An toàn trong khai thác thủy sản
Để đảm bảo an toàn tính mạng của ngư dân và tàu thuyền trong khai thác thủy sản, việc trang bị đầy đủ những dụng cụ, phương tiện, thiết bị cứu sinh, cứu thủng, thiết bị chữa cháy và tập huấn, diễn tập thường xuyên là việc làm cần thiết.
Thiết bị và thao tác cứu sinh
Thiết bị cứu sinh
Các tàu thuyền phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị và phương tiện bao gồm xuồng, bè, phao và áo phao cứu sinh theo công ước quốc tế: "Đảm bảo an toàn sinh mạng của con người trên biển, năm 1960".
Xuồng cứu sinh là phương tiện cấp cứu tập thể của các tàu lớn nhằm duy trì sự sống ngư dân khi tàu đắm chờ cứu hộ. Số lượng và cỡ xuồng tùy thuộc vào tàu và ngư dân trên tàu. Xuồng được trang bị lương thực, nước ngọt, thuốc cấp cứu, cột buồm, mái chèo, dầu thắp sáng, còi hoặc máy thu phát tín hiệu… và được treo ở mạn tàu. Bè cứu sinh cũng là phương tiện cấp cứu tập thể, bao gồm bè cứng và bè bơm hơi. Bè được trang bị giống như xuồng và đặt ở vị trí thuận lợi, dễ thao tác khi tàu gặp nạn.
Phao và áo phao là dụng cụ cấp cứu quan trọng của ngư dân, phao được treo ở nơi có khả năng ném nhanh xuống nước. Khi sử dụng, áo phao được buộc chặt vào người, giúp người bị nạn khi bất tỉnh vẫn có thể nổi ngửa mặt trên mặt nước. Số lượng phao, áo phao tùy thuộc vào ngư dân và cỡ, loại tàu.
Thao tác cứu sinh
Trước khi lên tàu, mỗi thuyền viên cần được tập huấn sử dụng thành thạo phương tiện thông tin liên lạc và trang thiết bị cứu sinh như xuồng, bè, phao. Rơi xuống biển khi tàu đang di chuyển là tai nạn nguy hiểm đối với ngư dân, sự sống của họ phụ thuộc vào khả năng phát hiện và thời gian cứu vớt.
Khi phát hiện người gặp nạn, cần khẩn trương và thận trọng trong các thao tác như ném nhiều phao cứu sinh cá nhân cho người bị nạn rồi báo cho cả tàu biết nơi xảy ra tai nạn. Nên đưa mũi tàu hướng về phía người bị nạn để tránh chân vịt tàu hút vào. Khi tàu tiếp cận người bị nạn phải thận trọng, tránh tàu đè lên người hoặc gây va đập. Nếu sóng gió lớn phải dừng tàu cách 20 - 30 m, dùng xuồng tiếp cận nạn nhân hoặc dùng dây buộc phao thả xuống nước cùng với một thủy thủ bơi giỏi để dìu người bị nạn về tàu.
Cứu tàu thủng, mắc cạn, cháy
Cứu tàu bị thủng
Khi bị va đập hoặc sự cố làm phần vỏ tàu dưới nước bị thủng, nếu không xử lý có thể gây chìm tàu. Do vậy, người thuyền trưởng cần bình tĩnh và thực hiện các việc sau: Xác định nơi thủng và kích thước lỗ thủng, nếu lỗ thủng nhỏ cần bịt kín lại tạm thời và bơm hết nước ra ngoài. Nếu tàu bị thủng to nên đóng kín cửa khoang bị thủng lại, đồng thời chuẩn bị xuồng, phao cứu sinh và phát tín hiệu cấp cứu để các tàu khác đến cứu giúp hoặc kéo về cảng sửa chữa.
Cứu tàu mắc cạn
Nguyên nhân do tàu đi sai luồng lạch hoặc va phải rạn đá ngầm. Khi phát hiện tàu mắc cạn phải tắt máy, kiểm tra vỏ tàu và xử lý nếu bị thủng. Xác định tàu nằm trên bãi cạn để biết tàu bị cạn ở mạn nào và đánh dấu trên hải đồ. Nếu tàu bị cạn ở nơi có thủy triều thì cần tính toán mực nước hiện tại và sắp tới. Tìm hiểu thời tiết của khu vực để đề phòng bất trắc, bảo đảm an toàn cho tàu. Gặp nơi có gió và dòng chảy mạnh thì phải xác định hướng và cường độ của chúng để tránh dòng chảy làm tăng mức độ nguy hiểm. Sau khi làm tốt công tác chuẩn bị thì lên phương án đưa tàu rời khỏi bãi cạn.
Cứu tàu bị cháy
Tàu cần trang bị các thiết bị chữa cháy là hệ thống bơm nước, phun nước tự động và các thiết bị báo cháy tự động. Các dụng cụ chữa cháy như: bơm di động, bơm tay, bình chữa cháy, bình chữa cháy xách tay, thùng, xô, cát, xẻng, rìu, câu liêm, thang, búa, quần áo chống cháy… Khi tàu bị cháy cần dùng câu liêm, rìu, búa… để tách đám cháy hoặc phủ kín bằng chăn, vải thấm nước, sử dụng máy bơm nước, bình cứu hỏa để dập tắt đám cháy, sau đó có thể phát tín hiệu cấp cứu. Thường xuyên kiểm tra thiết bị và dụng cụ chữa cháy phát hiện hư hỏng và thiếu hụt để sửa chữa và bổ sung kịp thời, định kỳ việc thực tập chữa cháy trên tàu cho các thuyền viên.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi ghép tôm nước lợ với các đối tượng khác đang trở thành mô hình mang lại nhiều lợi ích nhờ cải thiện môi trường ao nuôi và tạo giá trị kinh tế cho người dân
Mô hình Nuôi ghép tôm - cá đối mục đạt được những kết quả khả quan. Đồng thời, hiện nay tại số địa phương cũng đã phát triển các mô hình nuôi xen ghép hiệu quả
Nuôi tôm ngày càng phải đối diện với dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng một số loại hóa chất hiện nay đang gây hại cho môi trường