơn mưa đầu mùa lớn bất thường, làm môi trường ao nuôi tôm thay đổi đột ngột. Bên cạnh đó, sau những cơn mưa thường xuất hiện nắng nóng gay gắt làm tôm giảm sức đề kháng, từ đó làm tăng nguy cơ bùng phát mầm bệnh, gây thiệt hại cho người nuôi.
Dù có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản (NTTS) tương đối lớn với nhiều tiềm năng và thế mạnh, song đến nay, Hà Nội vẫn chưa thể đưa thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa do không ít khó khăn cản trở.