Trang chủ / Hải sản / Tôm hùm

6 yếu tố ảnh hưởng đến năng suất nuôi tôm hùm

6 yếu tố ảnh hưởng đến năng suất nuôi tôm hùm
Tác giả: Phạm Hải
Ngày đăng: 11/09/2021

Phân tích 6 yếu tố ảnh hưởng đến năng suất nuôi tôm hùm: Yếu tố con người, địa điểm nuôi,lồng nuôi,mật độ nuôi,thức ăn, dịch bệnh.

Yếu tố con người

Con người là một yếu tố quan trọng đối với sự hoạt động thành công của trại nuôi tôm. Bởi người nuôi là yếu tố kiểm soát tất cả các yếu tố khác của trại nuôi. Số lượng các nhân công làm việc tại một trang trại khác nhau tùy thuộc vào các yếu tố kinh tế, quy mô trang trại. Hành động sai sót hay thiếu hiểu biết của người nuôi có thể gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi, làm giảm sản lượng tôm và tăng tỷ lệ chết trong lồng. Việc tổ chức đào tạo, tập huấn cho người nuôi và nâng cao tầm quan trọng của công việc hàng ngày là biện pháp hiệu quả giúp giảm tổn thất cho tôm.

Địa điểm nuôi

Địa điểm nuôi hay chính là môi trường sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong nuôi tôm, quyết định nhiều tới sự thành bại của vụ nuôi. Do đó, trong quá trình nuôi, người nuôi nên chú ý quản lý tốt các yếu tố môi trường bằng cách ổn định môi trường nước trong ao, quản lý màu nước, độ mặn, nhiệt độ, ôxy… Môi trường nước vùng nuôi tôm hùm phải đảm bảo các chỉ tiêu: nhiệt độ 24 - 310C; pH: 7,5 - 8,5; độ mặn 30 - 35‰; ôxy hòa tan: 6,2 - 7,2mg/l. Việc kiểm tra phân tích giúp người nuôi lựa chọn được nguồn nước phù hợp điều kiện để nuôi thủy sản tránh gây hại cho tôm hùm. Từ đó, tránh được những tổn thất không đáng có. Người nuôi cần lưu ý đảm bảo các chỉ tiêu này trong ngưỡng thích hợp nhất, giữ ổn định suốt thời gian nuôi và vệ sinh định kỳ để tạo sự lưu thông nước tốt, hạn chế ô nhiễm.

Lồng nuôi

Lồng nuôi là một trong những nhân tố chính quyết định đến năng suất của vụ nuôi. Tùy thuộc vào quy mô, điều kiện quản lý chăm sóc để lựa chọn kích thước lồng nuôi sao cho phù hợp. Tuy nhiên, lồng nuôi có dạng hình hộp vuông sẽ giúp tận dụng tối đa diện tích. Theo khuyến cáo, lồng nuôi có kích cỡ 16 - 20 m2 là thích hợp cho sự phát triển của tôm hùm nuôi và của quy mô hộ gia đình. Nơi đặt lồng nuôi cách bờ > 1.000 m để trao đổi nước được tốt hơn; đáy lồng cách đáy biển > 0,5 m là thích hợp. Độ sâu mức nước nơi đặt lồng tối thiểu khi triều thấp là 4 m (đối với nuôi lồng găm), 4 - 8 m (đối với nuôi lồng sắt) và hơn 8 m (đối với lồng nổi). Khoảng cách giữa các lồng nuôi cần bố trí phù hợp để đảm bảo sự lưu thông nước tốt.

Mật độ nuôi

Mật độ nuôi có ảnh hưởng trực tiếp lên mức độ sinh trưởng, phát triển và tỷ lệ sống của tôm. Vì vậy, người nuôi cần phải lưu ý các mức độ nuôi tùy theo từng giai đoạn của tôm. Theo khuyến cáo, nên thả tôm ở các giai đoạn với các mật độ nuôi như sau: Cỡ “tôm trắng”: 30 - 40 con/m2 lồng; Cỡ 1,5 - 4,0 g/con:  25 - 30 con/m2 lồng; Cỡ 4 - 10 g/con: 15 - 20 con/m2 lồng; Cỡ 10 - 50 g/con: 10 - 15 con/m2 lồng; Cỡ 50 - 200 g/con: 7 - 10 con/m2 lồng; Cỡ > 200 g/con trở lên: 3 - 5 con/m2 lồng. Người nuôi lưu ý đến thời gian san thưa và phân cỡ tôm để nuôi nhằm tránh việc nuôi không đồng đều làm ảnh hưởng đến năng suất.

Thức ăn

Chi phí thức ăn trong nuôi tôm thường chiếm 50% tổng chi phí đầu tư và có ảnh hưởng quan trọng tới toàn bộ quá trình nuôi. Thức ăn cho tôm hùm chủ yếu là thức ăn tươi sống bao gồm các loại động vật giáp xác, động vật thân mềm, các loài cá tạp… Giải pháp tối ưu về giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế là việc kết hợp ba loại thức ăn tươi là cá, giáp xác và thân mềm theo một tỷ lệ nhất định ở từng thời kỳ phát triển của tôm nuôi. Tùy loại thức ăn mà xác định lượng cho ăn hợp lý, khẩu phần ăn hàng ngày bằng khoảng 15 - 17% khối lượng tôm thả. Trong khi nuôi, chỉ sử dụng thức ăn chất lượng cao, cho tôm ăn đúng nhu cầu, không sử dụng thức ăn hết hạn sử dụng hoặc bị mốc. Hàng ngày nên kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe, hoạt động của tôm và mức độ sử dụng thức ăn để có sự điều chỉnh hợp lý. Loại bỏ thức ăn thừa ra khỏi lồng nuôi để tránh dịch bệnh cho tôm.

Dịch bệnh

Đây luôn là yếu tố gây thiệt hại nặng nề nhất đối với người nuôi khi nó xảy ra. Quản lý tốt dịch bệnh sẽ giúp bảo đảm cho vụ nuôi thắng lợi. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, tôm có thể bị bệnh bởi nhiều tác nhân như: biến đổi thời tiết, các yếu tố bất lợi của môi trường, ký sinh, vi khuẩn, virus hoặc dinh dưỡng… Tôm hùm nuôi thường gặp phải một số bệnh như bệnh sữa, hội chứng to đầu, bệnh đóng rong, đen mang… Khi bệnh xảy ra, người nuôi cần xử lý triệt để và có trách nhiệm, báo ngay cơ quan liên quan để xử lý kịp thời, đúng cách. Tránh tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh điều trị bệnh khi chưa cần thiết gây ra những hệ lụy khác…


Có thể bạn quan tâm

Lưu ý ương tôm hùm giống Lưu ý ương tôm hùm giống

Vị trí thích hợp để xây dựng hệ thống ương tôm hùm giống? Loại thức ăn nào được sử dụng trong ương tôm hùm?

12/05/2021
Bệnh sữa ở tôm hùm và cách điều trị bệnh sữa hiệu quả nhất! Bệnh sữa ở tôm hùm và cách điều trị bệnh sữa hiệu quả nhất!

Tôm hùm hiện được nuôi phổ biến và có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm hùm thường xuyên xảy ra, đặc biệt là bệnh sữa ở tôm hùm

04/06/2021
Hướng dẫn, tăng cường quản lý nuôi tôm hùm lồng Hướng dẫn, tăng cường quản lý nuôi tôm hùm lồng

Hiện nay, số lượng lông nuôi tôm hùm ngày càng tăng với mật độ thả nuôi dày dẫn đến khả năng trao đối nước kém, làm cho môi trường nuôi tiếp tục ô nhiễm hữu cơ

11/08/2021