An toàn dịch bệnh trong sản xuất tôm giống
Để sản xuất bền vững, nâng tầm thương hiệu tôm giống, các doanh nghiệp trên địa bàn Ninh Thuận đang chú trọng xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB).
Sản xuất tôm giống của Công ty TNHH Giống thủy sản Uni-President Việt Nam tại Ninh Thuận. Ảnh: An Chi
Đáp ứng yêu cầu xuất khẩu
Hiện nay, đứng trước yêu cầu đảm bảo sạch bệnh của các thị trường nhập khẩu sản phẩm thủy sản; việc tham gia chương trình giám sát để chứng nhận cơ sở ATDB đối với cơ sở sản xuất tôm giống là yêu cầu cấp thiết. Hiện, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 3 khu vực tập trung các cơ sở sản xuất tôm giống (An Hải – Ninh Phước, Ninh Hải và Cà Ná – Thuận Nam) với 450 cơ sở. Từ năm 2017 đến nay có 17 cơ sở đăng ký giám sát để chứng nhận cơ sở đảm bảo ATDB động vật, nhưng hiện mới chỉ có 8 cơ sở đủ điều kiện được cấp chứng nhận ATDB về các bệnh theo quy định, như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam – Chi nhánh 2 tại Ninh Thuận, Công ty TNHH Giống thủy sản Uni-President Việt Nam, Vinhthinh Biostadt… Theo quy định, các cơ sở ATDB phải đảm bảo tất cả mẫu sản phẩm qua quá trình giám sát 24 tháng đều cho kết quả âm tính đối với 3 loại bệnh như: Đốm trắng do virus (WSD), hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) và hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô (IHHNV). Những cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận này là những cơ sở có đầy đủ điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị tốt, hiện đại; có quy mô sản xuất trên 1 tỷ con tôm giống/năm, đáp ứng các điều kiện về an toàn sinh học và trình độ nhân lực, cũng như các điều kiện để đảm bảo con giống sạch bệnh, có chất lượng.
Đẩy mạnh triển khai
Nhằm triển khai tổ chức hướng dẫn thực hiện kế hoạch giám sát ATDB tại cơ sở sản xuất giống thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận đã thành lập Tổ tư vấn ATDB, phân công các thành viên trong Tổ trực tiếp đến cơ sở để hướng dẫn từ thiết kế, bố trí trang thiết bị, hệ thống xử lý chất thải và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh; xây dựng hệ thống cảnh báo phát hiện sớm dịch bệnh, các quy trình vận hành sản xuất, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, giám sát dịch bệnh tại cơ sở, giám sát các bệnh trên tôm bố mẹ nhập khẩu. Các đơn vị sản xuất thực hiện việc ghi chép nhật ký sản xuất, quản lý thông tin, dữ liệu và hồ sơ, bảo đảm truy xuất thông tin thuận tiện, phù hợp, đầy đủ và chính xác.
Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận phối hợp với Cục Thú y, Chi cục Thú y Vùng VI tổ chức tập huấn, có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung, nâng cấp trang thiết bị, các nguồn lực khác nhằm đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh ATTP, ATDB và an toàn sinh học tại các cơ sở sản xuất giống; các quy định, điều kiện, tiêu chí đánh giá cơ sở ATDB; hướng dẫn kỹ thuật về công tác xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch giám sát dịch bệnh tại cơ sở.
Trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng cơ sở ATDB thủy sản theo tiêu chuẩn OIE, xây dựng chuỗi ATDB thủy sản (bao gồm các khâu từ sản xuất con giống, nuôi thương phẩm đến chế biến xuất khẩu), xây dựng vùng sản xuất, cơ sở sản xuất tôm bố mẹ ATDB đến các doanh nghiệp trong tỉnh, phù hợp với mục tiêu phát triển Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021 – 2030. Mặt khác, phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nhân lực là cán bộ kỹ thuật, chủ cơ sở sản xuất về kiến thức ATDB; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư có lộ trình, nâng số cơ sở đạt chuẩn theo quy định, hướng đến sản xuất bền vững, nâng cao thương hiệu sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Trong các thử nghiệm mới đây nhất, protein FeedKind của Calysta đã được chứng minh tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ tỷ lệ sống của tôm trước dịch bệnh EMS
Hiệp hội Cá ngừ Đài Loanđã hợp tác với Đại học Quốc gia Chung Cheng để thử nghiệm một hệ thống giám sát video trên tàu cá
Trong vụ nuôi năm nay, nhiều nông dân ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã mạnh dạn chuyển sang sử dụng con giống tôm sú mới M9