9X trồng rau thủy canh sạch mỗi ngày thu 2 triệu đồng
Không chỉ đảm bảo được vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) bằng việc áp dụng công nghệ sản xuất của nước ngoài, mô hình trồng rau thủy canh khép kính trong nhà lưới của chị Y còn đem lại một nguồn thu mà nhiều người làm nông nghiệp phải mơ ước.
Các loại rau được trồng trong mô hình khép kín, phát triển tốt và đảm bảo vệ sinh ATTP
Mỗi ngày, vườn của chị Y xuất ra thị trường hơn 30kg rau các loại, thu trên dưới 2 triệu đồng.
Thành công bước đầu
Sau nhiều cố gắng và tích cực học hỏi thì bây giờ ước mơ thực hiện mô hình làm nông nghiệp sạch, đảm bảo vệ sinh, an toàn sức khỏe cho người sử dụng của cô gái trẻ Nguyễn Thị Y (SN 1993, trú thôn An Lương, Duy Hải, Duy Xuyên, Quảng Nam) đã đạt những thành công bước đầu. Tâm sự với chúng tôi, chị Y cho biết, trước đây chuyên ngành học của chị không phải là nông nghiệp mà ngành Tiếng Anh ở ĐH Đà Nẵng.
Ngày ra trường, chị Y cũng đã tìm công việc làm hướng dẫn viên du lịch ở TP Hồ Chí Minh với mức lương ổn định. Mặc dù vậy, vì bản thân luôn đau ốm nên chị rất chú trọng đến vấn đề về sức khỏe của bản thân. Mỗi lần sử dụng các sản phẩm ở chợ đem về nhà sử dụng, chị rất e ngại đến vấn đề vệ sinh ATTP nên luôn tìm chọn những loại thực phẩm tốt nhất.
“Dù đã kỹ lưỡng như vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa tin tưởng vào những thực phẩm mà mình mua được. Phải tự mình trực tiếp làm ra mới có thể chắc chắn. Từ đó, tôi bắt đầu nảy sinh ý định sẽ xây dựng một mô hình sản xuất thực phẩm sạch. Đi nhiều nơi, tôi nhận thấy một số địa phương có các mô hình trồng rau thủy canh rất hay và hiệu quả lại đảm bảo được tính an toàn nên tôi bắt đầu cảm thấy hứng thú”, chị Y tâm sự.
Sau khoảng 1 năm tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật canh tác rau thủy canh trên mạng cũng như trực tiếp tham quan các mô hình ở Đà Lạt, đến tháng 6/2017, chị Y quyết định trở về quê nhà đầu tư 900 triệu xây dựng mô hình trồng rau thủy canh khép kín với màng lưới chống côn trùng, hạn chế ánh nắng trực tiếp trên phần diện tích 1.200m2 ở vườn nhà của mình.
Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế nên chị Y còn gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, một số loại rau không đủ ánh sáng, chất dinh dưỡng nên không phát triển tốt như mong đợi. Không hề nản chí, chị Y lại tiếp tục lên mạng tìm hiểu thêm để hoàn thiện kỹ thuật cho bản thân.
Đến nay, quyết tâm của chị đã mang lại thành công khi vườn rau luôn phát triển xanh tốt. Hiện mỗi ngày chị đã có khoảng trên dưới 30kg rau các loại xuất bán ra thị trường. Với giá từ 50.000 - 70.000 đồng/kg tùy loại, mỗi ngày Y thu về khoảng 2 triệu đồng.
Hiệu quả bền vững
Chia sẻ về phương pháp trồng rau thủy canh, chị Y cho biết, nếu như chịu khó học hỏi và nắm bắt kỹ thuật thì mô hình canh tác theo hình thức này không hề khó mà thậm chí còn đỡ công hơn so với trồng rau thông thường. Bởi với mô hình này, hầu như các công đoạn đều gần như tự động nhưng do chi phí đầu tư rất cao nên nhiều người ngại thực hiện.
Mỗi ngày, vườn rau thủy canh của chị Y bán ra thị trường trên dưới 30kg rau sạch các loại
“Tuy nhiên bù lại thì giá thành bán sản phẩm lại cao gấp nhiều lần các loại rau trồng theo cách thông thường vì sản phẩm đảm bảo được vấn đề vệ sinh ATTP. Trong tương lai, xu hướng người tiêu dùng sẽ chọn các sản phẩm an toàn nên các mô hình này sẽ còn mang lại hiệu quả hơn nữa”, chị Y nói.
Cũng theo chị Y thì mô hình rau thủy canh của chị luôn trải qua một quy trình nghiêm ngặt như hệ thống tưới nước tự động được điều chỉnh theo nhiệt độ ngoài trời. Nguồn nước tưới cho rau cũng được cơ quan chức năng kiểm tra kỹ càng trước khi đưa vào sử dụng. Có như thế mới loại trừ được các yếu tố độc hại để cây rau hấp thụ chất dinh dưỡng và phát triển tốt. Chị Y chọn công nghệ của lsrael và liên hệ trực tiếp với các đại lý chuyên bán hạt giống ở Nhật Bản, Hà Lan, Ý để đặt mua hạt giống về trồng.
Hạt giống sau khi nhập về sẽ được tra vào mút xốp có nước. Khi nảy mầm thì đưa vào ươm rồi tách ra và đưa vào rọ nhựa đặt lên giàn trồng. Toàn bộ chất dinh dưỡng đã được pha sẵn vào một hệ thống, cứ cách 1 giờ đồng hồ sẽ tưới một lần. Rau thủy canh có ưu điểm phát triển đều, hạn chế đến 95% sâu bệnh, lại trồng trong hệ thống nhà lưới nên cách ly được với bên ngoài lại có thể thu hoạch được quanh năm.
Hiện vườn của chị Y có gần 20 loại rau, trong đó các loại được thị trường ưa chuộng như xà lách lô lô tím, xà lách lô lô xanh, batavia, romaine, rocket… “Càng ngày, càng có nhiều người thích sử dụng thực sạch đã tìm đến vườn rau của mình đặt mua nên nhiều lúc không có đủ sản phẩm để bán. Thấy hiệu quả của mô hình này nên tới đây, mình sẽ mở rộng thêm diện tích trồng rau để đáp ứng nhu cầu thị trường”, chị Y tâm sự.
Có thể bạn quan tâm
Đậu tương rau là một món ăn có nguồn gốc từ Nhật Bản, khá ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, được thu hái khi quả còn xanh và luộc ăn như một món rau.
Cần biết rằng với cây lúa, trong mỗi đợt tưới bình thường với độ ngập 5 cm thì cũng chỉ cần 500 m3/ha và trong một vụ lúa chỉ cần tưới từ 10 đến 12 lần
Cây chùm ngây là khởi nguồn để chị Nguyễn Thu Thủy học hỏi cách chế biến các sản phẩm từ chùm ngây và đem đến những sản phẩm tốt nhất ra thị trường.