Anh Trương Văn Nghiệp nuôi hươu sao có thu nhập cao
Qua nhiều mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả không cao, đầu năm 2018 chàng thanh niên người dân tộc Tày Trương Văn Nghiệp sinh năm 1983, ở ấp Tân Phước, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp (Bình Phước) đã mạnh dạn vay vốn để nuôi hươu sao lấy nhung. Mô hình nuôi hươu sao lấy nhung trên địa bàn huyện biên giới này rất mới mẻ nhưng lại có nhiều tiềm năng phát triển.
Anh Trương Văn Nghiệp chăm cho hươu sao. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Với kinh nghiệm chuyên môn về ngành thú y và đã từng nuôi nhiều loại động vật như: rắn, heo, dê, thỏ,… sau khi tìm hiểu mô hình nuôi hươu sao do người bạn ở Lâm Đồng giới thiệu, anh Nghiệp đã quyết định mua về 7 con hươu. Với chi phí đầu tư từ chuồng trại đến con giống hơn 130 triệu đồng, trong đó 100 triệu đồng phải vay vốn ngân hàng.
Anh Nghiệp cho biết: “Tôi cũng như một số bà con ở địa phương này đã từng chăn nuôi với nhiều con vật nuôi khác nhau. Điều kiện về tự nhiên, thức ăn ở đây rất nhiều. Nhưng chỉ duy trì được một thời gian vì đầu ra không ổn định. Tôi có niềm đam mê với nghề chăn nuôi từ nhỏ, do không thành công lắm với loại vật nuôi trước kia nên tìm con khác mới để nuôi”.
Hiện tại đàn hươu của anh Nghiệp đã được hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ Công ty Trường Sinh ở tỉnh Lâm Đồng. Anh Nghiệp tâm sự, lúc đầu mới mang về được vài ngày anh thấy hơi lo lo, sợ không hợp với điều kiện khí hậu. Số vốn đã đầu tư vào mô hình này là không hề nhỏ, lỡ có rủi ro gì thì mất trắng. Nhưng đến nay, nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức, kỹ thuật chăm sóc nên mọi thứ đều đi đúng hướng phát triển ổn định. Đầu ra đã có nên anh cố gắng chăm cho thật tốt.
Qua 3 tháng phát triển mô hình nuôi hươu sao, anh Nghiệp cho rằng ngoài việc đảm bảo tốt về chuồng trại thì thức ăn của hươu cũng giống như dê. Thức ăn chủ yếu lá cây lòng mức, mít, cỏ… nên rất thuận lợi vì thức ăn ở địa phương dồi dào. Với gần 2.000 trụ tiêu sống của gia đình là nguồn cung cấp đủ thức ăn cho hươu và đàn dê 20 con.
Theo anh Nghiệp, hươu cũng ít khi bị bệnh, lâu lâu có thể bị khô mũi hoặc bị cảm. Về thu hoạch, hươu 3 năm tuổi mới bắt đầu cho thu hoạch nhung. Con trưởng thành mỗi lần lấy nhung được khoảng 0,5 kg và mỗi năm thu hoạch 2 lần. Với giá thị trường hiện nay là khoảng 2,5 triệu đồng/lạng thì mỗi năm mỗi con hươu cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng từ nhung.
Điều thú vị không kém ở mô hình nuôi hươu của anh Nghiệp là gia đình đầu tư hẳn bộ loa nhỏ phát tiếng nhạc nhẹ để trong chuồng cho hươu nghe. Anh Nghiệp cho rằng, nhiều người còn mở nhạc cho heo, cho dê nghe nên anh đã đầu tư máy phát âm nhạc cho hươu nghe cho quen. Bởi hươu là loài vật hoang dã nên rất sợ người.
Anh Nghiệp cho biết: “Từ những ngày đầu mới mang về gia đình tôi không thể đến gần nó được. Nếu đến gần nó sẽ nhảy và tông thành chuồng. Sau một thời gian cho nghe nhạc nhẹ, quen dần nay tôi có thể đến gần cho ăn và sờ được. Hươu ăn xong thì ngủ, không quậy phá như trước nữa”.
Trên địa bàn huyện biên giới Bù Đốp, đây là mô hình nuôi hươu sao lấy nhung đầu tiên. Trong thời gian tới anh Nghiệp sẽ mở rộng chuồng trại và nhân giống để cung cấp cho người dân trên địa bàn có nhu cầu. Đồng thời, anh cũng sẽ đứng ra làm đầu mối liên kết với Công ty Trường Sinh ở Lâm Đồng bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
Sau khi tham quan mô hình mới của chàng trai trẻ người dân tộc Tày, ông Nông Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến cho biết: “Nuôi hươu sao lấy nhung của anh Trương Văn Nghiệp là mô hình mới và phù hợp với việc kết hợp nọc tiêu sống giống như nuôi dê. So với các mô hình chăn nuôi khác thì đây là mô hình có ưu thế vượt trội về giá trị kinh tế. Vì vậy, Hội Nông dân xã sẽ định hướng cho hội viên đến đây để thăm quan, học tập kinh nghiệm và nhận rộng mô hình khi có điều kiện”.
Như vậy, việc mạnh dạn đầu tư mô hình hươu sao lấy nhung của chàng trai trẻ Trương Văn Nghiệp đang mở ra một hướng đi mới cho ngành chăn nuôi địa phương, thu nhập kinh tế khá lên nhờ có đầu ra tiêu thụ.
Có thể bạn quan tâm
Thời tiết nắng nóng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, năng suất của đàn gia súc; là thời điểm trâu, bò dễ mắc bệnh, hiệu quả chăn nuôi thấp
Để hạn chế dịch bệnh phát sinh thì chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học là phương pháp hiệu quả và an toàn hơn hết. Sau đây là một số lưu ý trong chăn
Vật nuôi chiếm đến 5% sản lượng khí nhà kính do con người tạo ra nhưng một chủng rong biển có thể giảm đáng kể tỉ lệ đó