70% Đàn Vịt Mang Máu Vigova
Nhờ ưu thế vượt trội, có tới hơn 2/3 tổng đàn vịt ở ĐBSCL và một số tỉnh Đông Nam bộ là giống Vigova. Sức mạnh của con giống tốt đã giúp nông dân làm lợi hàng trăm tỷ đồng/năm…
TIẾN SĨ... VỊT
Bất cứ ai gặp TS Dương Xuân Tuyển, Trưởng phòng Khoa học & Hợp tác quốc tế, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ (Viện Chăn nuôi) đều cảm nhận được sự nhiệt huyết của ông với người chăn nuôi vịt ĐBSCL.
Chỉ mỗi đề tài con vịt, ông có thể nói cả ngày không hết chuyện. Cũng vì thế mà mấy chục năm qua, TS Tuyển gắn chặt mình với các đề tài nghiên cứu về giống vịt siêu thịt và siêu trứng, tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi vịt.
Theo TS Tuyển, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ bắt đầu công tác lai tạo giống vịt từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Lúc đó các giống vịt địa phương có năng suất trứng và thịt thấp, nuôi đến 90 ngày tuổi chỉ đạt khối lượng xuất chuồng 1,5 - 2,2 kg/con, tiêu tốn thức ăn cao.
Vào thời điểm đó cũng chưa có hệ thống nhân giống 4 cấp như bây giờ, cho nên khái niệm vịt bố mẹ và thương phẩm vẫn còn khá xa lạ đối với nhiều người chăn nuôi.
Đến thập kỷ 90, đơn vị bắt đầu nghiên cứu chọn tạo dòng, lần đầu tiên tạo thành công 2 dòng vịt chuyên thịt là V5 và V6 cho năng suất thịt tăng được 20 - 25% so với trước (kết quả nghiên cứu đã được báo cáo đánh giá xuất sắc tại Hội nghị Khoa học Bộ NN-PTNT, 2001).
Công tác chọn tạo dòng được đẩy mạnh vào những năm 2000, nhất là 10 năm trở lại đây. Nhờ vào nguồn gen nhập nội là các dòng vịt ông bà nhập từ châu Âu, vận dụng sáng tạo phương pháp chọn lọc cổ điển cũng như áp dụng phương pháp chọn lọc tiên tiến của thế giới như BLUP (ước lượng tuyến tính không chệch tốt nhất), có các phần mềm chuyên dụng hỗ trợ, có thể ước lượng giá trị giống của từng cá thể vịt một cách tương đối chính xác, chọn lọc định hướng, tạo ra các dòng vịt chuyên biệt về năng suất.
Đó là các dòng trống như V2, V5, V12 có khối lượng cơ thể cao, tiêu tốn thức ăn thấp, tỷ lệ thịt xẻ cao và các dòng mái như V1, V7, V17 có năng suất sinh sản cao. Phối hợp các dòng (chuyên môn gọi là tổ hợp dòng) để tạo ra vịt giống bố mẹ và thương phẩm cung cấp cho SX.
Lần đầu tiên đơn vị đã xây dựng được hệ thống nhân giống 4 cấp là dòng thuần, ông bà, bố mẹ và thương phẩm, giúp SX ra con giống có năng suất chất lượng cao nhưng giá thành hạ.
Năng suất vịt tăng đáng kể; năng suất trứng/42 tuần đẻ của vịt bố mẹ chuyên thịt đã vượt được ngưỡng 200 quả/mái; khối lượng xuất chuồng vịt thương phẩm nuôi thâm canh 56 ngày tuổi hoặc nuôi chăn thả 70 ngày tuổi đạt 3,3 - 3,5 kg/con, tỷ lệ thịt xẻ trên 72%, tiêu tốn thức ăn 7 tuần tuổi 2,55 kg, 8 tuần tuổi 2,75 kg.
Như vậy, trong vòng 20 năm, năng suất thịt đã tăng được khoảng 50 - 60% là một thành quả đáng khích lệ cho các nhà khoa học nghiên cứu về con vịt. Hiệu quả kinh tế, xã hội mang lại cho người chăn nuôi vịt là rất lớn.
Bên cạnh công tác di truyền giống, Phân viện cũng từng bước nghiên cứu để hoàn thiện các quy trình chăn nuôi, thú y và ấp nở. Dự án độc lập cấp nhà nước “Hoàn thiện hệ thống chăn nuôi vịt bố mẹ sinh sản siêu thịt (SM) tại ĐBSCL” do TS Dương Xuân Tuyển chủ trì, đã được Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đánh giá cao.
Bộ giống vịt chuyên thịt V2, V5, V1 và V7 hiện nay là giống gốc của Nhà nước giao cho Phân viện nuôi giữ. Hằng năm chuyển giao ra SX 180.000 - 200.000 con vịt bố mẹ 1 ngày tuổi, để từ đó SX ra 15 - 20 triệu con vịt thương phẩm (được 40 - 50 ngàn tấn thịt vịt hơi).
NÔNG DÂN LỢI HÀNG TRĂM TỶ/NĂM
Hai dòng vịt V2 và V7 của Phân viện Chăn nuôi Nam bộ do TS Dương Xuân Tuyển chủ trì vừa được Bộ NN-PTNT trao tặng giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ nhất, 2012.
Hiện nay, vịt siêu thịt thương hiệu Vigova cũng như vịt lai chiếm tỷ lệ lên tới 70% trong tổng đàn vịt tại ĐBSCL và một số tỉnh Đông Nam bộ. Ước tính, các giống vịt này mỗi năm làm lợi cho nông dân toàn vùng hàng trăm tỷ đồng do nâng cao năng suất và chất lượng con giống.
Để có thể phủ sóng giống vịt Vigova ở ĐBSCL, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ đã có ý tưởng độc đáo là vận động xây dựng một hệ thống vệ tinh nhân giống vịt cấp II trong nông hộ, bằng cách thành lập Hội Nuôi vịt Vigova ở nhiều tỉnh thành. Các hội viên là những hộ gia đình nông dân có vốn liếng, có năng lực kinh doanh và hiểu biết kỹ thuật.
Với cách làm này, Vigova đã huy động và khai thác được nguồn vốn, lao động, cơ sở chăn nuôi lớn trong dân để nhân giống vịt chất lượng cao phục vụ SX có hiệu quả.
Hệ thống SX giống vịt này đã được Bộ NN-PTNT đánh giá là hệ thống giống vịt tiên tiến, vì Nhà nước đầu tư thấp nhưng hiệu quả KT-XH cao, góp phần giảm giá thành chăn nuôi vịt khoảng 20%; đồng thời lại tạo cơ hội cho Trại vịt giống Vigova và các trại vịt giống vệ tinh cấp II hoà nhập với thị trường khu vực và thế giới.
Đến nay, chất lượng con giống của Trại Vigova đã tiếp cận được thị trường có uy tín quốc tế. Vịt giống bố mẹ của trại đã được xuất khẩu sang Ấn Độ, Malaysia, Lào, Campuchia, Sri Lanka...
Chưa bằng lòng với những thành tựu đạt được, TS Tuyển khẳng định, ông cùng với các đồng nghiệp tại Phân viện Chăn nuôi Nam bộ sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu chọn tạo thêm các dòng vịt chuyên thịt có tăng trọng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi, nhằm giảm tiêu tốn thức ăn, tăng tỷ lệ thịt filê, tăng giá trị kinh tế.
Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu các dòng vịt chuyên trứng có năng suất trứng cao, hoàn thiện các quy trình nuôi dưỡng để phục vụ nhiệm vụ chính trị của một đơn vị nghiên cứu và chuyển giao về khoa học công nghệ, góp phần phát triển nền chăn nuôi vịt nước nhà.
Ngoài ra, Phân viện Chăn nuôi Nam bộ còn nghiên cứu tự chế tạo thành công máy ấp trứng bán tự động, giá thành chỉ bằng 1/10 máy nhập ngoại và đã cung cấp trên 100 máy cho các hội viên của Hội Nuôi vịt Vigova, thay thế hoàn toàn quy trình ấp trứng thủ công trước đây, nâng tỷ lệ trứng nở từ 45 - 50% lên 80 - 85%, làm lợi cho các hội viên mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Theo Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản tỉnh Trà Vinh cho biết: Qua phân tích 6 mẫu bệnh phẩm thu tại xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông (Cầu Ngang) và xã Hiệp Thạnh (Duyên Hải) trên tôm thẻ chân trắng có 5 mẫu dương tính với virus đốm trắng.
Những năm qua, với lợi thế về tiềm năng kinh tế biển, hệ thống sông ngòi chằng chịt, Bình Đại (Bến Tre) phát triển ngành kinh tế mũi nhọn nuôi trồng thủy sản.
Vụ đông xuân 2013-2014, nhiều hộ nông dân ở Kiên Giang đã mua cặp thuốc “9 trong 1” của Công ty TNHH Hóa nông Lúa Vàng (Công ty Lúa Vàng) về phun cho lúa, nhưng sau khi phun, lúa cứ lụi dần và không thể trổ bông…
Từ đầu tháng 3/2014 cho đến nay, vùng biển xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) xuất hiện rất nhiều tôm hùm giống, ngư dân trong xã vui mừng vì “trúng biển”.
Ngày 19/2, phát biểu tại buổi việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre nhằm tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, ông Ng Teck Hean, Đại sứ Cộng hòa Singapore tại Việt Nam cho rằng hai lĩnh vực mà Singapore có thể hợp tác ngay với Bến Tre là đào tạo nguồn nhân lực và nhập khẩu nông- thủy-hải sản.